Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng ngăn cá chết lén lút vào thành phố

Chính quyền Đà Nẵng đang tìm cách ngăn chặn hải sản lén lút được đưa vào thành phố tiêu thụ, sau thông tin cá chết hàng loạt ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Là thành phố du lịch, mùa cao điểm, Đà Nẵng tiêu thụ hàng chục tấn hải sản mỗi ngày. Tuy nhiên, từ lúc xuất hiện cá chết ở ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chưa rõ nguyên nhân, người tiêu dùng đang tỏ ra lo ngại. Lực lượng chức năng cũng đang tìm cách ngăn chặn loại thực phẩm này được lén lút chuyển vào Đà Nẵng tiêu thụ.

Người mua lo lắng

Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện đúng dịp "bão" thực phẩm bẩn nên đã có sự tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng.

Tại chợ Đống Đa ở Đà Nẵng, nhiều tiểu thương cho hay, việc buôn bán bị cầm chừng từ khi thông tin cá chết hàng loạt ở các tỉnh bắc miền Trung xuất hiện hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông.

"10 người đến mua thì có 9 người hỏi cá ni đánh bắt ở mô, liệu có phải cá chết ở ngoài Huế mang vô đây bán không?", bà Lan, một tiểu thương ở chợ Đống Đa, kể.

Với thâm niên bán hải sản gần 10 năm ở chợ, bà nói rằng, các tiểu thương không dại gì nhập hải sản từ Huế về để bán. "Nói về hải sản thì ngư trường Hoàng Sa vẫn ngon nhất. Do đó, chúng tôi chỉ lấy cá của các ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh bắt", bà này nói.

Theo bà, người mua lo lắng cũng đúng bởi giữa "rừng" thông tin về thực phẩm bẩn, tâm lý người dân bị ảnh hưởng là điều đương nhiên. 

Ca chet hang loat o mien Trung anh 1

Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng khuyến cáo các bà nội trợ chỉ nên mua các loại hải sản còn tươi sống. Ảnh: 

Đoàn Nguyên.

Nhiều tiểu thương ở chợ Mai (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng cho biết, khoảng một tuần nay, lượng tiêu thụ hải sản đã giảm khoảng 30%.

Bà Nguyễn Thị Chiến chia sẻ, trước đây, trung bình mỗi ngày bà bán được hơn 100 kg hải sản các loại. Tuy nhiên, khoảng 5 ngày nay, bà chỉ nhập về 70 kg mà bán vẫn không hết.

Khách hàng cũng chung tâm trạng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Nga (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) tiết lộ, cá thu và mực cơm là hai món ưa thích của các thành viên trong gia đình chị. Nhưng từ khi có thông tin cá chết hàng loạt, chị chuyển sang mua các loại cá nước ngọt như rô, lóc... còn sống cho an toàn. 

Ngăn chặn đem cá chết vào Đà Nẵng tiêu thụ

Mặc dù vùng biển Đà Nẵng đang an toàn nhưng người dân và các cơ quan chức năng đang rất lo lắng cá chết sẽ được mang vào thành phố tiêu thụ. Sự lo ngại này có cơ sở bởi mới đây, Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ xe tải chở 15 tấn cá có mùi hôi được một chủ hàng thu mua từ các chợ trên địa bàn để đưa vào Nha Trang làm nước mắm.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm này, hiện tượng cá chết hàng loạt trên vùng biển Đà Nẵng vẫn chưa được phát hiện. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo lắng, Bộ Tài nguyên môi trường (TNMT), NN&PTNT vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến cá chết trên vùng biển Bắc Trung bộ, nên đây là vấn đề hết sức phức tạp.

"Chi cục Thủy sản Đà Nẵng đang theo dõi sát tình hình. Tuy chưa thấy có hiện tượng gì bất thường nhưng chúng tôi cũng rất lo. Nếu cá cứ chết dần vào phía Nam thì đề nghị các Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN), TNMT, NN&PTNT phải nghiên cứu và sớm đưa ra kết luận”, ông Tám cho hay.

Vị lãnh đạo này cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh bắc miền Trung. Đơn vị phải thường xuyên cử người kiểm tra tại các chợ đầu mối để ngăn chặn nguy cơ nguồn cá chết dược đem từ các tỉnh như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... vào Đà Nẵng tiêu thụ.

"Chúng tôi đang kiểm soát tình hình. Nếu xuất hiện việc đưa nguồn hàng hải sản chết từ nơi khác đến Đà Nẵng tiêu thụ thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông Tứ khẳng định.

Ca chet hang loat o mien Trung anh 2
Hiện tượng cá chết hàng loạt khiến sức tiêu thụ hải sản ở Đà Nẵng giảm 30% so với trước. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ngư dân vẫn bình thản

Theo ghi nhận của Zing.vn, sáng 26/4, tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), hàng chục con tàu của ngư dân vẫn tiếp tục rẽ sóng ra khơi. Nhiều người cho biết, việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh bắc miền Trung chưa có sự tác động mạnh đến Đà Nẵng.

"Ngư trường đánh bắt của chúng tôi là ở quần đảo Hoàng Sa- vùng biển khác hoàn toàn ở khu vực phía bắc. Chúng tôi đi biển mới về được 2 hôm, không thấy có hiện tượng cá chết", ông Nguyễn Hữu Khanh (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), thông tin.

Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng cho hay, hoạt động đánh bắt và giá cả các mặt hàng thủy sản ở Đà Nẵng vẫn bình thường.

Khảo sát của Zing.vn sáng nay cho thấy, những chuyến tàu đầy ắp cá tôm vẫn thường xuyên cập bến.

"Đang là mùa cao điểm tiêu thụ hải sản nên không đi biển thì quá lãng phí. Mỗi ngày, các nhà hàng thu mua hàng chục tấn cá, mực, nếu chúng tôi không đi khai thác thì lấy hàng đâu để giao chọ họ", ông Trần Văn Hợi (trú phường Nại Đông, quận Sơn Trà), nói.

Ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP Đà Nẵng thông tin, chuyện người dân lo lắng trước hiện tượng cá chết hàng loạt là phản ứng tâm lý bình thường. Vị lãnh đạo này trấn an, đến thời điểm này, vùng biển Đà Nẵng vẫn chưa xuất hiện cá chết.

"Nguồn hải sản tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn Đà Nẵng được ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các bà nội trợ cũng nên chọn những loại hải sản còn tươi sống để mua, không nên dùng cá đã chết, ươn để chế biến thức ăn cho gia đình", ông Tứ khuyến cáo.

Tiểu thương miền Trung rầu rĩ ngồi nhìn cá ế

Thông tin về tình trạng cá chết ven biển dọc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị khiến nhu cầu tiêu thụ yếu đi. Tiểu thương ở các chợ ngồi thẫn thờ nhìn cá ế chất đống.

 

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm