Là tù binh tại nhà tù Hỏa Lò sau khi máy bay của McCain bị bắn hạ vì ném bom xuống Hà Nội, phi công hải quân Mỹ này được biết đến là người thẳng thắn và mê đọc sách, thường xuyên tranh luận một cách quyết liệt về cuộc chiến tại Việt Nam với các quản giáo.
Một trong số quản giáo là đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên trại trưởng ở Hỏa Lò. Ông vẫn nhớ về những lần đấu khẩu với tù nhân nổi tiếng, nói rằng ông rất ấn tượng việc ông McCain không bao giờ lung lay quan điểm.
Đại tá Trần Trọng Duyệt nguyên là trại trưởng ở Hỏa Lò. Ảnh: AFP. |
"Điều làm tôi thích thú khi tranh cãi với ông ấy là sự bướng bỉnh và lập trường cứng rắn của ông ấy", vị đại tá về hưu nói với AFP hôm 26/8, trong cuộc phỏng vấn sau khi ông McCain qua đời tại Mỹ ở tuổi 81 vì bệnh ung thư não.
Trong suốt hàng thập kỷ sau Chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sĩ John McCain đã nỗ lực hàn gắn hai cựu thù, góp phần khiến quan hệ Việt - Mỹ phát triển vững mạnh như hiện nay.
Những ngày ở Hỏa Lò
Tháng 10/1967, khi chiếc máy bay ném bom Skyhawk mà ông lái bị bắn rơi, McCain được người dân cứu sau khi nhảy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch. Ông được đưa đến Hỏa Lò, nhà tù được xây từ thời Pháp, và ở đây tới năm 1973.
Những người quản giáo nhanh chóng biết được chuyện cha của ông McCain là một đô đốc hải quân, và chàng lính Mỹ trẻ từ đó có biệt danh "thái tử".
Những năm đầu tại Hỏa Lò vô cùng khó khăn với ông McCain khi ông mắc bệnh lị. Trong suốt nhiều tháng, ông chỉ ăn bánh mì và súp bí đỏ.
Thượng nghị sĩ John McCain trở lại thăm Việt Nam vào tháng 10/1992. Ảnh: AFP. |
"Người Việt Nam đã cứu ông ấy", ông Duyệt từng nói trong một cuộc phỏng vấn khác tại quê nhà Hải Phòng hồi đầu năm nay. Trong cuộc phỏng vấn, ông cho xem cả những tấm ảnh chụp tù nhân chiến tranh Mỹ lẫn những bức ảnh gần đây chụp ông mặc quân phục đứng cùng quan chức Mỹ.
Ông nói mối quan hệ giữa ông với ông McCain đã được cải thiện trước khi người lính Mỹ ra tù.
"Ngoài giờ làm việc, chúng tôi xem nhau là bạn", ông nói. "Ông ấy dạy tôi tiếng Anh. Kỹ năng sư phạm của ông ấy rất tốt".
Trong những bài viết sau khi ra tù, ông McCain nói mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn với ông trong những năm đầu thập niên 1970, giai đoạn mà ông gọi là "thời gian chạy theo đà".
Ông tìm đọc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được cho phép đi lại trong sân nhà tù cùng những bạn tù Mỹ, những người đã đặt tên cho các khu khác nhau của nhà tù theo tên các khách sạn ở Las Vegas.
Đại tá Trần Trọng Duyệt và bức ảnh chụp các tù binh Mỹ tại nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: AFP. |
Đại tá Duyệt nhớ lại những lần hai người trò chuyện vui vẻ về gia đình, những chuyến đi, thậm chí về phụ nữ.
"Chúng tôi cùng phá lên cười và nhất trí rằng phụ nữ ở đâu cũng giống nhau - họ thích được khen, hay hờn dỗi và hay ghen", ông mỉm cười nói với AFP.
Hàn gắn Việt - Mỹ
Ông McCain rời hải quân năm 1981 và theo đuổi sự nghiệp chính trị, nổi bật nhất là vai trò thượng nghị sĩ bang Arizona. Song những ký ức về "Hilton Hà Nội" vẫn luôn gắn suốt cuộc đời ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi còn tranh cử, từng nói ông McCain "không phải là anh hùng chiến tranh" vì ông bị bắt tại Việt Nam.
Nhận xét gây tranh cãi đã thổi bùng ngọn lửa tức giận trong những người ủng hộ ông McCain.
Bộ quần áo phi công của John McCain được trưng bày tại bảo tàng nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: AFP. |
Ông McCain cũng được ca ngợi về vai trò của mình trong quá trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, hai nước từ thế đối đầu đã trở thành đối tác thân thiết trong nửa thế kỷ kể từ khi kết thúc chiến tranh.
"Sự cởi mở của ông ấy với Việt Nam và sự sẵn lòng trong việc không chỉ trở lại thăm nước này mà còn tìm lại những trải nghiệm của ông ấy chắc chắn đã giúp chữa lành rất nhiều vết thương", Alvin Townley, tác giả cuốn Defiant viết về những tù binh Mỹ ở Hỏa Lò, nói.
Ông McCain đã ghé thăm Việt Nam vài lần sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, thậm chí trở lại "Hilton Hà Nội" - hiện là điểm du lịch nổi tiếng - trong cuộc gặp gỡ đầy xúc động với một cựu quản giáo khác.
Ông Duyệt chưa bao giờ có cơ hội gặp lại McCain, nhưng đã nghĩ về những gì ông sẽ nói nếu hai người gặp nhau.
"Nếu ông ấy đến Việt Nam, tôi sẽ chào ông ấy, không phải với tư cách là một cựu tù nhân và một quản giáo trại giam, mà là hai cựu chiến binh đứng ở hai bên chiến tuyến, bây giờ lại gặp nhau trên tinh thần hòa giải", ông nói.
Khi được thông báo về sự ra đi của ông McCain, ông Duyệt nói ông "rất buồn".
"Nếu được, nhờ bạn gửi lời chia buồn của tôi đến gia đình ông ấy".