Ngày 1/7, ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã ban hành văn bản gửi các phòng, ban và đơn vị liên quan phối hợp, xử lý vụ sạt lở tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10.
Chủ tịch UBND TP Đà Lạt yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không rời thành phố, nghiêm túc chấp hành yêu cầu triệu tập của cơ quan điều tra, kể cả ngoài giờ, thứ bảy và chủ nhật cho đến khi kết thúc cuộc điều tra các nội dung liên quan đến vụ sạt lở.
Người đứng đầu TP Đà Lạt đề nghị đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu.
Hiện trường vụ sạt lở, sáng 29/6. Ảnh: Trùng Dương. |
Phòng quản lý đô thị được giao làm việc với UBND phường 10 kiểm tra, rà soát đánh giá sự phù hợp trong quá trình thẩm định, tham mưu cấp 4 giấy phép xây dựng và quá trình quản lý sau cấp phép của các đơn vị liên quan tại khu vực xảy ra sạt lở.
Đây cũng là cơ sở xác định trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng; đồng thời xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng và đơn vị thẩm tra bản vẽ thiết kế là Công ty TNHH Hà Phát Thịnh cùng các đơn vị thi công, giám sát.
Vụ sạt lở xảy ra lúc 2h ngày 29/6 tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (nối với đường Khe Sanh) phường 10, TP Đà Lạt, khiến 7 người bị nạn.
Thời điểm trên, bờ taluy của một công trình đang xây dựng cao khoảng 30 m bất ngờ đổ sập, hàng chục khối đất đá, bê tông tràn xuống phía dưới làm 3 căn nhà hư hại. Hiện trường sạt lở rộng khoảng 3.000 m2, có độ sâu 3-5m.
Vụ sạt lở đã vùi lấp hoàn toàn một căn biệt thự rộng khoảng 100 m2 sắp hoàn thiện, một số căn nhà khác hư hại nặng. Có 7 người bị vùi lấp sau vụ sạt lở, lực lượng cứu hộ đã cứu 5 người, còn 2 vợ chồng tử vong.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân sau vụ sạt lở. Ảnh: Trùng Dương. |
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vị trí sạt lở là công trình taluy chắn đất có tổng chiều dài hơn 380 m, kết cấu bê tông cốt thép kết hợp hệ cọc vây 2 lớp D400. Bờ taluy trên được xây dựng trên 4 thửa đất với 4 giấy phép xây dựng khác nhau.
Về nguyên nhân, lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết ban đầu xác định thời gian gần đây, tại khu vực TP Đà Lạt mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn.
Tại vị trí xảy ra sạt lở, chủ đầu tư đang triển khai công tác đắp đất để tạo mặt bằng thi công; mưa nhiều khiến lượng nước thấm xuống đất lớn cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn làm gia tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực dẫn đến sạt lở taluy bê tông chắn đất, gây sạt lở đất và sụp đổ công trình.
Ngay sau vụ sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, UBND TP Đà Lạt khẩn trương kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép xây dựng công trình (nơi xảy ra vụ sạt lở); kiểm tra, đánh giá hồ sơ thiết kế, kết cấu công trình và toàn bộ quá trình thi công theo giấy phép được cấp; kiểm tra công tác giám sát thi công công trình theo giấy phép được cấp...
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND TP Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10, và các công trình đã được cấp phép xây dựng có độ dốc lớn, độ chênh taluy âm/dương lớn... có nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa để tiến hành rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Dương Trung Hữu, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt, để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người này và các tập thể, cá nhân liên quan trong việc cấp giấp phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực nêu trên.
Liên quan vụ sạt lở hôm 29/6, Thủ tướng cũng có công điện chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khắc phục sự cố, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố tương tự; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.