Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu nhà báo Mỹ đồng hành bảo vệ biển đảo Việt Nam

Gần 20 năm gắn bó với Việt Nam, cựu phóng viên James Borton đã viết nhiều bài báo về ngư dân, lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Năm 1998, nhận lời mời từ Bộ Ngoại giao, nhà báo James Borton tờ Washington Times (Mỹ) đến Việt Nam tác nghiệp về hội thảo quốc tế bàn về vấn đề bảo tồn, gìn giữ môi trường biển.

Tự cho mình có duyên nợ với biển, từng là thủy thủ, nhà thám hiểm khám phá đại dương, gần 20 năm qua, ông nhiều lần đến các làng chài ven biển, hải đảo Việt Nam tác nghiệp, xem đây là "quê hương thứ hai" của đời mình. 

nha bao James Borton anh 1
Cựu nhà báo Mỹ James Borton. Ảnh: Minh Hoàng.

Tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, ông từng đến miền Trung tìm hiểu tàu cá Việt Nam bị đâm chìm ở Hoàng Sa lên án hành động vô nhân đạo của Trung Quốc. 

Cựu phóng viên này nhìn nhận, Biển Đông là huyết mạch thương mại của Việt Nam và là một trong những vùng dồi dào cá nhất thế giới. Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Các hoạt động nạo vét, lấp đảo, xây công trình trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa đã phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển. Trung Quốc đã và đang gây tổn hại không thể phục hồi đối với đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái nhiều khu vực thuộc Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa.

“Trung Quốc không có quyền bồi lấp, phá hủy các rạn san hô mỏng manh ở quần đảo Trường Sa và quấy rối ngư dân đánh bắt thủy sản trên ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông”, James Borton khẳng khái nói. 

nha bao James Borton anh 2
Ông James Borton tắm biển cùng người dân ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: E.KIEU.

Ông cho hay, nhiều năm qua, những nhà khoa học bảo tồn môi trường biển đảo Việt Nam đã lay động trái tim mình. Chính những người bạn lớn nơi đây đã gợi cho ông ý tưởng về chiến dịch cứu Biển Đông.

Cựu nhà báo đề xuất, bảo vệ môi trường sinh thái biển là một vấn đề lớn và cần trở thành mối quan tâm tầm quốc gia. Việt Nam cần huy động cộng đồng, kêu gọi các nhà khoa học trong nước, lẫn quốc tế, lập mạng xã hội lan tỏa sức mạnh cộng đồng cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn biển ngay từ bây giờ.

Liên tục nhiều ngày qua, cựu phóng viên này đã lặng lẽ về đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ghi chép tỉ mỉ nhiều câu chuyện sinh động về đời sống bà con ngư dân, bảo tồn môi trường biển đảo... Ông lập kế hoạch chi tiết về những chuyến đi, ấp ủ ước vọng viết cuốn sách "Di sản biển đảo Việt Nam" từ những câu chuyện nghề biển, bản lĩnh sống, lao động kiên cường của bà con ngư dân. 

Yêu biển, mê mẩn vẻ đẹp yên bình và ngư dân mộc mạc ở các làng chài miền Trung, James Borton cho rằng, bảo tồn Biển Đông là việc cấp bách cần làm ngay từ bây giờ. Ngày Đại dương Thế giới 8/6 năm nay, cựu nhà báo gửi đi thông điệp: "Hãy cùng chung tay cứu bà mẹ Biển Đông vì đó là nguồn sống của chúng ta".

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm