Theo thông tin từ thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Đức, khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chị N.T.H. (34 tuổi trú tại Gia Lâm, Hà Nội) mang song thai nhờ thụ tinh nhân tạo hơn 29 tuần, nhập Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội ngày 11/12 do mắc Covid-19, nồng độ virus khá cao.
Sau hơn một tuần điều trị, thai phụ bắt đầu xuất hiện sốt cao trên 39 độ C. Các bác sĩ nhận định chị H. chưa có biểu hiện khó thở nhưng khi mang song thai và sốt cao liên tục từ 3 ngày, đặc biệt chưa tiêm vaccine Covid-19 là những yếu tố tiên lượng có thể diễn biến nặng nhanh.
"Chúng tôi lập tức chụp X-quang phổi cho sản phụ, sử dụng thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi để sẵn sàng trường hợp xấu nhất là phải cho thai nhi ra sớm để cứu thai phụ", bác sĩ Nguyễn Công Định, trưởng ê-kíp điều trị, nhận định.
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đang phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Đúng như nhận định, trong đêm 17/12, thai phụ xuất hiện khó thở, phải hỗ trợ thở oxy. Sáng hôm sau, tình trạng thai phụ tiếp tục nặng hơn.
BSCKII Phạm Minh Hưng, Phó khoa Hồi sức cấp cứu và BSCKII Nguyễn Hữu Tuấn, khoa Gây mê hồi sức, hỗ trợ bệnh nhân thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng, phải chuyển sang thở máy qua ống nội khí quản.
Nhịp tim của song thai lúc này giảm xuống còn 80-90 lần/phút (bình thường khoảng 140 lần/phút).
Hai bé gái chào đời từ người mẹ đang nguy kịch do Covid-19. Ảnh: BVCC. |
Đứng trước tình thế nguy kịch, lãnh đạo Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hội chẩn và quyết định mổ lấy thai.
Ca mổ lấy thai do ThS.BS Nguyễn Công Định và ThS.BS Trần Anh Đức thực hiện. Hai bé gái nặng 1,5 kg và 1,6 kg chào đời trong tình trạng yếu ớt. Các bác sĩ hỗ trợ 2 bé sinh non thở máy.
Về tình hình sản phụ, sau sinh, ê-kíp mổ phải cắt tử cung và để lại 2 buồng trứng cho bệnh nhân do tiên lượng không thể bảo tồn được tử cung và nguy cơ chảy máu rất cao.
Ngay sau đó, một ê-kíp khác từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương do bác sĩ Nguyễn Trung Cấp dẫn đầu nhanh chóng lên đường hỗ trợ. Sản phụ được can thiệp ECMO, sau đó chuyển về điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung trong chiều 18/12.
Sau gần nửa tháng điều trị, sản phụ H. được xuất viện. Hai bé gái sau 10 ngày điều trị tích cực tại Cơ sở Điều trị Covid-19 của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng đã có thể tự thở và dinh dưỡng mỗi bữa được 30-40 ml.
"Từng giây phút căng thẳng khi lần đầu tiên cứu sống thai phụ F0 bằng phương pháp ECMO, ê-kíp chúng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày hôm đó, như niềm động viên tinh thần to lớn cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch", bác sĩ Trần Anh Đức chia sẻ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.