Hiện tượng lũ lụt chết người mặc dù bão đã đổ bộ sâu vào đất liền như vậy từng xảy ra trước đây. Các nhà khoa học trước đó cũng đã cảnh báo rằng siêu bão Ida có khả năng dẫn đến hiện tượng đó, theo AP.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết cơn bão có sức mưa quá mạnh và đến quá nhanh khiến khu vực gặp khó khăn khi đối phó với “siêu bão quái vật này”.
Ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên
Theo các nhà khí tượng học và khoa học khí quyển, mặc dù Ida đã mất hầu hết lực gió, cơn bão vẫn giữ nguyên được sức mạnh. Sau khi tiếp tục đi sâu vào đất liền, cơn bão này hợp nhất với front bão ẩm ướt và đang mạnh lên.
Điều này có thể dẫn đến "lượng mưa rất lớn", giáo sư khí tượng Kerry Emanuel của MIT cho biết.
“Điều này không hiếm”, ông Emanuel nói thêm.
“Cơn bão Camille năm 1969 cũng từng xảy ra theo cách tương tự. Cơn bão này đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người ở Virginia do tình trạng lũ lụt sau khi đổ bộ vào đất liền với cấp độ 5 ở bang Mississippi”, ông cho biết.
Một người chụp ảnh sóng lên cao dọc bờ hồ Pontchartrain tại New Orleans. Ảnh: AP. |
Cuối tuần qua, Giám đốc Cơ quan Thời tiết Quốc gia Louis Uccellini và các nhà khí tượng học khác bắt đầu nhận thấy sự giống nhau kỳ lạ giữa Ida và Camille. Điều này đã khiến họ phải nâng cao cảnh giác.
“Chúng tôi đều nhận thức được khả năng này. Các cuộc thảo luận thậm chí đã được bắt đầu ngay trước khi cơn bão đổ bộ vào Louisiana”, AP dẫn lời ông Uccellini đưa tin.
Theo nhà khí tượng học Bob Henson của Yale Climate Connections, cơn bão Ivan vào năm 2004 đã xảy ra theo cách tương tự và gây ra lượng mưa kỷ lục ở Pittsburgh. Ông cho biết với Ida, các điều kiện đã chín muồi "để gây mưa và tất cả đã thành hiện thực dọc Xa lộ Liên tiểu bang 95”.
Con số thương vong và thiệt hại sau bão đang tiếp tục tăng lên.
"Mối đe dọa thời tiết cực đoan và lũ quét ở những khu vực này là đã được dự báo vài ngày trước đó. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm sức công phá mà cơn bão gây ra”, nhà nghiên cứu bão Brian McNoldy của Đại học Miami cho biết trong một email, kèm theo các cảnh báo của Cơ quan Thời tiết Quốc gia.
Ken Kunkel, nhà khí tượng học thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết nghiên cứu của ông cách đây vài năm cho thấy 1/3 trận mưa cực đoan ở Đông Bắc là do tàn dư của các trận cuồng phong và bão nhiệt đới.
Con người cũng phải chịu trách nhiệm
Giới chức New York đã chuẩn bị ứng phó với lượng mưa lớn do bão Ida gây ra. Tuy nhiên, ông Uccellini cho biết lượng mưa đổ xuống lớn hơn 76-230 mm so với dự báo khiến cơ sở hạ tầng ở vùng Đông Bắc "không kịp trở tay".
"Người dân đã sẵn sàng nhưng liệu cơ sở hạ tầng có sẵn sàng ứng phó với sức mạnh của những cơn bão này không?", ông Uccellini nói.
"Có vẻ như không phải như vậy”, ông cho biết.
Nước lũ nhấn chìm nhiều ôtô ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
“Tôi nghĩ tình hình thời tiết ngày càng trở nên tồi tệ là điều chúng ta phải xem xét ở hiện tại và tương lai”, ông nói.
Các chuyên gia cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch cũng có thể khiến ảnh hưởng của bão Ida trở nên nghiêm trọng hơn.
Không khí nóng giữ nhiều hơi nước hơn, nhà cựu khí tượng học Jeff Masters, cũng thuộc Yale Climate Connections, cho biết. Không khí trên các đại dương có độ ẩm cao hơn khoảng 10% so với năm 1970 và nó sẽ trút xuống khi có bão, ông cho biết.
Lượng ẩm bổ sung đó ngưng tụ bên trong các cơn bão và giải phóng thêm năng lượng nhiệt, từ đó khiến các cơn bão trở nên dữ dội và kéo dài hơn.
"Điều này có thể dẫn đến lượng mưa tăng 30% như đã được ghi nhận trong một số trận lụt lớn", ông cho biết.
Giáo sư khí tượng Marshall Shepherd của Đại học Georgia cho biết lượng mưa lớn hơn đổ xuống các khu vực đô thị như đường và bãi đậu xe, khiến nước chảy nhiều hơn, từ đó gây ra lũ lụt.
"Tác động của con người trong các thảm họa lũ lụt thường bị bỏ qua", ông cho biết.
Nhà nghiên cứu khí hậu Adam Sobel của Đại học Columbia cho biết bất chấp những kế hoạch và nỗ lực kể từ siêu bão Sandy để có thể chống chịu tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt, vẫn còn rất nhiều thứ cần phải làm.
"Rõ ràng là cơ sở hạ tầng của chúng tôi không thể ứng phó được với các hiện tượng như thế này”.