Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đã phát hiện việc kê khai giá thấp xe sang nhập khẩu diện biếu tặng'

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết xe nhập về biếu tặng không được miễn bất kỳ loại thuế nào. Nhưng cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp kê khai xe giá thấp.

Trong phiên trả lời chất vấn sáng 8/6, nhiều vấn đề như giảm thuế xăng dầu, thao túng thị trường vốn, quản lý thuế với xe biếu tặng... được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ những khó khăn vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến đất đai và vấn đề gói thầu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) 10 năm vẫn chưa triển khai xong.

Có chuyện kê khai giá thấp với xe sang nhập khẩu diện biếu tặng

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề xe sang nhập khẩu về Việt Nam theo diện biếu tặng có bị thất thu thuế hay không, Bộ trưởng Tài chính cho biết thông thường các hãng xe muốn kinh doanh ở thị trường Việt Nam sẽ phải đặt đại lý trong nước và người dân mua qua đại lý. Tuy nhiên, có nhiều loại xe có số lượng bán ít nên không có đại lý. Vì vậy, đã có hiện tượng lợi dụng nhập khẩu xe theo diện biếu tặng để mang về Việt Nam.

Bo truong Tai chinh tra loi chat van truoc Quoc hoi anh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VGP.

Ông Phớc cho biết theo quy định hiện nay, xe nhập khẩu theo diện biếu tặng không được miễn, giảm bất kỳ loại thuế nào, từ thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập… "Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức kiểm tra và phát hiện có trường hợp doanh nghiệp kê khai giá xe thấp hơn giá trị thực tế", ông nói.

Tuy nhiên, cơ quan Hải quan đã căn cứ theo bảng giá với các loại xe và yêu cầu xác định tăng lên, xác định lại để thực hiện tính thuế.

Thời gian qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để kiểm tra, điều tra về việc xe sang nhập khẩu về Việt Nam theo diện biếu tặng. Bộ đã giao Tổng cục Hải quan làm việc với C03 của Bộ Công an tổ chức họp nhiều lần và kiểm tra, hiện chưa có kết quả.

Tuy nhiên, sau khi các Cục Thuế, Cục Hải quan địa phương rà soát, xem xét lại để xác định có tình trạng thất thu thuế hay việc định giá xe có chính xác hay không, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan thì chưa phát hiện việc thất thu thuế và các loại thuế đều được kê khai, nộp đầy đủ.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nêu ra thực trạng nhiều xe biếu tặng phục vụ mục đích cộng đồng, y tế... không được miễn thuế. Ví như trong lúc dịch Covid-19, TP.HCM nhận được nhiều xe cấp cứu từ nước ngoài. Có xe cấp cứu giá gần 5 tỷ, doanh nghiệp phải đóng thêm hơn 600 triệu nhập về rồi mới tặng được cho bệnh viện.

"Trong chính sách sắp tới, đề nghị Bộ Tài chính đề nghị đưa xe cứu thương vào danh mục miễn giảm thuế", bà Châu nói.

Bộ trưởng Tài chính thừa nhận quy định hiện nay còn chỗ chưa phù hợp. Ông nhấn mạnh sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu.

HoSE sắp nâng room xử lý lên 5 triệu lệnh/ngày

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính cho biết thực tế, dự án hệ thống công nghệ thông tin HoSE ký với KRX không phải 10 năm mà đã kéo dài 22 năm. Đây là dự án do Hàn Quốc tài trợ, hiện vẫn chưa xong và Bộ Tài chính đang tích cực thúc đẩy triển khai với các biện pháp mạnh, yêu cầu nhà thầu phải sang thực hiện hoàn thiện gói thầu với thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, khi gói thầu này chưa hoàn thành, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án dùng công nghệ của sàn HNX đưa vào HoSE, qua đó tăng được room xử lý từ 1 triệu lệnh/ngày lên 3 triệu lệnh. Hiện nay, hệ thống cần xử lý khoảng 2,5 triệu lệnh/ngày và Bộ đã có kế hoạch nâng room xử lý lên 5 triệu lệnh/ngày, để đảm bảo cho hệ thống công nghệ thông tin của sàn HoSE không bị nghẽn mạch như thời gian vừa qua.


Bo truong Tai chinh tra loi chat van truoc Quoc hoi anh 2

Bộ Tài chính đang có kế hoạch nâng tốc độ xử lý của sàn HoSE lên 5 triệu lệnh/ngày. Ảnh: Nam Khánh.

Bộ trưởng Phớc cũng nhắc lại sự kiện hệ thống giao dịch chứng khoán của sàn HoSE bị nghẽn liên tục trong giai đoạn tháng 4-5/2021 và phải mất 100 ngày để “giải cứu” với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ trong nước và các chuyên gia giỏi.

Về hệ thống giao dịch KRX dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính cho biết hệ thống giao dịch hiện tại sẽ làm hệ thống dự phòng, trường hợp vận hành bị nghẽn hoặc sự cố, hệ thống dự phòng sẽ lập tức được thực hiện đảm bảo sự thông suốt và phát triển dài hạn của thị trường.

“Hệ thống hiện nay cũng đã có một hệ thống dự phòng, vừa rồi khi bị ngắt mạch thì đưa hệ thống dự phòng được đưa vào hoạt động ngay. Với việc hệ thống KRX hoàn thành nữa thì có thể đảm bảo hoạt động giao dịch của nhà đầu tư diễn ra thông suốt”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Vướng mắc cổ phần hóa vì đất đai

Liên quan vấn đề cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Tài chính việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình này. Đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động cổ phần hóa diễn ra chậm chạp thời gian vừa qua.

Cụ thể, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, tuy nhiên việc phê duyệt phương án này hiện nay diễn ra rất chậm. Trong năm 2021, cả nước chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp và cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, tổng số thu ngân sách là hơn 4.400 tỷ đồng. “Đây là vấn đề mà luật pháp cũng cần hoàn thiện”, Bộ trưởng Phớc, nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết thêm theo nghị định của Chính phủ, nếu tài sản của doanh nghiệp Nhà nước gắn liền với đất mà thuê hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhưng nếu nộp tiền đất một lần thì được tính vào giá trị doanh nghiệp. Ông cho rằng đây cũng là một lỗ hổng cần được xem xét lại để đảm bảo sau khi cổ phần hóa đất đai không bị thất thoát.

Bộ trưởng Phớc cho biết thời gian qua đã có nhiều đất đai bị thất thoát thông qua việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Tổng công ty Công nghiệp Tân Thuận… Qua các vụ án xảy ra, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo đó, khi UBND tỉnh phê duyệt thì đất là đất thuê, doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất 1 lần với thời hạn sử dụng 50 năm sau, nhưng khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần thì lại xin UBND tỉnh, thành phố phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đó tạo ra thất thoát, tài sản của Nhà nước, chuyển qua tư nhân.

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh nếu đánh giá, xem xét việc sửa các quy định liên quan hoạt động này là đúng thì sẽ tiến hành sửa để đảm bảo phát triển một cách bền vững và lâu dài.

Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước nếu sử dụng đất là đất thuê trả tiền hàng năm để kinh doanh thì khi chuyển qua là doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân vẫn phải sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt trong phương án sử dụng đất. Nếu không có nhu cầu sử dụng thì trả lại, Nhà nước sẽ thanh toán tiền thuê đất cho doanh nghiệp và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách. Theo Bộ trưởng điều này sẽ giúp địa tô chênh lệch không rơi vào túi doanh nghiệp mà do Nhà nước điều tiết.

“Quy định này sẽ thúc đẩy được năng lực của nền kinh tế. Cổ phần hóa là để nâng cao năng lực của doanh nghiệp chứ không phải sau cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, giải tán công nhân, bán máy móc thiết bị, lấy khu đất này để bán lấy địa tô chênh lệch chuyển qua đất ở”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Nếu làm được các mục tiêu trên, Bộ trưởng cho rằng năng lực của nền kinh tế, sức mạnh của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, đồng thời không khuyến khích doanh nghiệp nhìn những khu đất thương mại để tham gia cổ phần hóa.

Rủi ro đằng sau gần 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối quý I/2022 đã đạt 16,4% GDP, tuy nhiên, việc thị trường này tăng trưởng 'nóng' đã phát sinh một số rủi ro.


Ngan hang lai lo thua tien hinh anh

Ngân hàng lại lo thừa tiền

0

Dòng tiền gửi trở lại kênh ngân hàng nhờ lãi suất huy động tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng tại hầu hết ngân hàng đã chạm trần khiến các nhà băng đứng trước nỗi lo thừa tiền.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm