Chiều 6/9, trả lời câu hỏi của Zing về tình trạng công dân bị bán sang Campuchia, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan này đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, công an các địa phương giáp biên giới Campuchia phối hợp với lực lượng biên phòng và phía nước bạn để điều tra, xác minh.
“Đến nay, kết quả điều tra tương đối tốt”, ông Xô thông tin.
Liên quan đến việc bảo hộ công dân tại Campuchia, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết cơ quan chức năng luôn coi trọng công tác bảo hộ, quyền lợi chính đáng trước tình hình nhiều công dân Việt Nam bị đưa sang Campuchia lao động bất hợp pháp.
"Thời gian qua Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương và cơ quan chức năng Campuchia xác minh, cảnh báo, lập đường dây nóng để hỗ trợ công dân. Đến nay, các cơ quan chức năng đã cứu thoát và đưa khoảng 600 công dân về nước an toàn", đại diện Bộ Ngoại giao thông tin thêm.
Đại diện Bộ Ngoại giao tại họp báo. Ảnh: Đ.H. |
Thời gian qua, tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động bất hợp pháp diễn ra phức tạp.
Đỉnh điểm vào giữa tháng 8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (đóng tại khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang) phát hiện và bắt giữ 40 người từ casino Rich World, bơi sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Sòng bạc này đối diện chốt 21, trước đây là casino Kinh Sa, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia.
Trong 42 người cố gắng thoát khỏi casino, 40 người đã vào Việt Nam an toàn, một trường hợp tử vong khi bơi qua sông (đã tìm thấy thi thể), người còn lại bị bảo vệ sòng bạc ở Campuchia giữ lại.
Theo các nạn nhân, do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc với mức lương 700-1.000 USD/tháng, họ vượt biên trái phép sang Campuchia.