Ông Nguyễn Lân Trung là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Sau khi một lãnh đạo VFF tiết lộ thông tin về việc ông Takashi, HLV Nhật Bản dẫn đội nữ chỉ là giáo viên thể dục, kém về chuyên môn nhưng vẫn nhận lương và đãi ngộ từ VFF, ông Nguyễn Lân Trung, Ủy viên Ban chấp hành VFF khóa VII, cựu Phó chủ tịch VFF khóa V đã có những chia sẻ với Zing.vn về sự việc này.
- Ông có thể cho biết quan điểm của mình trước những thông tin cho rằng VFF thuê HLV tuyển nữ chỉ là giáo viên thể dục, yếu kém về chuyên môn?
- Tôi chỉ quan tâm tới vấn đề là ông ấy có bằng cấp để dẫn dắt đội tuyển nữ hay không? Tôi khẳng định là Takashi có đủ điều kiện làm huấn luyện viên trưởng. Còn việc chúng ta moi móc lý lịch của ông ấy là không tốt. Thứ nhất, dù là giáo viên thể dục nhưng ở thời điểm ký hợp đồng, ông ấy đủ bằng cấp để làm HLV trưởng. Thứ hai, ông ấy cũng mang lại một số thành tích nhất định với đội tuyển nữ. Tuy nhiên, do mục tiêu thay đổi nên HLV Mai Đức Chung được gọi về để xây dựng ĐT nữ trước thềm Vòng loại thứ 3 Olympic Brazil 2016.
Tôi phải nhắc lại là ở thời điểm ký hợp đồng với ông Takashi, VFF rất khó khăn và thiếu nhân sự. Lúc này, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản chính thức giới thiệu tới VFF. Và trước khi sang Việt Nam, ông Takashi là trợ lý của một CLB chuyên nghiệp ở Nhật Bản. Bây giờ, HLV Mai Đức Chung nghỉ việc ở Bình Dương, VFF có nhân sự tốt rồi thì chuyển ông Chung sang dẫn dắt đội tuyển nữ. VFF cảm ơn HLV Takashi, tạm biệt ông trước khi về nước, khi nào khó khăn mình lại mời người ta sang.
Quan điểm soi mói chuyên môn ông Takashi của một số lãnh đạo VFF giống như khi cần thì vắt chanh, khi không thì bỏ vỏ, moi móc người ta là người dạy học là không tốt. Theo quan điểm của tôi, người dạy học mà làm tốt thì vẫn tốt, thầy giáo mà giúp tuyển nữ có thành tích thì cũng xứng đáng ghi nhận. Quan điểm về dụng học là phải thế. Các bạn hãy nghĩ thoáng hơn, chứ đừng tiểu tiết, moi móc. Chứ không sau này các HLV ngoại sang Việt Nam đều e dè hết.
HLV Takashi đã trở về Nhật Bản, nhường chỗ cho HLV Mai Đức Chung. Ảnh: Tùng Lê. |
- Trước thông tin về việc Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn tuyển chọn HLV ngoại (ông Takashi và ông Miura) thiếu sự minh bạch, không thông báo trước thường trực VFF. Ông có thể chia sẻ thực hư về sự việc này?
- Trước tiên, VFF tuyển HLV theo đúng quy trình, có hồ sơ đầy đủ và công bố rõ ràng trước Ban chấp hành, nhưng mức lương không được tiết lộ. Ai nói không biết thì phải chịu trách nhiệm chứ không có chuyện mập mờ nào cả. Mọi việc đã được thông qua Ban chấp hành VFF, tôi là Ủy viên mà tôi còn biết, nên tôi không chịu trách nhiệm về sự "không biết" của những người khác.
- Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ chia sẻ VFF đang rất khó khăn về tài chính, thiếu minh bạch trong công tác điều hành. Ông có thể nói gì về điều này?
- Hiện nay, tôi là Ủy viên Ban truyền thông, Ủy viên Ban Chiến lược và Ban Phong trào ở VFF. Vì vậy, tôi khẳng định rằng vấn đề tài chính ở VFF luôn được đưa công khai, minh bạch trong các cuộc họp Ban chấp hành. Trong tình hình kinh tế khó khăn nói chung thì VFF cũng vậy, nhưng chúng tôi vẫn đủ kinh phí hoạt động nhịp nhàng. Năm qua, chúng ta đủ kinh phí để tham gia các giải đấu lớn, thực hiện đầy đủ kế hoạch tập huấn nước ngoài cho các đội tuyển. Ai nói VFF khó khăn lắm, không đủ kinh phí để duy trì thì đó là những thông tin không chính thức, không chính xác. Thông tin chính thức đều được báo cáo ở Hội nghị Ban chấp hành VFF định kỳ.
- Trước thông tin nói rằng VFF đang điều hành theo kiểu công ty TNHH 2 thành viên, gồm Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, ông đánh giá như thế nào về vai trò của 2 vị quan chức đứng đầu bóng đá Việt Nam?
- Tôi phải nói rằng kinh nghiệm và niềm đam mê của Chủ tịch Lê Hùng Dũng là tuyệt vời. Nhưng anh ấy ở xa Hà Nội nên đã phân công anh Tuấn làm nhiệm vụ giám sát hoạt động của Ban Tổng thư ký. Bởi vậy, người giám sát chính trong thời gian qua là anh Trần Quốc Tuấn. Có những cái anh Tuấn làm được nhưng người ta không ghi nhận, đó là anh ấy góp phần nâng tầm Việt Nam ở trường khu vực và quốc tế.
Anh Tuấn đi nhiều nhưng vẫn hoạch định được việc ở nhà, một vài ý kiến chê trách anh ấy nhưng tôi không đồng ý. Tôi ngoài 60 tuổi rồi nên chẳng phải bênh ai, nhưng mình phải nhìn nhận một cách khách quan, phải ghi nhận những cái đóng góp của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Anh ấy đi nhiều nhưng mang về những quyền lợi cho bóng đá Việt Nam thì mới là hay. Còn việc ở nhà, đã có Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh lo liệu.
- Ông đánh giá như thế nào trước thông tin về việc nội bộ VFF đang có sự bất đồng?
- Nói về sự bất đồng hay mẫu thuẫn trong VFF thì ta phải nhìn theo hướng tích cực. Đâu phải cứ bất đồng là không tốt? Trong một tập thể, phải có tranh luận, phải có phản biện để cùng nhau sửa sai, cùng nhau tiến bộ. Chứ đừng nghĩ chuyện bất đồng là cái xấu. Tuy nhiên, mọi đóng góp phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, từ lợi ích của cả nền bóng đá Việt Nam, chứ không thể từ lợi ích cá nhân hay lợi ích của một nhóm nào đó, miễn làm sao để bóng đá Việt Nam phát triển trong thời gian tới.