Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng phủ nhận việc kiện Bộ Tài nguyên - Môi trường

Ngày 10/4, Bộ TN-MT tổ chức buổi đối thoại với lãnh đạo TP.Đà Nẵng xung quanh các tranh cãi trong việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2.

Đà Nẵng chưa đồng ý thì Bộ chưa trình Chính phủ

Chỉ khoảng một tháng nữa vụ hè thu bắt đầu, trong thời gian này nếu thủy điện Đắk Mi 4 không trả lại nước cho khu vực vùng hạ du, đồng nghĩa với việc toàn bộ diện tích 30.000 ha lúa, hoa màu của người dân vùng hạ du sông Vu Gia sẽ lâm tình trạng khô hạn, mất mùa.

Trước đó, một quan chức cấp sở của Đà Nẵng từng phát biểu trên báo chí, nếu Bộ TN- MT không yêu cầu các thủy điện này trả lại nước cho vùng hạ du sông Vu Gia thì Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam sẽ cùng dân kiện Bộ này ra tòa.

Tuy nhiên, trong buổi đối thoại sáng 10/4, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết lại khẳng định: "Bí thư và Chủ tịch UBND TP không phát biểu như vậy. Đà Nẵng cảm ơn Bộ đã quan tâm tới lợi ích hạ du. Về cơ bản, TP cũng đồng thuận với quy trình dự thảo đưa ra”.

Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Phùng Tấn Viết.
Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Phùng Tấn Viết.

Còn Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai thì thẳng thắn Bộ không làm tổn hại cho người dân, không ngại đối thoại với Đà Nẵng. Bộ không quản lý thuỷ điện nào nên không có lý do gì để bênh các thuỷ điện. Quy trình đang trong quá trình hoàn thiện, nếu tính toán chưa chính xác có thể điều chỉnh.

Ông Lai cho biết thêm, khi phê duyệt xây dựng cho Đắk Mi 4, báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ quy định xả về hạ du với lưu lượng 3 m3/s. Qua đánh giá, Bộ thấy mức xả này không đủ nên kiến nghị với Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư thiết kế cống xả tối đa 25 m3/s. Như vậy, Bộ rất quan tâm đến nhu cầu dùng nước ở hạ du, đặc biệt với Đà Nẵng. Ban soạn thảo quy trình có tới 6 bộ, ngành. Bộ lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, nếu tất cả đều đồng ý nhưng riêng Đà Nẵng chưa đồng ý thì chưa trình Chính phủ.

Theo ông Phùng Tấn Viết, năm 2010, tại cuộc họp ở Tây Nguyên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Đắk Mi 4 xả 25 m3/s. Vì vậy, Đà Nẵng yêu cầu Đắk Mi 4 xả liên tục với lưu lượng này trong suốt mùa cạn. Tuy nhiên, với quy trình đưa ra mực nước khống chế tại trạm Ái Nghĩa là 2,53 m, Đà Nẵng thấy cần phải điều chỉnh tới mực nước 2,80 m mới đảm bảo lượng nước cho hạ du.

Ngoài ra, quy trình vận hành liên hồ cũng phải tính toán đến yếu tố biến đổi khí hậu. Ví dụ năm 2002, ở Đà Nẵng nhiễm mặn xảy ra với tần suất thấp nhưng từ 2012 trở lại đây, thời tiết cực đoan hơn, nhiễm mặn nhiều hơn, tác động xâm thực bờ biển cũng rõ ràng hơn. TP phải huy động các trạm bơm liên tục.

Vận hành đúng quy trình, chủ đầu tư thiệt hàng trăm tỷ

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN- MT), cho biết theo quy trình dự thảo quy trình liên hồ, từ ngày 16/12 - 31/8 hàng năm, các hồ A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu cho hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện.

Các hồ vận hành theo giá trị mực nước tại trạm thuỷ văn Ái Nghĩa và Giao Thuỷ. Kết quả thống kê chuỗi thủy văn từ năm 1976 - 2008 (trước khi có hồ thủy điện) cho thấy, mực nước trung bình 3 tháng nhỏ nhất tại trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,67 m, trung bình một tháng nhỏ nhất là 2,53 m. Do vậy, nếu đảm bảo được giá trị mực nước tại Ái Nghĩa từ 2,53 m trở lên sẽ đáp ứng được nhu cầu nước hạ du.

Theo ông Đào Minh Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - IDICO (chủ đầu tư thuỷ điện Đắk Mi 4), trường hợp thuỷ điện Đắk Mi 4 phải vận hành theo đúng qui trình dự thảo, thiệt hại của IDICO là rất lớn.

Cụ thể, nếu Đắk Mi 4 phải xả tối đa 25 m3/s, sản lượng điện sẽ giảm 144,58 triệu kWh/năm, tương đương gần 150 tỷ đồng. Trường hợp chỉ phải xả tối thiểu (8 m3/s), thuỷ điện cũng bị giảm 77,6 triệu kWh/năm, tương đương gần 90 tỷ đồng. Nếu tính cả việc điều chỉnh qui trình vận hành liên hồ mùa lũ, mỗi năm IDICO chịu thiệt hại 136-205 tỷ đồng.  

Như vậy, IDICO sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư cũng như trả nợ các khoản vay nếu vận hành theo đúng qui trình đó. Trong trường hợp buộc phải tuân thủ, IDICO kiến nghị Chính phủ và tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán lại giá bán điện của thuỷ điện Đắk Mi 4 đồng thời cho Đắk Mi 4 không tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định, những thiệt hại của chủ đầu tư Đắk Mi 4 sẽ được phản ánh đầy đủ trong tờ trình trình Chính phủ để Chính phủ xem xét có những hỗ trợ nhất định.

Do thuỷ điện Đắk Mi 4 là công trình chuyển dòng, lấy nước từ sông Vu Gia trả về sông Thu Bồn nên gây tranh chấp nguồn nước giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thừa nhận Đắk Mi 4 đưa nước về Thu Bồn, mùa kiệt thì sông này được hưởng lợi, nhưng làm cho Vu Gia nhiễm mặn, Đà Nẵng thiệt hại.

Các hồ phải điều tiết thế nào để trước mùa mưa bão, mực nước xuống 2,40 m. Khi mực nước đạt 2,80 m vào mùa kiệt, thuỷ điện có thể ngừng xả về hạ du. Ông Quang cho rằng, Bộ TN-MT nên giao cho Uỷ ban quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đứng ra điều tiết chia sẻ nguồn nước.

 

Thanh Tuyền

Bạn có thể quan tâm