Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai chớp thời cơ

Khi tình hình Afghanistan trở nên hỗn loạn, ông Hamid Karzai đứng ra thay thế người kế nhiệm của mình đã ra nước ngoài và trở thành nhà lãnh đạo đàm phán với Taliban.

cuu Tong thong Hamid Karzai anh 1

Giữa lúc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ra nước ngoài và Taliban tràn vào thủ đô Kabul, một cựu lãnh đạo đã xuất hiện trên video để đảm bảo với người dân rằng ông không đi đâu cả. Đó là cựu Tổng thống Hamid Karzai.

Ông Karzai, người đứng đầu chính phủ Afghanistan từ năm 2001 đến 2014 sau khi Taliban bị lật đổ, đã xuất hiện trong một đoạn video đăng trực tuyến cùng ba người con gái, nói rằng ông đang ở Kabul và kêu gọi người dân không hoảng sợ.

“Gia đình tôi, tôi và các con gái đang ở đây với bạn”, cựu tổng thống nói với cư dân thủ đô. "Tôi kêu gọi lực lượng chính phủ và Taliban bảo vệ an ninh cho dân thường".

Thông điệp được đưa ra không chỉ giúp người dân bình tĩnh lại. Nó còn nằm trong chiến dịch của ông Karzai nhằm ngăn chặn giao tranh, đồng thời tạo cơ hội đàm phán thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Taliban và các lực lượng chính trị Afghanistan.

Trong suốt hai năm qua, ông Karzai đã tìm cách đặt mình vào trung tâm của những lần như vậy, Wall Street Journal cho biết.

Người đại diện chuyển giao

Vào hôm 15/8, cựu tổng thống Afghanistan cho biết cùng với người đứng đầu Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao Abdullah Abdullah, ông đang thành lập một “hội đồng điều phối" gồm ba nhà lãnh đạo để chuyển giao quyền lực với Taliban.

Hội đồng sẽ làm việc để “ngăn chặn sự hỗn loạn và giảm bớt nỗi đau khổ của người dân”, ông Karzai nói trên Twitter.

Ông Karzai và Abdullah đã gặp Khalil Haqqani, một trong các thủ lĩnh then chốt của lực lượng Taliban, người đứng đầu mạng lưới Haqqani khét tiếng. Họ cũng gặp các thành viên Quốc hội Afghanistan và những nhà hoạt động nữ quyền, ông Abdullah cho biết hôm 21/8.

cuu Tong thong Hamid Karzai anh 2

Một phái đoàn của Taliban trong tuần này đã gặp ông Hamid Karzai và các cựu quan chức chính phủ khác. Ảnh: AFP.

Tương lai của Afghanistan trong những tháng tới sẽ được xác định dựa theo cách Taliban phản ứng trước những nỗ lực làm dịu tình hình và thành lập chính quyền mới của các phe phái chính trị này.

Một số quan chức phương Tây cho rằng cho đến nay, ông Karzai chưa đạt được bước tiến đáng kể nào. Nắm trong tay quyền kiểm soát hầu hết Afghanistan, Taliban có ít động lực để ngồi vào bàn đàm phán chia sẻ quyền lực.

Tuy nhiên, một số khác cho rằng các tay súng không có lựa chọn trong bối cảnh họ bị cộng đồng quốc tế coi là kẻ thù và “sở hữu" một đất nước với nền kinh tế trì trệ, có thể bị tê liệt bởi lệnh trừng phạt quốc tế bất cứ lúc nào.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đóng băng các quỹ của Afghanistan nhằm tránh số tiền rơi vào tay Taliban.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady hôm 18/8 cho biết Taliban sẽ chỉ tiếp cận được một phần nhỏ trong khối tài sản hơn 9 tỷ USD mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan sở hữu tại Mỹ.

“Afghanistan là một quốc gia có nhiều phe nhóm. Cách duy nhất có thể điều hành là xây dựng các liên minh rộng lớn”, ông Mike Martin, nghiên cứu viên tại Đại học King London, đồng thời là cựu sĩ quan chính trị của Anh ở Afghanistan, cho biết.

Với kinh nghiệm và mối quan hệ quốc tế, ông Karzai, người tự miêu tả mình là nhà hoạt động vì hòa bình của bộ tộc Pashtun, có thể đóng vai trò như người đại diện hữu ích trong công cuộc chuyển giao với Taliban.

“Ông ấy chắc chắn giúp ích để đảm bảo tính hợp pháp quốc tế”, ông Martin nhận định.

Người đứng giữa các phe phái

Trong lịch sử, tham vọng xây dựng hòa bình của ông Karzai cũng từng mang lại cho ông một “bàn tròn".

Vào cuối năm 2001, vài tuần sau khi liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu lật đổ chế độ Taliban, ông Karzai đã làm trung gian với Taliban và đề xuất thỏa thuận. Theo đó, các chiến binh sẽ đầu hàng tại thành trì cuối cùng để đổi lấy sự ân xá cho thủ lĩnh Mullah Omar.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Donald Rumsfeld đã bác bỏ thỏa thuận, nói rằng chiến dịch quân sự của Mỹ sẽ tiếp tục mạnh mẽ.

cuu Tong thong Hamid Karzai anh 3

Ông Hamid Karzai đã gặp các thủ lĩnh bộ lạc ở Kandahar vào năm 2001. Ảnh: AP.

Trước khi Mỹ đổ bộ, ông Karzai đã có một sự nghiệp chính trị lâu dài. Ông từng tự đứng ra liên kết với nhiều nhóm khác nhau và làm trung gian giữa các phe phái đối địch ở Afghanistan.

Cựu tổng thống từng là thứ trưởng ngoại giao Afghanistan vào đầu những năm 1990. Thậm chí, ông còn từng được Taliban đề nghị trở thành đại diện của lực lượng này sau năm 1996 nhưng đã từ chối.

Ông Karzai sau đó chuyển đến Pakistan và sống với người tị nạn Afghanistan ở Quetta, nơi ông xây dựng mối quan hệ với các đại sứ quán phương Tây, bao gồm cả Mỹ.

Ông Karzai được chọn làm lãnh đạo lâm thời của Afghanistan vào năm 2001 và sau đó được bầu làm tổng thống với sự ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ông và Washington sau đó ngày càng gay gắt.

Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ trở nên thất vọng với ông Karzai, người mà họ cho rằng ngày càng trở nên thất thường và cố chấp.

Về phần mình, ông Karzai liên tục chỉ trích cuộc đột kích ban đêm của Mỹ vào các ngôi nhà ở Afghanistan, cùng những vụ tấn công bằng máy bay không người lái giết nhầm dân thường.

Sự tức giận của đồng minh phương Tây càng dâng cao khi ông từng gọi Taliban là “những người anh em” bất mãn. Trong khi đó, các tay súng gọi ông Karzai là con rối của Mỹ.

Năm 2014, ông Karzai kết thúc nhiệm kỳ tổng thống sau khi từ chối ký một thỏa thuận an ninh song phương với chính quyền Obama, cho phép binh sĩ Mỹ ở lại sau khi kết thúc nhiệm vụ quốc tế.

Ông Karzai cho biết Mỹ cần cho binh lính rời khỏi Afghanistan, đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Karzai, ông Ghani, đã ký thỏa thuận này ngay sau đó.

cuu Tong thong Hamid Karzai anh 4

Chân dung ông Hamid Karzai bị gỡ xuống trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2014 để bầu người kế nhiệm ông. Ảnh: Reuters.

Vào năm 2019, trước khi thỏa thuận Doha được ký kết với điều kiện chính quyền Trump rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan, ông Karzai đã dẫn đầu một phái đoàn gồm khoảng 40 quan chức Afghanistan tới Moscow để gặp đại diện của Taliban.

Tuy nhiên, trong các cuộc họp, ông Baradar, thủ lĩnh hàng đầu của Taliban, đã chỉ trích ông Karzai là người giúp kẻ thù đánh đuổi lực lượng này.

Và cho đến nay Karzai vẫn bị kẹp ở giữa và "không có tiến bộ", một quan chức Afghanistan cho biết. "Ông ấy nên tập trung lo lắng cho cuộc sống của chính mình thay vì bất kỳ điều gì khác".

Taliban chiếm Kabul, chính phủ Afghanistan sụp đổ Lực lượng Taliban đã tiến vào Kabul hôm 15/8. Lầu Năm Góc cho biết 6.000 lính Mỹ sẽ triển khai tới sân bay để hoàn tất việc sơ tán nhân viên Mỹ.

Miền Trung Trung Quốc nâng cảnh báo lũ lụt lên mức cao nhất

Hai khu vực ở tỉnh Hà Nam hôm 22/8 đã ban bố cảnh báo về tình hình mưa lũ lên mức cao nhất, kêu gọi người dân và chính quyền chuẩn bị phương án ứng phó khẩn cấp.

Những người Afghanistan sơ tán đầu tiên đến Đức

Những người Afghanistan sơ tán đầu tiên đã đến căn cứ không quân Ramstein ở Đức, sau một tuần chìm trong hỗn loạn tại sân bay thủ đô Kabul.

Minh An

Bạn có thể quan tâm