Ngày 15/6, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở công trình nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương tại quận Thanh Khê.
Công trình thuộc Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng với tổng dự toán được phê duyệt gần 230 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của thành phố. Thời gian triển khai thực hiện từ nay đến năm 2017.
Vị trí xây dựng hầm chui. |
Theo đó, công trình có quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, chịu được động đất cấp 7. Hầm có dạng chữ Y với tổng chiều dài 409,5 m; đoạn hầm kín có chiều dài 80 m. Nhánh đường hầm phía Lý Thái Tổ dài 165,65 m, rộng 17 m. Lối rẽ đường hầm về phía ngã 3 Huế gồm 2 nhánh, mỗi nhánh dài 163,85 m, rộng 8,25 m.
Đối với phần đường dẫn, nhánh nút đường Điện Biên Phủ phía ngã 3 Huế đi vào tâm nút được giữ nguyên bề rộng nền đường 48 m, tổ chức lại các làn xe bằng cách xén vỉa hè và dải phân cách. Nhánh từ tâm nút đi đường Lý Thái Tổ được mở rộng mặt cắt ngang từ 26 m lên 42,2 m nhằm tổ chức lại các làn xe bằng cách xén vỉa hè phía Công viên 29/3.
UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng, BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc đầu tư cầu vượt bộ hành ngang đường Điện Biên Phủ tại khu vực nút giao (nếu cần thiết), báo cáo lãnh đạo TP xem xét, quyết định.
Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo theo đúng quy định hiện hành.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, công trình này sẽ triển khai vào quý III năm nay và hoàn thành vào năm 2017, kịp thời đưa vào sử dụng để phục vụ hội nghị cấp cao APEC. Bên cạnh đó, khi dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, đồng thời khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các khu vực lân cận.
Phối cảnh 3D hầm chui ở nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ. |
Cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp nghe đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm và các sở ngành báo cáo phương án thiết kế, thi công và nguồn vốn xây dựng hầm qua sông Hàn.
Theo đơn vị tư vấn thiết kế, hầm qua sông Hàn có điểm nối từ đường 3/2 - Đống Đa (quận Hải Châu) đến vòng xoay đường Vân Đồn (quận Sơn Trà). Hầm dài 1.315 m, trong đó đoạn chìm dài 900 m, có 6 làn xe. Thời gian thực hiện dự án từ quý 4/2016 đến cuối năm 2019, tổng vốn là 4.088 tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, đề nghị đơn vị tư vấn cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề như khi xây dựng hầm xong thì phải tính đến việc khớp nối với các trục giao thông, khu đô thị 2 bên hầm. Đồng thời tính toán kỹ lưỡng độ dốc, độ cong trong hầm khi xây dựng để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Một số lãnh đạo tham dự cuộc họp cũng lo lắng, ở sông Hàn thường có gió to, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng trong thiết kế chưa có phương án ứng phó với các tình huống thiên tai.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc xây cầu hoặc hầm là đáp ứng nhu cầu đi lại người dân và du khách. “Dự án dù có tốn kém nhưng giải quyết căn cơ được nhiều vấn đề, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ phát triển du lịch... thì nên mạnh dạn. Về số tiền đầu tư cho dự án, TP sẽ cân đối ngân sách và bán đấu giá các lô đất ven biển để bù vào", ông Thơ nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu UBND TP Đà Nẵng cũng thận trọng, đây là vấn đề lớn nên lãnh đạo TP chưa quyết định. Ông giao lãnh đạo các sở ngành có liên quan phối hợp với tư vấn để đưa ra phương án thi công tối ưu nhất, đồng thời lựa chọn nhà thầu có trình độ cao đảm bảo việc thi công chất lượng, an toàn tuyệt đối, rút ngắn thời gian thi công công trình.