Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cựu hoàng tử bị cảnh sát bắn chết, tòa Ấn Độ sau 35 năm mới tuyên án

Người đàn ông bị bắn chết giữa ban ngày, nhưng 35 năm sau những kẻ nổ súng mới bị kết án. Vụ việc lần nữa cho thấy những vấn đề nhức nhối trong hệ thống tư pháp hình sự ở Ấn Độ.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 1

Vào một ngày mùa đông năm 1985, người từng là hoàng tử Ấn Độ bị cảnh sát giết chết tại khu chợ sầm uất ở Rajasthan.

Trong nhiều thập kỷ, cảnh sát và người thân của cựu thành viên hoàng gia không thể thống nhất những gì đã xảy ra ngày hôm đó với người đàn ông nổi tiếng với tính cách quyết liệt và tham vọng chính trị.

Gia đình của Raja Man Singh - thuộc dòng dõi hoàng tộc nhiều thế kỷ - cho rằng ông đã bị giết trong một âm mưu được tính toán trước theo lệnh của chính trị gia có vị trí cao nhất trong bang.

Tuy nhiên, cảnh sát cho biết họ đã nổ súng để tự vệ, giết chết người đàn ông nóng nảy và luôn nghĩ rằng mình đứng trên luật pháp.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 2

Chân dung Raja Man Singh lúc về già (trái) và khi còn trẻ (phải). Ảnh: CNN.

Trong suốt 35 năm, không ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Man Singh. Cho đến tháng trước, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài, 11 cảnh sát đã bị kết tội giết người và bị tuyên án chung thân.

Gia đình ông cho biết họ đã mất 1.700 ngày ra tòa trong hơn 35 năm để có được công lý. Vì phiên tòa diễn ra quá lâu, tất cả cảnh sát bị kết án đều ở độ tuổi 60 trở lên, và 4 cảnh sát bị buộc tội đã chết trước khi tuyên án.

Song thực tế rằng vụ án cuối cùng cũng có kết quả là điều quan trọng ở Ấn Độ, nơi hiếm khi cảnh sát bị kết án vì giết một người dân - tình huống được gọi là "giết người do đụng độ" ở Ấn Độ.

Và, như gia đình của Man Singh chỉ ra, có thể đã chẳng có công lý nếu họ không phải thuộc dòng dõi hoàng gia.

Người cuối cùng của hoàng gia

Khi Man Singh chào đời năm 1921, vùng đất Nam Á vẫn nằm dưới sự cai trị của Anh. Song chỉ khoảng 2/3 dân số được cai trị trực tiếp bởi đến chế Ấn Độ thuộc Anh - 1/3 còn lại được cai trị bởi khoảng 600 "vua chúa địa phương", những người thề trung thành với quân chủ Anh.

Các "phiên quốc" này mang lại lợi ích cho Ấn Độ thuộc Anh - họ giảm bớt gánh nặng hành chính khi họ tự xử lý các vấn đề của mình và, với sự chia nhỏ dân số, khiến cho các thần dân Ấn Độ ít có khả năng đoàn kết chống lại tầng lớp cai trị.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 3

Màu xanh là các phiên quốc, trong khi màu vàng là nơi đế chế Anh trực tiếp cai trị ở Nam Á trước năm 1947. Đồ họa: CNN.

Sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, các phiên quốc này bị giải thể và đất nước trở thành nền dân chủ lớn nhất thế giới. Chúng bao gồm phiên quốc Bharatpur, khi đó nằm dưới sự cai trị của anh trai Man Singh, Maharaja Brijendra.

Theo Adnan Naseemullah, người dạy chính trị Nam Á tại Đại học King's College London, các hoàng gia được phép giữ lại cung điện của họ, trong đó nhiều nơi đã được chuyển đổi thành khách sạn tráng lệ. Và cho đến năm 1971, các hoàng gia trước đây vẫn được chu cấp một khoản tiền lớn - khoản bồi thường từ chính phủ trung ương cho việc họ mất địa vị.

Sau độc lập, một số thành viên hoàng gia trước đây - chẳng hạn như hoàng gia Bharatpur - chuyển sang hoạt động chính trị. Đôi khi, họ làm điều này để ngăn tài sản bị chuyển cho nông dân hoặc cho nhà nước, theo giáo sư Naseemullah.

Nhà khoa học chính trị Vasundhara Sirnate cho biết khi tham gia vào chính trị, họ có thể biến quyền lực mà họ từng có trước đây thành quyền lực kiểu mới, hợp pháp.

Trong những thập kỷ sau độc lập, Man Singh đã chứng tỏ mình là một chính trị gia lão luyện.

Cho đến năm 1985, ông đã giành chiến thắng liên tiếp trong 6 cuộc bầu cử hội đồng lập pháp bang Rajasthan. Ông không thúc đẩy một vấn đề cụ thể - thay vào đó, ông tận dụng sự nổi tiếng rộng rãi của maharaja (tiếng Sankrit, có nghĩa là "đức vua vĩ đại"), vận động tranh cử với khẩu hiệu "Long Live Giriraj Maharaj" (Giriraj Maharaj muôn năm), đề cập đến vị thần dũng cảm của hoàng gia này.

Năm 1985, ông vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ bảy, cạnh tranh với đối thủ từ đảng Quốc Đại Ấn Độ đang cầm quyền lúc bấy giờ, lực lượng đã thúc đẩy độc lập từ Anh. Chiến dịch thứ bảy rốt cuộc trở thành chiến dịch cuối cùng của Man Singh.

Vào ngày 19/2, các thành viên đảng Quốc Đại đã đến cung điện mùa hè của Man Singh ở Deeg, một thị trấn ở huyện Bharatpur, theo Vijay Singh, con rể của Man Singh. Ở đó, họ kéo một lá cờ xuống - không rõ đó là loại cờ gì - và đốt nó.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 4

Đồ họa: CNN.

Ngày hôm sau, Thủ hiến bang Rajasthan, Shiv Charan Mathur, quan chức dân cử đứng đầu bang, đã tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ đối thủ của Man Singh.

Tức giận, Man Singh xuất hiện tại cuộc mít tinh, theo phán quyết dài 158 trang mà tòa án đặc biệt thuộc Cục Điều tra Trung ương (CBI) đưa ra vào tháng trước.

Ông ta lái xe quân sự của mình tiến vào sân khấu, sau đó đâm vào chiếc trực thăng mà vị thủ hiến đã sử dụng để tới nơi mít tinh. Cửa sổ trực thăng vỡ và vị thủ hiến phải quay trở lại thủ phủ Jaipur của Rajasthan bằng đường bộ.

Theo Vijay Singh, cảnh sát đã không cố gắng bắt giữ Man Singh sau vụ việc, mặc dù báo cáo của cảnh sát ngày hôm đó đã cáo buộc ông âm mưu giết người. Man Singh tiếp tục vận động tranh cử, và thậm chí còn đọc diễn văn chính trị gần đồn cảnh sát tối hôm đó.

Vào khoảng giữa trưa ngày hôm sau - ngày 21/2 - Man Singh, con rể của ông và các thành viên khác trong đảng đang trên đường đến một cuộc vận động cử tri, theo phán quyết. Họ đã bị khoảng 50 cảnh sát chặn lại tại một khu chợ đông đúc.

Khi Man Singh cố lùi xe, cảnh sát đã nổ súng, giết chết ông, theo lời khai của con rể Vijay Singh với cảnh sát.

Tự vệ hay giết người?

Như các cảnh sát khai, họ đã giết Man Singh để tự vệ.

Khi họ đến chợ để bắt ông vì vụ việc hôm trước, các thành viên trong đảng của ông đã tấn công bằng cách sử dụng những khẩu súng tự chế được làm từ phế liệu, ở Ấn Độ gọi là "súng quê", phía cảnh sát nói.

Khi một sĩ quan yêu cầu họ đầu hàng, Man Singh đáp trả "Hãy giết những tên cặn bã", theo bản dịch của phán quyết được viết bằng tiếng Hindi.

Cảnh sát nói họ buộc phải nổ súng, khiến Man Singh và hai thành viên trong đảng của ông bị thương. Sau khi hỗn loạn lắng xuống, họ đã đưa cả ba đi điều trị, theo báo cáo ban đầu của cảnh sát.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 5

Dushyant Singh đứng bên vạnh tượng ông của mình, Raja Man Singh. Ảnh: CNN được cung cấp.

Các luật sư của cảnh sát đã chỉ ra sự nóng nảy của Man Singh. Trong cuộc bầu cử năm 1971, ông đã đâm xe của mình vào xe của đối thủ và vào năm 1973, ông cũng làm như vậy với xe cảnh sát, giật vũ khí từ một sĩ quan và ẩu đả với cảnh sát.

Song Vijay Singh, người suýt bị trúng đạn trong vụ đấu súng chí mạng, nói rằng đó không phải là hành động tự vệ - đó là hành vi giết người.

Ông nói rằng thủ hiến Rajasthan đã rất tức giận khi Man Singh làm hỏng máy bay trực thăng của ông ta, đồng thời khiến cuộc mít tinh bị gián đoạn. Vì vậy, ông ta nghĩ ra một kế hoạch để trả thù - ra lệnh cho cảnh sát giết Man Singh.

Theo Vijay Singh, viên đạn đầu tiên được bắn bởi phó cảnh sát trưởng Kan Singh Bhati, hiện đã hơn 82 tuổi. Trái ngược với báo cáo của cảnh sát, Vijay Singh nói rằng cha vợ và những người ủng hộ ông đã chết ngay tại chỗ và không mang theo vũ khí - thay vào đó, cảnh sát đã gài bằng chứng để khiến sự việc giống như đã có một vụ đấu súng.

"Đây là một vụ giết người giữa ban ngày, giữa một khu chợ sầm uất nhưng họ đã khiến mọi người sợ hãi và không dám lên tiếng", Vijay Singh nói với CNN tháng trước. "Tại sao một gia đình có hàng chục khẩu súng được cấp phép lại sử dụng súng quê chứ?".

Trong phán quyết của tòa tháng trước, CBI đã không giải quyết cáo buộc của Vijay Singh rằng vị thủ hiến - người qua đời vào năm 2009 - đã ra lệnh giết người. Song phán quyết đã đứng về phía Vijay Singh.

Tòa kết luận vụ nổ súng bắt đầu theo lệnh của Bhati. Họ cho rằng Man Singh và các thành viên trong đảng của ông không có bất kỳ vũ khí nào trên người - và họ đã chết ngay tại chỗ.

"Gia đình và công chúng đều vui mừng vì phán quyết này và chúng tôi hoan nghênh nó", Krishnendra Kaur, con gái của Man Singh, nói. Bà cũng cho hay bà rất vui vì bà và hai chị gái vẫn còn sống để xem kết quả - vợ của Man Singh đã qua đời trước đó.

Tại sao vụ án kéo dài lâu như vậy?

Sau khi Man Singh qua đời, nhiều người dân ở Bharatpur đã rất rối trí.

Naseemullah nói hàng trăm phiên quốc ở Ấn Độ được quản lý khác nhau - và trong nhiều trường hợp, không hề có tình cảm giữa dân thường và vua chúa. Họ bị coi là "những kẻ bù nhìn của đế chế Anh", những người đứng "sai phía lịch sử".

Song ở Bharatpur, nhiều người yêu quý hoàng gia. Theo Vijay Singh, Man Singh đã tự mình làm việc tại trang trại và được người dân gọi là "nông dân trong các vị vua, vua trong những người nông dân". Công chúng có cái nhìn thiện cảm đối với hoàng gia, những người đã đối xử tốt với người dân của họ, Vijay Singh nói thêm.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 6

Cung điện Durjan Sal ở Bharatpur. Tranh khắc năm 1897 của Louis Rousselet. Ảnh: Getty.

Vì vậy, khi Man Singh qua đời, hàng trăm người từ thị trấn Deeg đã đến dự đám tang. Theo Vijay Singh, khi đám tang diễn ra, lệnh giới nghiêm đã được áp đặt ở Bharatpur để ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát. Ba người chết trong vụ bạo lực, theo lời khai của Vijay Singh trước tòa.

Ngay sau cái chết của Man Singh, Vijay Singh đã trình báo với cảnh sát.

Vào ngày 23/2/1985, ông đã đệ đơn trình báo sự việc, cho rằng cảnh sát đã sát hại cha vợ. Ban đầu, cảnh sát địa phương từ chối tiếp nhận đơn tố cáo của ông. Vì vậy, ông đã khiếu nại với cảnh sát trưởng, người đã yêu cầu cấp dưới tiếp nhận trình báo của anh. Toàn bộ 18 cảnh sát đã bị truy tố vào tháng 7 năm đó.

"Sau khi sự việc xảy ra, bầu không khí tại thị trấn và tại huyện có nhiều biến động", Vijay Singh nói.

Tuy nhiên, quá trình xét xử tại tòa đã bị trì hoãn trong nhiều thập kỷ, theo Narayan Singh, luật sư của gia đình Man Singh.

Gia đình đã yêu cầu chuyển vụ án từ Rajasthan đến Mathura, thuộc bang lân cận Uttar Pradesh, vì lo ngại chính quyền địa phương có thể ngăn cản quá trình tố tụng. Năm 1989, Tòa án Tối cao chuyển giao vụ án.

Song ngay cả sau đó, họ vẫn phải chờ đợi mòn mỏi.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 7
Cung điện Deeg ở Bharatpur. Ảnh: Getty.

Theo luật pháp Ấn Độ, nhiều người có thể bị truy tố chung trong một tội, có nghĩa là bên công tố không cần phải chứng minh người nào trong số bị cáo đã bắn viên đạn chí mạng. Song nếu một lá đơn pháp lý - chẳng hạn như đơn kháng cáo - đang chờ xử lý ở tòa cấp cao hơn đối với một trong những cá nhân này, thì vụ xét xử tập thể không thể được tiến hành ở tòa địa phương.

Cách tiếp cận tương tự đã được áp dụng bởi bốn người đàn ông bị kết án hiếp dâm tập thể và giết một sinh viên 23 tuổi trên xe buýt ở New Delhi vào năm 2012.

Trong trường hợp của Man Singh, đơn kiện đã gây ra quá nhiều sự chậm trễ đến mức 26 thẩm phán khác nhau đã thụ lý vụ việc, Narayan Singh cho hay.

Theo Narayan Singh, tòa án chỉ bắt đầu nghe lời khai từ 61 nhân chứng của bên nguyên vào năm 1990, và chỉ riêng quá trình đó đã kéo dài 18 năm. Tòa mất thêm 4 năm nữa để thẩm vấn 17 nhân chứng của bên bị, và 8 năm nữa để nghe các lập luận và kiến nghị khác.

"Phiên tòa sẽ dừng lại khi có những đề nghị khác nhau từ phía bào chữa và việc lấy lời khai của một nhân chứng có thể kéo dài tới 4 tháng", Narayan Singh nói. "Họ (bên bào chữa) có 100 cách để trì hoãn phiên tòa".

Theo Vijay Singh, mỗi người trong số 18 bị cáo sẽ đệ đơn lên tòa án cấp cao vào những thời điểm khác nhau.

"Cảnh sát chắc chắn biết cách khai thác hệ thống để mang lại lợi ích cho họ", ông nói.

Vấn đề lớn hơn

Theo luật sư Narayan Singh, việc cảnh sát bị kết án vì giết một người dân - dù họ mang dòng máu hoàng tộc hay không - là điều hiếm thấy.

Chính phủ không công bố thống kê về tổng số cảnh sát bị kết án trong những trường hợp như vậy - và thậm chí số vụ "giết người do đụng độ" cũng không rõ ràng. Không có số liệu thống kê của chính phủ về các vụ "đụng độ ngụy tạo" - thuật ngữ để chỉ những trường hợp như Man Singh trong đó vụ "đụng độ" với cảnh sát được dàn dựng.

Theo báo cáo Crime in India (Tội phạm ở Ấn Độ) gần đây nhất, được phát hành vào năm 2018 bởi Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, 4 "vụ giết người do đụng độ" được ghi nhận vào năm 2018. Không có vụ bắt giữ hoặc kết án nào.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 8

Một ngôi đền tưởng nhớ Raja Man Singh ở thị trấn Deeg. Ảnh: CNN được cung cấp.

Tuy nhiên, 164 trường hợp tử vong trong các vụ đụng độ với cảnh sát đã được ghi nhận bởi Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (NHRC) từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018.

Tổng cộng, 46 người chết trong các vụ đụng độ với cảnh sát chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, theo NHRC. 601 trường hợp khác liên quan đến người chết trong các vụ đụng độ với cảnh sát đang được xử lý tại tòa án.

Trong vài tháng qua, Ấn Độ đã chứng kiến một số vụ người chết được cho là do bàn tay của cảnh sát.

Vào tháng 6, cái chết của trùm xã hội đen Vikas Dubey trong một vụ nổ súng của cảnh sát đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Ấn Độ về những vụ giết người không qua xét xử. Hôm 22/7, Tòa án Tối cao đã yêu cầu một ủy ban điều tra độc lập xem xét sự việc và gửi báo cáo cho tòa án trong vòng hai tháng.

Tháng trước, 4 cảnh sát ở Tamil Nadu đã bị bắt vì cáo buộc sát hại hai cha con đang bị giam giữ. Vụ việc làm dấy lên phẫn nộ ở Ấn Độ về sự tàn bạo của cảnh sát, trong đó gia đình của hai cha con, các chính trị gia và các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc cảnh sát đã tra tấn họ trước khi họ qua đời.

cuu hoang tu bi ban chet o an do anh 9

Vào ngày 23/7, một ngày sau khi 11 cảnh sát bị kết án tù, hàng trăm người đã tụ tập tại Bharatpur để chúc mừng. Ảnh: CNN được cung cấp.

Sirnate, nhà khoa học chính trị, cho biết người dân ở Ấn Độ thường nghĩ rằng những vụ giết người kiểu này chỉ xảy ra ở những nơi có quân nổi dậy.

Vijay Singh tin rằng lý do duy nhất giúp phán quyết được đưa ra trong vụ án liên quan đến cha vợ là do ảnh hưởng của Man Singh - nếu ông không phải là người nổi tiếng như vậy, chính phủ có thể đã không cảm thấy áp lực để tiếp tục xét xử.

Ngay cả hiện tại, tầm ảnh hưởng của Man Singh vẫn có thể thấy rõ.

Sau khi ông qua đời, một ngôi đền được xây dựng tại thị trấn Deeg, được những người ủng hộ coi là "nơi ông đã tử vì đạo". Theo Dushyant Singh, cháu trai của Man Singh, cứ mỗi 5 năm, hàng trăm người lại tụ tập để tổ chức cầu nguyện tưởng nhớ ông.

Vào ngày 23/7, một ngày sau khi 11 cảnh sát bị kết án tù, hàng trăm người lại tụ tập - lần này là xung quanh bức tượng Man Singh gần cung điện của gia đình ở Bharatpur - để chúc mừng kết quả, Dushyant Singh cho biết.

Và vào ngày phán quyết được công bố, khoảng 100 cảnh sát đã được triển khai bên ngoài tòa án ở Mathura, để ngăn chặn bạo loạn nếu phán quyết không đứng về phía gia đình Man Singh.

Người Mỹ gốc Ấn sục sôi vì hình ảnh thần Rama ở Quảng trường Thời đại

Biển quảng cáo trình chiếu hình ảnh thần Rama và ngôi đền Hindu giáo ở Quảng trường Thời đại đã khơi lại cuộc chiến kéo dài hàng thế kỷ giữa hai tôn giáo lớn của Ấn Độ.

Bắt người nghi giết 50 tài xế taxi, vứt xác xuống kênh cá sấu ở Ấn Độ

Một người đàn ông Ấn Độ có liên quan đến vụ giết hại hơn 50 tài xế taxi rồi vứt xác xuống kênh cá sấu đã bị cảnh sát bắt lại. Trước đó, người này bỏ trốn trong lúc được tạm tha.

Sốc vì tiền chữa virus, doanh nhân Ấn Độ dùng văn phòng xây bệnh viện

Sau khi bị sốc vì hóa đơn điều trị Covid-19 của mình ở bệnh viện tư, doanh nhân Kadar Shaikh đã biến văn phòng 2.800 m2 của ông thành bệnh viện dã chiến cho người nghèo.

Đông Phong

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm