Theo New York Times, các phóng viên từng gặp ông Rinat Akhmetshin tại nhiều khách sạn ở Moscow, London, Paris luôn nhận được thông điệp bất di bất dịch: Không bao giờ sử dụng email để gửi thông tin mật.
Cựu sĩ quan tình báo Liên Xô từng chia sẻ công khai về cách ông làm việc với một đơn vị phản gián trong quá trình phục vụ Hồng quân Liên Xô sau năm 1979. Ông này cũng khẳng định ăn cắp tài khoản thư điện tử là việc rất dễ dàng.
Nghệ thuật hắc ám
Một phóng viên cho biết từng ghé thăm Akhmetshin và nhận được ổ đĩa chứa hàng loạt thư điện tử do tin tặc đánh cắp.
Dịp khác, tại khách sạn Ararat Park Hyatt ở Moscow, ông Akhmetshin nói với phóng viên của New York Times về việc ông đã đọc thư người này gửi cho luật sư của Mikhail Khodorkovsky, cựu tỷ phú Nga từng khiêu khích Tổng thống Putin.
Cựu sĩ quan tình báo Rinat Akhmetshin. Ảnh: Hermitage Capital. |
Tại Washington, ông Akhmetshin thường được những khách hàng Nga tin tưởng giao phó nhiệm vụ đánh bóng hình ảnh bản thân và bôi nhọ đối thủ. Trong số đó có cả những người thân thiết hoặc đối lập với Điện Kremlin.
"Chẳng có gì là chắc chắn", đó là điều Akhmetshin thường cảnh báo bạn bè và các mối quan hệ xung quanh. Theo New York Times, tư tưởng này xuất phát từ cuộc hỗn loạn thương trường rúng động nước Nga vào những năm 1990. Khi đó, các tài liệu bị đánh cắp hoặc giả mạo trở thành vũ khí để giới doanh nhân hạ bệ đối thủ. Thủ thuật này được biết đến với tên gọi "PR hắc ám".
Thay cho việc tìm hiểu tài liệu truyền thông, hồ sơ tòa án và các thông tin công khai, "PR hắc ám" tập trung ăn cắp thông tin cá nhân, xâm nhập vào văn phòng và tủ chứa hồ sơ.
Trong nhiều năm qua, ông Akhmetshin trở thành nhân vật tiếng tăm trong việc thu thập email cùng thông tin từ phần mềm gián điệp do các tin tặc Nga cung cấp.
Điều này cho thấy những gì cựu sĩ quan tình báo Liên Xô thực hiện trong hàng thập kỷ qua, kể từ khi ông đến Mỹ. Đồng thời, nó cũng hé lộ vị thế của người từng gặp gỡ con trai, con rể và cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cuộc gặp diễn ra theo sắp xếp của nữ luật sư Natalia Veselnitskaya với lời hứa cung cấp thông tin gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, cha con tổng thống Mỹ đều khẳng định họ không nhận được bất cứ thông tin nào giá trị.
Akhmetshin nhấn mạnh ông chỉ tiến hành nghiên cứu theo khách hàng và đã chuyển thông tin chính xác tới báo chí. Vụ việc năm 2011 là minh chứng cụ thể cho phong cách cựu điệp viên này.
Quá khứ bất hảo
Năm 2011, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Andrey Vavilov đã thuê Akhmetshin hạ thấp uy tín đối thủ lâu năm, nhà lập pháp Ashot Egiazaryan. Vavilov biết ông Egiazaryan xin tị nạn chính trị ở Mỹ và tỏ ra "kinh tởm" vì điều này, theo lời ông Akhmetshin.
Tại thời điểm đó, ông Akhmetshin được biết đến là giám đốc của Viện Nghiên cứu Á - Âu ở Washington, dù các tài liệu của Mỹ cho thấy cơ quan này đã giải thể 2 năm trước vì không nộp thuế. Ông cũng vận động hành lang nhằm chống lại Đạo luật Magnitsky, quy định cấm quan chức Nga bị tình nghi lạm dụng nhân quyền có cơ hội vào Mỹ.
Donald Trump Jr. từng gặp ông Akhmetshin. Ảnh: Reuters. |
Tòa án liên bang New York khi đó đã thụ lý vụ kiện của ông Egiazaryan. Cựu sĩ quan tình báo Akhmetshin thừa nhận ông tới nhà ông Vavilov ở Moscow để thảo luận cách phá hoại đơn xin tị nạn của nhà lập pháp Egiazaryan.
Akhmetshin khẳng định cựu bộ trưởng tài chính, người bị cáo buộc tham nhũng trong nhiều năm, đã đưa ông khoảng hơn 70.000 USD để khởi động chiến dịch bôi nhọ ông Egiazaryan. Theo kế hoạch, Akhmetshin tìm cách để người Do Thái tin rằng Egiazaryan chống lại họ. Từ đó, các tổ chức sẽ phản đối đơn xin tị nạn của ông này.
Ông Egiazaryan sau đó vẫn ở lại Mỹ, tuy nhiên luật sư từ chối tiết lộ về tình trạng tị nạn của ông.
Năm 2015, 3 triệu phú từ Kazakhstan kiện ông Akhmetshin ra Tòa án New York vì triển khai chiến dịch tin tặc chống lại công ty dầu mỏ I.M.R. mà họ cùng sở hữu nhằm thu lợi cho ông trùm người Nga, Andrey Melnichchenko.
Tài liệu từ tòa án cho thấy I.M.R. mô tả Akhmetshin là "cựu sĩ quan phản gián thời Liên Xô, chuyển tới sống ở Washington DC để trở thành nhà vận động hành lang... và có chuyên môn thực hiện các chiến dịch quan hệ công chúng mang tính tiêu cực".
Ông Akhmetshin (áo đen) ít xuất hiện trước công chúng. Ảnh: Rferl. |
Các cáo buộc cho rằng công ty khai thác kali EuroChem VolgaKaliy của Nga đã thuê ông Akhmetshin tấn công hệ thống máy tính của I.M.R. 28.000 file dữ liệu, tương đương khoảng 50 GB, đã bị lấy cắp.
I.M.R. khẳng định số thông tin này đã được chuyển tới các nhà báo cùng nhiều tổ chức khác nhằm hạ thấp uy tín của công ty.
Ông Akhmetshin được cho đã ăn cắp thông tin hộ chiếu, thư điện tử và danh sách liên lạc của các giám đốc điều hành. Đồng thời, thông tin tài khoản ngân hàng, thỏa thuận vay, tài liệu chiến lược kinh doanh, biên bản họp hội đồng quản trị cùng nhiều giấy tờ quan trong của I.M.R. cũng bị đánh cắp.
Một nhà điều tra khẳng định đã chứng kiến cuộc hội thoại của Akhmetshin trong quán cà phê tại London, nơi một người được ông trao tận tay ổ đĩa chứa thông tin từ các máy tính của I.M.R.
Vụ kiện được rút lại vào năm 2016. Ông trùm Melnichenko và cả ông Akhmetshin đều chối bỏ những cáo buộc.
Trước đó, một khách hàng khác từng thuê ông Akhmetshin tiến hành chiến dịch chống lại đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Theo đó, cựu sĩ quan tình báo Liên Xô tìm cách làm sáng tỏ vụ tham nhũng của một lãnh đạo thân Nga ở Kazakhstan.
Akhmetshin cũng từng triển khai những chiến dịch có lợi cho Moscow, tiêu biểu là vụ giằng co giữa chính phủ Mỹ và Nga về Đạo luật Magnitsky. Cựu điệp viên Liên Xô được cho đã giúp nữ luật sư Veselnitskaya vận động hành lang chống lại đạo luật này.
Tài liệu của tòa án cũng cho thấy ông Akhmetshin từng liên lạc với các quan chức thuộc chính phủ Nga.
Một phóng viên từng ghi lại cuộc gặp với ông Akhmetshin trong quán cà phê ở Moscow. Cựu điệp viên tình báo đội mũ và mỉm cười trong bộ râu dài khác thường. Ông khẳng định vẻ bề ngoài đậm chất Afghanistan là một phần trong nhiệm vụ tiếp theo có liên quan tới đất nước Hồi giáo này.