Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cyprus và ngành công nghiệp 'hộ chiếu vàng' toàn cầu

Cộng hòa Cyprus chỉ là một trong số nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch.

Tài liệu "Cyprus Papers" do hãng tin Al Jazeera công bố ngày 23/8 cho thấy 1.400 người mua "hộ chiếu vàng" từ chính phủ Cộng hòa Cyprus trong các năm 2017-2019. Hộ chiếu Cyprus cho phép người sở hữu tự do đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Liên minh châu Âu (EU). Theo luật pháp Cộng hòa Cyprus, người nộp đơn xin "hộ chiếu vàng" cần đầu tư vào nước này tối thiểu 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD).

Theo Barrons, hiện tượng đổi đầu tư lấy quốc tịch trở nên đặc biệt phổ biến sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Bất chấp những quan điểm khác biệt và sức ép chính trị về nhập cư, các chương trình "hộ chiếu vàng" ngày càng được mở rộng về quy mô. Nhu cầu "hộ chiếu vàng" từ các cá nhân thu nhập cao và muốn linh hoạt về đầu tư ngày càng lớn.

"Từ tháng 1 đến 4 năm nay, số lượng khách hàng tìm hiểu việc mua quốc tịch tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái", Barrons dẫn lời ông Paddy Blewer, Giám đốc Truyền thông của Henley & Partners, hãng tư vấn đầu tư di cư ở Anh, tiết lộ. "Đáng ngạc nhiên là nhiều người Mỹ cũng muốn mua quốc tịch nước ngoài".

Nganh cong nghiep ho chieu vang anh 1

Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp đều có chương trình thị thực vàng. Ảnh: iStock.

Xuất hiện từ thập niên 1980

Các chương trình đổi đầu tư lấy thị thực nhập cư đã có từ 40 năm trước. Đầu thập niên 1980, Canada mở Chương trình Đầu tư Nhập cư Liên bang. Mỹ áp dụng chương trình thị thực EB-5 vào năm 1990. Anh cũng tiếp bước ngay sau đó. Theo Henley & Partners, hiện khoảng 100 quốc gia trên thế giới có các chương trình tương tự, hơn 50% được triển khai sau năm 2000.

Cộng hòa Cyprus mở chương trình đầu tư vào năm 2012, Malta năm 2014. Sau đó, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng bắt đầu cấp "hộ chiếu vàng". Các quốc gia này mở cửa biên giới cho những cá nhân giàu có nhằm đổi lấy các khoản đầu tư lớn vào bất động sản hoặc doanh nghiệp trong nước. Khoảng 80% thị thực dành cho nhà đầu tư được cấp bởi các nước giàu như Mỹ, Anh, Canada, Hong Kong và Australia.

Chương trình EB-5 của Mỹ bắt đầu vào năm 1990. Chính phủ Mỹ sẽ cấp “thẻ xanh” cho nhà đầu tư rót ít nhất 500.000 USD vào một doanh nghiệp Mỹ. Tháng 11/2019, mức đầu tư được tăng lên 900.000 USD vào nông thôn hoặc vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao, hoặc 1,8 triệu USD vào các khu vực khác.

Chương trình này thu hút rất nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục. Theo Henley Global, dịch Covid-19 càng khiến chương trình EB-5 trở nên phổ biến hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng cấp thẻ xanh và thông qua thị thực cho tới hết năm nay để bảo vệ thị trường lao động Mỹ, nhưng chương trình EB-5 không nằm trong diện bị hạn chế.

Nganh cong nghiep ho chieu vang anh 2

Chương trình Đầu tư Định cư EB-5 của Mỹ được bắt đầu vào năm 1990. Ảnh: Getty Images.

Trong khi đó, Anh có chương trình thị thực cấp 1, còn được gọi là "thị thực vàng". Người nước ngoài muốn có "thị thực vàng" phải đầu tư ít nhất 2 triệu bảng (2,6 triệu USD) vào Anh. Đổi lại, họ sẽ được cấp thị thực cư trú sau 5 năm. Nếu tăng mức đầu tư lên 5 và 10 triệu bảng, thời gian chờ sẽ giảm xuống lần lượt là 3 và 2 năm.

Ở châu Âu, chương trình thị thực vàng của Bồ Đào Nha đang ngày càng phổ biến. Bồ Đào Nha cấp thị thực cho nhà đầu tư mua bất động sản trị giá trên 500.000 euro (hơn 590.000 USD) ở nước này. Họ được đăng ký xin quốc tịch sau 6 năm. Đến nay, chương trình này đã huy động được hơn 5,1 tỷ euro (hơn 6 tỷ USD) cho Bồ Đào Nha.

Tây Ban Nha và Hi Lạp đều có những chương trình tương tự. Ở Hi Lạp, nhà đầu tư có thể mua bất động sản giá tối thiểu 250.000 euro (295.000 USD), hoặc đầu tư 400.000 euro (472.600 USD) vào một công ty bất động sản chỉ hoạt động tại nước này. Nhà đầu tư có thể đăng ký quốc tịch sau 7 năm.

Cửa ngõ vào châu Âu

Cyprus, Malta và Montenegro được xem là cửa ngõ để nhà đầu tư nước ngoài vào châu Âu. Thời gian qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhiều lần chỉ trích Cyprus Moldova và Malta về các quy định đầu tư đổi quốc tịch rất lỏng lẻo. EC cho rằng các chương trình này có thể bị lợi dụng, phục vụ các hoạt động rửa tiền và tham nhũng.

Cyprus cũng bị chỉ trích vì cấp hộ chiếu cho nhiều tội phạm bị kết án cũng như những kẻ đào tẩu. Đến nay, Moldova đã dừng chương trình này. Ngược lại, các chương trình của Malta và Cyprus ngày càng được mở rộng. Từ khi bắt đầu được triển khai, chương trình thị thực vàng đã mang về cho Cyprus hơn 8 tỷ USD.

Henley & Partners thường tư vấn về chương trình này cho các doanh nhân ở độ tuổi 40-50 từ Tây Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc hay Trung Đông. Thông thường, nhà đầu tư đăng ký các chương trình này muốn bản thân cùng gia đình được đi lại tự do khắp EU và Mỹ mà không phải xin nhiều thị thực, vì mục đích kinh doanh hoặc giải trí.

Các động lực lớn khác gồm cơ hội nghề nghiệp và giáo dục, lợi ích về thuế, an ninh cá nhân, đa dạng hóa tài sản trên toàn cầu và lợi nhuận bất động sản mua tại quốc gia họ đầu tư. Làn sóng di cư theo diện đầu tư càng lan rộng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Nganh cong nghiep ho chieu vang anh 3

Nền kinh tế “hộ chiếu vàng” đang thay đổi và ngày càng phát triển. Ảnh: Mansion Global.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người quan tâm tới hộ chiếu thứ hai tại các nước phát triển hơn với nhiều lợi ích cho công dân, như y tế. Bên cạnh đó, người Mỹ cũng quan tâm nhiều hơn tới các chương trình này bởi quan ngại rằng họ sẽ không thể đi lại tự do trên toàn cầu với hộ chiếu Mỹ như trước đây do nước này không thể kiểm soát được dịch bệnh.

Nhìn chung, đại dịch Covid-19 khiến người giàu nhận ra rằng các nước có thể nhanh chóng đóng cửa biên giới và duy trì đóng cửa trong thời gian dài như thế nào. Do đó, “họ ngày càng thấy được giá trị của việc sở hữu hộ chiếu thứ hai”, theo Henley & Partners.

Henley & Partners đánh giá nền kinh tế “hộ chiếu vàng” cũng đang thay đổi với ngày càng nhiều khách hàng là những người muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư, hoạt động kinh doanh trên toàn cầu và tạo di sản cũng như bản sắc riêng cho gia đình mình.

Gia thế của nữ tỷ phú giàu nhất châu Á

Doanh nhân Dương Huệ Nghiên - người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc và châu Á - bị phát hiện mua quốc tịch Cyprus. Bà Dương là người sống kín đáo, ít khi xuất hiện trên báo chí.

Nguyễn Duy

Bạn có thể quan tâm