Theo DKRA, suốt 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế không ghi nhận bất cứ nguồn cung mới nào ở cả 3 phân khúc biệt thự, nhà phố/shophouse và condotel.
Cung và cầu về mức 0
Đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, đây là quý thứ 3 liên tiếp thị trường không có nguồn cung mới. Hầu hết sản phẩm đang mở bán đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ.
Sức cầu thị trường cũng ở mức rất thấp, hơn 60% dự án đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch, dù mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với cùng kỳ năm trước, vẫn dao động khoảng 9,1-131,1 tỷ đồng/căn.
DKRA cho biết xu hướng chia sẻ doanh thu tiếp tục được áp dụng rộng rãi và dần thay thế hình thức chia sẻ lợi nhuận bởi sự minh bạch về dòng tiền.
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tiếp tục khan hiếm. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Không khá khẩm hơn, phân khúc shophouse nghỉ dưỡng cũng ghi nhận cả nguồn cung mới và lượng tiêu thụ đều bằng 0, với giá chào bán sơ cấp 7,1-16,3 tỷ đồng/căn.
Phân khúc shophouse nghỉ dưỡng vẫn còn khá mới và chưa thật sự phát triển tại thị trường ba tỉnh miền Trung
DKRA
Theo các chuyên gia tại DKRA, phân khúc shophouse nghỉ dưỡng vẫn còn khá mới và chưa thật sự phát triển tại thị trường ba tỉnh miền Trung.
Không chỉ vậy, phân khúc này còn phải cạnh tranh gay gắt với shophouse thương mại sở hữu lâu dài, do đó chưa thể tạo ra sự tăng trưởng như những bất động sản du lịch khác trong khu vực.
Tình trạng ảm đạm cũng diễn ra ở phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) khi hầu hết dự án đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch. Lũy kế đến hết quý I có khoảng 669 căn condotel tồn kho.
Sự trầm lắng này cùng việc thanh tra hàng loạt dự án càng khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng. Mặt bằng giá chào bán sơ cấp trong 3 tháng đầu năm cũng không có nhiều biến động so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái, vẫn dao động từ 33 tỷ đồng đến 121,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số căn condotel được rao bán trên thị trường thứ cấp với mức giá giảm 10-15% so với giá bán trên hợp đồng, chủ yếu từ những nhóm khách hàng sử dụng đòn bẩy ngân hàng.
Câu chuyện chung của mọi miền
Không chỉ tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận, báo cáo của DKRA còn cho thấy sự lao dốc của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khắp cả nước. Suốt 3 tháng đầu năm chỉ có tổng cộng 9 căn biệt thự nghỉ dưỡng được giao dịch thành công, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung mới của phân khúc này cũng giảm 96% so với quý I/2022 khi cả thị trường chỉ có thêm 42 căn được chào bán.
Thậm chí, tình hình của phân khúc shophouse nghỉ dưỡng còn đáng lo ngại hơn khi cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ giảm đến 99%. Thậm chí, cả miền Bắc không ghi nhận dự án mới.
Diễn biến thị trường shophouse nghỉ dưỡng trên cả nước trong quý I. Ảnh: DKRA. |
Theo DKRA, nguồn cung condotel trong quý II dự kiến đạt 300-350 căn, tuy nhiên tập trung phần lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Quảng Ninh. Trong khi đó, Kiên Giang sẽ là điểm sáng nguồn cung cho phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng.
Sức cầu chung dự báo tăng nhẹ so với quý I, nhưng không có nhiều sự đột biến và chưa có dấu hiệu cho thấy sự hồi phục trong ngắn hạn.
"Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định, khó có những biến động mạnh về giá. Các chính sách chiết khấu, giảm giá tập trung ở phương thức thanh toán nhanh bằng vốn tự có sẽ được áp dụng rộng rãi trong quý II", các chuyên gia tại DKRA nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.