Shinzo Abe, người có tầm ảnh hưởng vượt xa một cựu thủ tướng, đã qua đời ở tuổi 67 vì bị bắn.
Dẫn nguồn tin từ quan chức đảng cầm quyền LDP, NHK đưa tin cựu Thủ tướng Abe đã tử vong tại bệnh viện ở tỉnh Nara. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Nhật Bản - dù còn tại vị hay đã nghỉ hưu - bị ám sát kể từ thập niên 1930.
Ông Abe bị bắn 2 phát vào lúc 11h30 ngày 8/7 tại một sự kiện ở tỉnh Nara, Nhật Bản. Sau thời gian tỉnh táo ban đầu, ông bị ngừng tim hô hấp, bất tỉnh và không có dấu hiệu sinh tồn.
Trước đó, phát biểu về tình trạng của ông Abe, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết vị cựu thủ tướng ở tình trạng nguy kịch và các bác sĩ đang làm mọi điều có thể. Em trai ông Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, cho biết anh mình đã được truyền máu.
Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại. Ảnh: Reuters. |
Nghi phạm là cựu thành viên lực lượng Phòng vệ Nhật
Giới chức địa phương cho biết nghi phạm có tên Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, là cư dân của thành phố Nara của Nhật Bản. Yamagami từng là thành viên lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong giai đoạn 2002-2005. Tetsuya khai với cảnh sát rằng ông bất mãn với ông Abe và muốn ám sát cựu thủ tướng. Giới chức đã thu được một khẩu súng hai nòng tự chế tại hiện trường.
Các nhân chứng kể rằng ông Abe vẫn đứng được sau phát súng đầu tiên.
Việc ông Abe bị ám sát đã gây chấn động thế giới khi ông là một lãnh đạo có ảnh hưởng trong nhiều năm, đồng thời bạo lực súng đạn là rất hiếm có ở Nhật Bản, nước có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt.
Ông Abe được đưa lên trực thăng để đến bệnh viện sáng 8/7. Ảnh: Getty. |
Sinh năm 1954, ông Abe con trai của cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe và là cháu ngoại của cựu Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi. Cựu Thủ tướng Eisaku Sato, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1974, cũng là họ hàng của ông.
Shinzo Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với 8 năm 7 tháng cầm quyền (trong hai giai đoạn). Dù từ chức vì lý do sức khỏe, ông vẫn là người có ảnh hưởng sâu rộng trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP). Sự kiện sáng 8/7 là nhằm vận động cho LDP trước cuộc bầu cử vào Thượng viện Nhật Bản cuối tuần này.
Sự nghiệp chính trị của Shinzo Abe được định hình bởi ước muốn tìm lại hình ảnh nước Nhật đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và quốc tế, xóa bỏ nỗi ám ảnh về quá khứ quân phiệt.
Cú sốc lớn
New York Times nhận định nỗi bàng hoàng của thế giới sau vụ bắn vào ông phản chiếu dấu hiệu của các mối quan hệ mà ông đã tạo dựng trong thời gian cầm quyền.
Khi còn là thủ tướng, ông Abe đã công du tới hơn 80 quốc gia, theo New York Times. Ông có quan hệ tốt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng nhiều lần gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên thăm Trung Quốc sau 7 năm khi tới Bắc Kinh năm 2018. Dù vậy, thủ tướng Nhật cũng là người chỉ trích mạnh mẽ sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.
Ông Abe thúc đẩy chính sách ngoại giao tích cực với cả các đồng minh thân cận lẫn các nước vốn có quan hệ phức tạp với Nhật Bản. Ông cố gắng định hình Nhật Bản như quốc gia bảo vệ trật tự thế giới tự do, đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Dù vậy, quan hệ Nhật - Hàn dưới thời ông Abe rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vì ông phủ nhận việc quân đội Nhật Bản từng ép phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên làm nô lệ tình dục thời Thế chiến II, cũng như thúc đẩy chỉnh sửa sách giáo khoa theo hướng dân tộc chủ nghĩa hơn.
Ông Abe cũng là nhân vật quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy khái niệm về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngay trong một bài phát biểu từ tháng 8/2007, ông đã đề cập tới khu vực này như “nơi hợp lưu của hai đại dương”. Cựu thủ tướng Nhật Bản cũng là người đề ra sáng kiến hình thành nhóm Bộ Tứ (QUAD - bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ) vào năm 2007, cũng như là nhân tố quan trọng trong việc hồi sinh cơ chế này vào cuối thập niên trước.
Ông Abe trong lễ bế mạc Olympic Rio de Janeiro, Brazil năm 2016, khi ông nhận quyền đăng cai Olympic 2020 cho Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Về kinh tế, ông cũng là người đề xướng chính sách “Abenomics” như “liệu pháp sốc” để thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản, vốn đã rơi vào trì trệ trong nhiều năm. Dù vậy, việc chính sách này có thành công hay không vẫn còn đang được tranh luận.
Một trong những tham vọng của ông Abe là sửa đổi hiến pháp hòa bình để nước này có thể đóng vai trò lớn hơn như một cường quốc khu vực. Dù vậy, bất chấp sức ảnh hưởng chính trị, ông không thể huy động đủ sự ủng hộ để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này và phải từ chức vì lý do sức khỏe trước khi thực hiện được giấc mơ này.
Tuy nhiên, vào năm 2014, ông Abe đã thành công trong việc bãi bỏ điều luật cấm quân đội Nhật Bản tham chiến tại nước ngoài, giúp Tokyo có thêm công cụ quân sự để phục vụ chính sách đối ngoại của mình.