“Nó giống như một nhà tù kỹ thuật số, nơi công việc tôi là giám sát video và cố gắng bảo vệ hình ảnh của công ty”, những nhân viên cũ từng làm việc tại công ty của TikTok, tiết lộ với Telegraph.
Dưới áp lực của công ty, nhóm người này tiết lộ số video họ phải xem mỗi ngày lên tới 1.000 clip mỗi ngày.
Nguồn tin nói với Telegraph rằng họ được yêu cầu chú trọng nhất tới các video sẽ làm hỏng hình ảnh thân thiện, vui nhộn của TikTok muốn thể hiện với công chúng, trong khi những báo cáo do người dùng gắn cờ vi phạm có thể mất nhiều ngày mới được đọc tới.
Người từng làm việc cho TikTok tiết lộ nền tảng này không chú trọng xử lý các video sai phạm đạo đức. Ảnh: BBC. |
Phải online ngay cả khi đi vệ sinh
Với những người thuộc đội kiểm duyệt, yêu cầu ban đầu đưa ra là 100-400 video mỗi ngày. Trên thực tế, con số họ phải xem lên đến 1.000-1.200 clip, với mục tiêu nghiêm ngặt là mỗi video vi phạm phải được gắn cờ trong vòng 15 phút kể từ khi đăng tải.
Điều này dẫn đến việc những người kiểm duyệt phải xem với tốc độ gấp 3-4 lần bình thường để đáp ứng yêu cầu, kể cả với những clip ở ngôn ngữ khác mà họ không hiểu.
“Thật khủng khiếp khi bạn luôn thấy áp lực. Người quản lý cứ mỗi sau 2-3 giờ sẽ ra động viên rằng bạn sẽ xem hết được số video này thôi”, người này nói.
Các nhân viên cũ cũng mô tả môi trường làm việc thường xuyên cho họ cảm giác đang bị theo dõi nghiêm ngặt. Cựu nhân viên tiết lộ họ vẫn phải online mỗi khi đi vệ sinh hoặc nghỉ giải lao. Ngoài ra, nếu rời bàn làm việc quá lâu, cấp trên sẽ trực tiếp đến cảnh cáo.
“Đây giống như một nhà tù kỹ thuật số vì bạn không thể làm bất cứ điều gì mà mọi người không biết”, người này nói.
Ngoài ra, khi những người kiểm duyệt kiến nghị họ nên ưu tiên các vấn đề an toàn trong video hơn như ngăn chặn clip ấu dâm, clip nói xấu ngoại hình của phụ nữ, phía TikTok không mấy mặn mà.
Trước các chỉ trích bủa vây, TikTok cho biết đang lựa chọn trụ sở mới ở châu Âu nhằm dứt bỏ các mối liên hệ với Trung Quốc. Ảnh: Insider. |
Những tiết lộ mới về cách nền tảng này xử lý hời hợt những người quay clip bị cho là ấu dâm càng khiến chính quyền nhiều nước có cái nhìn ác cảm và đưa ra lệnh cấm ứng dụng này. Gã đại gia công nghệ của Trung Quốc bị chỉ trích không có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại.
Sự trỗi dậy của nền tảng video đến từ Trung Quốc này đã lan rộng ra toàn cầu trong những năm gần đây, thu hút số lượng người dùng trẻ tuổi ở khắp các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, khi càng trở nên phổ biến, nền tảng này bỗng trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho những kẻ ấu dâm, lạm dụng trẻ em. Những kẻ này coi đây là phương tiện hiệu quả để tìm kiếm, liên lạc với “con mồi”.
Năm ngoái, Hiệp hội quốc gia phòng chống tội phạm trẻ em của Anh ra cảnh báo ứng dụng này là nơi những kẻ biến thái săn lùng các đối tượng tiềm năng, sau khi nhận được các báo cáo về việc những người đàn ông trưởng thành thường xuyên đăng bình luận dung tục dưới video trẻ em.
Đáp trả lại, đại diện TikTok nói rằng họ đã thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách an toàn cho trẻ em và phúc lợi của nhân viên công ty là điều được coi trọng không kém, đồng thời khẳng định không bắt ép mọi người làm việc ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Phía TikTok cho biết các video dài trung bình 15 giây và 1.000 video tương đương với khoảng bốn giờ làm việc, phù hợp với tiêu chuẩn khối lượng công việc của ngành công nghệ.