"Đứng đầu danh sách là Trung Quốc với tư cách là một quốc gia, một quốc gia lớn nhất, với khả năng thay đổi cách sống của chúng ta ở Mỹ và thay đổi trật tự toàn cầu dù mọi người có muốn hay không", John Rood, Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, phát biểu hôm 20/7.
"Các chuyên gia an ninh không hiểu rõ rằng chúng ta lại rơi vào cuộc cạnh tranh ý thức hệ", ông nói.
Ông Rood, cố vấn hàng đầu của Lầu Năm Góc về chính sách quốc phòng, nhắc lại cảnh báo gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo về ảnh hưởng mở rộng của Trung Quốc ở Bắc Cực và Nam Mỹ - những địa điểm xa xôi nhưng có ý nghĩa chiến lược trên toàn cầu.
Ông John Rood nói rằng Trung Quốc có khả năng "thay đổi cách sống của chúng tôi" ở Mỹ. Ảnh: AFP. |
Ông cũng phản đối quan điểm cho rằng Trung Quốc chỉ nổi lên như một đối thủ kinh tế đơn thuần.
"Họ đang thúc đẩy một mô hình độc đoán và kết hợp chặt chẽ với các hoạt động quân sự: Hoạt động quân sự chiến lược, hoạt động tình báo và ranh giới giữa các hoạt động thương mại ở Trung Quốc ngày nay và ở Mỹ là rất rất mong manh, gần như chỉ tồn tại trên giấy tờ", Washington Examiner dẫn lời ông Rood.
Điều này đã thúc đẩy chiến dịch ngoại giao tích cực nhằm ngăn cản các đồng minh hợp tác với Huawei, một công ty tiên phong về viễn thông và công nghệ mà các quan chức Mỹ coi là nền tảng cho các hoạt động gián điệp Bắc Kinh. Tuy vậy, quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo rằng ông sẽ không kêu gọi sự trở lại của chiến lược thời Chiến tranh Lạnh đã thúc đẩy sự cạnh tranh của Mỹ với Liên Xô.
"Thương mại, buôn bán, đầu tư, tất cả đều được chào đón, ông nói tại Diễn đàn An ninh Aspen 2019.
Dù vậy, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ưu thế công nghệ so với Trung Quốc, lưu ý rằng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu nhiều kinh phí cho nghiên cứu và phát triển hơn bất cứ lúc nào trong 70 năm qua, tập trung rõ ràng vào trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Chris Brose, cựu giám đốc của ủy ban công tác vũ trang chịu trách nhiệm tài trợ và giám sát của bộ quốc phòng Mỹ, cho biết tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và ở biên giới với Ấn Độ nên là trọng tâm chính cho các nỗ lực an ninh của Mỹ.