UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới. Quyết định tăng giá đất này có hiệu lực từ ngày 11/2 khiến hàng nghìn người dân nợ tiền đất tái định cư phải trả nợ cao gấp nhiều lần so với nợ gốc.
Nợ chồng chất
Hơn 15 năm trước, hàng vạn người dân Đà Nẵng phải nhường đất cho chính quyền chỉnh trang đô thị. Để tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở mới, địa phương đã bán cho các hộ dân diện giải tỏa các lô tái định cư. Đối với những hộ khó khăn, thành phố cho nợ tiền.
Năm 2005, gia đình bà Hoa (trú tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bị giải tỏa và được bố trí lại một lô đất tái định cư, tiền đất nợ là 120 triệu đồng. Sau nhiều năm tích góp được ít tiền, bà Hoa liên hệ với chính quyền sở tại để trả nợ thì mới biết số tiền của mình phải trả là hơn 2 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân ở Đà Nẵng đang gặp khó khăn do UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh giá bất động sản. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Anh Lĩnh (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết trước đây gia đình nợ tiền đất của thành phố hơn 350 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh giá đất do UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành trước Tết, số tiền mà gia đình phải trả tăng lên gần 1,8 tỷ.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng, xác nhận đến ngày 31/1, có gần 7.200 hộ dân còn nợ tiền sử dụng đất (có cả số hộ nợ quá hạn và còn trong hạn nộp chậm). Trong đó, số hộ nợ đất tái định cư là 6.958 hộ với số tiền 866,562 tỷ đồng.
Tăng giá đất theo luật Đất đai?
Viện dẫn Khoản 1 Điều 114 luật Đất đai 2013, ông Tô Văn Hùng giải thích bảng giá đất được UBND TP xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, được HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành.
Giá đất được xây dựng theo định kỳ 5 năm 1 lần; được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND thành phố điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Cũng theo ông Hùng, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất với mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự.
Khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên.
Đối với Đà Nẵng, giá đất trước đây được thực hiện theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 (áp dụng kể từ ngày 1/1/2017). Qua 2 năm áp dụng, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng có nhiều biến động, có một số khu vực biến động rất lớn.
Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam về giá phổ biến tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất, giá đất tại đô thị tỷ lệ tăng bình quân là 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỷ lệ tăng bình quân là 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần).
Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã tiến hành đặt mới tên đường một số tuyến, cần phải cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Do đó, căn cứ theo quy định thì phải điều chỉnh giá đất.
"Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ - giá đất hiện hành", ông Hùng nói.
Chờ ý kiến Thủ tướng
Ông Tô Văn Hùng cho biết để "gỡ rối" cho người dân, từ năm 2016 UBND thành phố có công văn đề nghị Bộ Tài chính cho gia hạn việc thu nợ tiền sử dụng đất tái định cư (theo Quyết định số 5194/QĐ-UBND ngày 29/7/2013 của UBND Đà Nẵng) đến hết ngày 31/12/2017.
Sau đó, Bộ Tài chính trả lời như sau: Trong thời gian chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đề nghị UBND TP thực hiện việc thu nợ tiền SDĐ TĐC theo đúng quy định tại Nghị định 45/2014. "Do đó, vấn đề này phải đợi ý kiến của Thủ tướng”, ông Hùng cho biết.