Chiều 10/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2018 để thông tin những vấn đề dư luận quan tâm.
Tại buổi họp báo, phóng viên hỏi lãnh đạo Đà Nẵng về việc trước đây địa phương xây dựng Trung tâm hành chính cao 23 tầng (đường Trần Phú) và tòa nhà Công viên phần mềm (đường Quang Trung, cùng ở quận Hải Châu) ngay sát công viên Thành Điện Hải có vi phạm luật Di sản?
Trung tâm hành chính Đà Nẵng cao 23 tầng . Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Bây giờ Thành Điện Hải được Thủ tướng công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vậy địa phương có đập bỏ hai công trình này để trùng tu, tôn tạo Thành Điện Hải theo đúng luật Di sản không?", phóng viên hỏi.
Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng viện dẫn các quy định của luật Di sản đang có hiệu lực, cho rằng hai tòa nhà trên được xây dựng nằm sát phần đệm của Thành Điện Hải là vi phạm.
Theo quy định thì các di tích lịch sử như Thành Điện Hải có hai phần cần bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là toàn bộ các công trình, hạng mục bên trong khuôn viên di tích. Thứ 2 là phần đệm - tức khu vực bên ngoài thành.
"Theo Luật Di sản thì các công trình xây dựng phải cách phần đệm 50 m. Công trình Trung tâm hành chính Đà Nẵng được xây cách Thành Điện Hải chỉ khoảng 7 m nên vi phạm luật", ông Hùng khẳng định.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mong dư luận chia sẻ về việc này vì các công trình kiên cố trên đã đưa vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.
Thành Điện Hải chụp từ trên cao. Ảnh: Thanh Hiếu. |
Ông nói không phải các vị lãnh đạo tiền nhiệm làm hai tòa nhà này là sai. "Khi đó, chúng ta chỉ nhận thức được đến đó, tiền cũng chỉ chừng ấy nên xây Trung tâm hành chính như hiện nay để các sở ngành làm việc", ông Thơ giải bày.
Chủ tịch Đà Nẵng không khẳng định hay phủ định về việc đập bỏ hai công trình nói trên. Ông cho biết ngày 29/3, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công trùng tu Thành Điện Hải. Giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành tháng 10 tới, với kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
Theo ông Thơ, lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai giai đoạn 2 của dự án (thực hiện trong năm 2019-2020), gồm các hạng mục bên trong Thành Điện Hải (sau khi di dời Bảo tàng Đà Nẵng).
Thành Điện Hải là nơi danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy đội quân đánh lui liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng vào ngày 1/9/1858.
Thành Điện Hải được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556 m, tường cao 5 m, hào sâu 3 m.
Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác, và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn.
Thành này trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Năm 1823, đời vua Minh Mạng, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835, được đổi tên là Thành Điện Hải.