Sáng 26/3, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp vừa cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim.
Nữ bệnh nhân L.T.T. (62 tuổi, ngụ Vĩnh Long) đột ngột đau ngực trái trước khi nhập viện tại địa phương vào chiều 22/3. Một giờ sau, bà T. ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sâu.
Sau khi được cấp cứu khoảng 15 phút, tim của bà T. đập trở lại. Đến 20h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tại đây, người này được hồi sức tích cực, thở máy và can thiệp mạch vành cấp cứu.
Sức khỏe bà L.T.T. đã ổn định. Ảnh: T.P. |
30 phút sau đó, các bác sĩ đã xử lý thành công tổn thương nhánh động mạch liên thất trước đoạn II-III bằng stent phủ thuốc. Sau khi được tái thông mạch vành, sức khỏe của bà T. ổn định và ngưng thở máy trong đêm.
Trước khi cấp cứu cho bà T., Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cùng lúc triển khai 2 ê-kíp can thiệp cứu 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch trong ngày 18/3. 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim này vào bệnh viện cùng một lúc và tổng thời gian can can thiệp chỉ trong 90 phút.
Theo bác sĩ Phong, nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim - đột ngột, làm chết tế bào cơ tim. Đây là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên tắc chung trong điều trị nhồi máu cơ tim là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt. Việc này nhằm cứu tối đa phần cơ tim thoi thóp, thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết do hoại tử.
“Dòng chảy động mạch vành chỉ được khôi phục khi loại bỏ cục máu đông bằng thuốc tiêu cục máu đông hoặc sử dụng các biện pháp can thiệp qua da như nong bằng bóng, đặt giá đỡ trong lòng động mạch vành kết hợp với việc hút bỏ cục máu đông. Nhồi máu cơ tim cấp có tỷ lệ tử vong cao khi có biến chứng ngừng tuần hoàn”, bác sĩ Phong chia sẻ.