Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng có nguy cơ vỡ mộng đường hoa anh đào

Các chuyên gia cho rằng, hoa anh đào chỉ sinh trưởng và phát triển được ở xứ lạnh. Còn Đà Nẵng có khí hậu nắng nóng nên rất khó để loại cây này thích nghi.

Ông Mai Đăng Hiếu - Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng, cho biết dự kiến đến cuối năm 2017, TP sẽ trồng 400 cây hoa anh đào do đối tác Nhật Bản tặng tại đường Sư Vạn Hạnh. Nếu thuận lợi thì khoảng 4 năm tới, nơi đây sẽ là đường hoa đặc trưng của đất nước "mặt trời mọc" ở phố biển Đà Nẵng.

Hoa anh đào khó trồng ở xứ nóng

Sau khi thông tin này được công bố, nhiều chuyên gia về sinh học, môi trường và cây cảnh cho rằng, ý tưởng về đường hoa anh đào ở Đà Nẵng rất khó thành hiện thực. Nguyên nhân là do loại cây này chỉ phù hợp với khí hậu lạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc... Còn ở Việt Nam, khí hậu nóng nên chúng rất khó tồn tại.

"Nếu cây này có sống thì cũng bị còi, không ra hoa", ông Nguyễn Hải Hùng (chuyên gia trồng và chăm sóc cây cảnh ở Quảng Nam) nhận định.

Ở Nhật Bản, hoa anh đào sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ảnh: AP/Fotolia.

Một ví dụ mà chuyên gia này đưa ra là năm 2011, Hội giao lưu hoa anh đào (Nhật Bản) tặng cho Chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) 25 cây hoa anh đào.

Những loại cây này là biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà chùa và đối tác Nhật Bản nên được các sư chùa trồng và chăm sóc rất cẩn thận. Thế nhưng, sau gần 5 năm các cây này bị chết gần hết. "Nay chỉ còn lại một vài cây nhưng cũng rất chậm lớn", đại diện Chùa Quán Thế Âm cho biết.

Cũng trong năm 2011, phía Nhật Bản tặng cho Tập đoàn Sungroup 400 cây hoa anh đào. Trước khi mang sang Việt Nam, Hội giao lưu hoa anh đào Nhật Bản đã cử các chuyên gia sang nghiên cứu điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rồi mới quyết định trồng ở đỉnh núi Bà Nà - nơi cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển. Khí hậu ở đây cũng lạnh quanh năm và khá tương đồng so với Nhật Bản. 

Lãnh đạo Sungroup kỳ vọng, thời gian tới sẽ có một khuôn viên hoa anh đào ở khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ để phục người dân và du khách. Trong số đó, hiện còn hơn 230 cây còn sống. Nhưng theo quan sát, mặc dù được chăm sóc rất cẩn trọng nhưng hiện những cây này cũng chỉ cao được hơn 1 m (khi trồng, cây cao khoảng 60 cm).

Tiến sĩ Võ Châu Tuấn, Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cho hay khi trồng cây hoặc phát triển một loài hoa nào đó thì cần quan tâm 2 giai đoạn quan trọng là sinh trưởng và phát triển. Sinh trưởng là giai đoạn nảy mầm, lớn lên, tăng chiều cao, phân tán cành. Còn phát triển là giai đoạn ra hoa, kết trái.

Cây trồng phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố sinh thái, như đất, khí hậu, thời tiết... Mỗi loài thích hợp với yếu tố sinh thái khác nhau. Khi trồng trên các loại sinh thái phù hợp thì cây mới sinh trưởng, phát triển được. Nếu không phù hợp thì cũng có thể sinh trưởng nhưng không phát triển.

"Riêng hoa anh đào là loài hoa ở xứ lạnh rất đặc trưng của Nhật Bản. Năm 1996, Hà Nội đã từng đưa rất nhiều hoa này về trồng thử nghiệm nhưng tỉ lệ sống rất thấp. Có những cây sống được nhưng không ra hoa. Tôi chưa từng thấy hoa anh đào nào trồng ở Hà Nội ra hoa cả", ông Tuấn khẳng định.

Tiến sĩ Tuấn cũng cho rằng, nếu trồng hoa anh đào ở các tuyến đường Đà Nẵng thì nếu có sống cũng sẽ rất khó ra hoa. "Anh đào cần có một mùa đông kéo dài khoảng 2 tháng với nhiệt độ dưới 5 độ C thì mới có thể ra hoa. Thời tiết Đà Nẵng nóng lạnh thất thường nên kế hoạch xây dựng đường hoa anh đào rất khó khả thi. Tôi lấy ví dụ hoa đào từ Hà Nội đưa vào Đà Nẵng trồng còn phát triển èo uột, khó ra hoa chứ chưa nói đến hoa anh đào Nhật Bản", ông Tuấn nhận định.

Phải cẩn thận khi trồng đường hoa anh đào

Ông Trần Văn Lĩnh (Ủy viên Hội hữu nghị Việt - Nhật tại TP Đà Nẵng), cho biết hoa anh đào là biểu tượng cho tinh thần võ sĩ đạo và thông điệp hòa bình của đất nước Nhật Bản. 

Đã nhiều lần Nhật Bản tặng hoa anh đào cho các đơn vị ở Đà Nẵng nhưng số cây còn sống không nhiều. Ảnh: Nguyên Vũ.

Biểu tượng này là một nét đẹp văn hóa và họ muốn truyền bá ra toàn thế giới. Khi Nhật Bản tặng hoa anh đào cho một nước nào đó thì cũng có nghĩa họ muốn tăng cường giao lưu, hợp tác về mọi mặt. Chính vì sự quan trọng này nên phía Nhật Bản luôn thận trọng khi tặng hoa anh đào. 

"Một sản phẩm văn hóa quan trọng như thế, chúng ta không thể tùy tiện trồng ở mọi nơi. Ý tưởng xây dựng  đường hoa anh đào rất hay nhưng phải thận trọng. Trước khi trồng, phải nghiên cứu kỹ về tình trạng đất đai, thổ nhưỡng và điều kiện chăm sóc. Loài hoa này rất kén đất và chỉ nở hoa trong một tuần. Nếu cây sống nhưng không ra hoa thì tuyến đường đó đâu còn ý nghĩa", ông nói.

Ông Hiếu cho biết, hoa anh đào có hơn 200 loài khác nhau. Mỗi loài thích nghi với một vùng đất, thổ nhưỡng nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

"Đường hoa mới chỉ là ý tưởng. Trước khi quyết định trồng ở đường Sư Vạn Hạnh, phía Nhật Bản cam kết sẽ cử chuyên gia sang lấy mẫu đất để phân tích. Sau khi có kết quả nghiên cứu về hàm lượng dinh dưỡng trong đất cùng với những yếu tố khí hậu, các chuyên gia sẽ tư vấn loại cây hoa anh đào phù hợp. Khi đó, chúng ta mới quyết định cụ thể", ông Hiếu nói.

Đà Nẵng sẽ trồng đường hoa anh đào phục vụ dân miễn phí

Lãnh đạo TP Đà Nẵng xác nhận phía Nhật Bản tặng 100 cây hoa anh đào cho tập đoàn Sungroup. Nhưng địa phương sẽ trồng một đường hoa anh đào khác để phục vụ dân miễn phí.


Đoàn Nguyên - Nguyên Vũ

Bạn có thể quan tâm