Nửa đêm ngày 2/7, khi gần như cả thế giới đang theo dõi trận đấu kịch tính giữa tuyển Brazil và tuyển Mexico trong vòng 1/8 World Cup tại Nga, một tin nóng từ Thái Lan khiến rất nhiều người phải chuyển kênh tivi hoặc lên mạng truy cập ngay các báo điện tử. Đó là tin về việc đội cứu hộ đã tìm thấy 12 nam sinh cùng huấn luyện viên bóng đá mất tích 10 ngày trong một hang động ở miền Bắc Thái Lan.
"Chúng tôi đang theo dõi trận đấu giữa Brazil và Mexico. Không lâu trước khi trận đấu diễn ra, người ta thông báo ngay trước cửa hang rằng 13 người mất tích đã được tìm thấy và còn sống. Lúc đó khoảng 10h tối ở Thái Lan", ông Termsak Chalermpalanupap, một học giả người Thái đang sinh sống và làm việc tại Singapore, nói với Zing.vn.
"Điều kỳ diệu đã xảy ra"
Ông Termsak đã chuyển kênh tivi ngay khi trận đấu kết thúc để xem truyền hình Thái Lan đưa tin về diễn biến mới nhất trong chiến dịch tìm kiếm bắt đầu từ hôm 23/6. Đó là ngày đội bóng thiếu niên có tên "Lợn Hoang" cùng thầy của các em mắc kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai vì mưa lớn gây ngập hang.
"Rất vui mừng và nhẹ nhõm. Tôi nói với vợ rằng tin này còn vui hơn rất nhiều so với việc nếu Thái Lan có vô địch World Cup", ông nói.
Hình ảnh đầu tiên về 12 nam sinh và huấn luyện viên bóng đá sau khi họ được tìm thấy trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai tối 2/7. Ảnh: Thailand Navy Seal. |
Suốt 10 ngày qua, lực lượng cứu hộ, gồm các binh sĩ tinh nhuệ của đơn vị đặc nhiệm "Seal" thuộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan, cùng binh sĩ Mỹ, chuyên gia từ Anh và tình nguyện viên trong ngoài Thái Lan, đã nỗ lực xác định vị trí đội bóng mất tích. Mưa lớn liên tục nhiều ngày khiến chiến dịch gặp nhiều khó khăn vì các thợ lặn không thể tiếp cận bên trong hang động ngập nước.
"Điều kỳ diệu đã xảy ra nếu chúng ta biết rằng đây là nỗ lực nhân đạo phối hợp to lớn, không chỉ các cơ quan chính quyền tại Thái Lan mà còn có sự tham gia của tư nhân, nhiều tình nguyện viên và lực lượng quốc tế", ông Termsak nói. "Thực tế, hai thợ lặn đầu tiên tìm thấy 13 người trong hang là các chuyên gia từ Anh".
"Đây là niềm vui lớn không chỉ của toàn bộ nước Thái mà còn là một chiến thắng mang tính lịch sử khác của tinh thần nhân đạo. Điều này một lần nữa cho thấy khi những con người chúng ta cùng nhau nỗ lực, chúng ta luôn có thể làm nên những chiến tích tưởng chừng bất khả", ông nói thêm.
Nhớ lại Đạ Dâng năm nào
Tin về việc tìm thấy các em nhỏ tối 2/7 cũng thu hút sự quan tâm lớn của độc giả Zing.vn, bất chấp trận Brazil - Mexico đang diễn ra. Trong bình luận, rất nhiều người cho rằng đây là "tin vui nhất tối nay".
"Mới đọc báo hồi chiều vẫn chưa tìm thấy, bây giờ lên đọc lại thì đã tìm thấy rồi. Mừng các em đã chống chọi và thoát khỏi tử thần trong gần 10 ngày qua, cầu mong các em bình an rời khỏi nơi nguy hiểm này", độc gia Cường Lương viết.
"Đây là tin quan trọng nhất tối nay. Mặc dù là fan của Brazil nhưng chiến thắng của họ cũng không thể sánh bằng thông tin này", một độc giả khác so sánh.
Nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì thời tiết bất lợi. Ảnh: AP. |
Một số độc giả bày tỏ sự thán phục với nỗ lực của đội cứu hộ cũng như ý chí sinh tồn của những đứa trẻ, lớn nhất là 16 tuổi và nhỏ nhất là 11 tuổi.
"Làm sao mà họ (phần lớn là trẻ em) có thể sống sót trong hang sâu trong vòng 10 ngày trời nhỉ? Thật tuyệt vời! Những nỗ lực không biết mệt mỏi đã được đền đáp. Đó đúng là một phép màu và một nghị lực sống phi thường của các em", độc giả Thắng Vũ chia sẻ.
Mạng xã hội Việt Nam ngập tràn chia sẻ về sự việc, đặc biệt là video ghi lại khoảnh khắc các chuyên gia hang động nước ngoài tìm thấy 13 người mất tích.
Anh Trương Khởi, phóng viên Zing.vn, nói sự việc này làm anh nhớ lại vụ sập hầm Đạ Dâng cách đây gần 4 năm. Ngày 19/12/2014, khoảnh khắc giải cứu 12 công nhân ở hầm thủy điện thuộc tỉnh Lâm Đồng đến bất ngờ sau 4 ngày cứu hộ khiến hàng trăm người vỡ òa sung sướng.
"Các em mới mười mấy tuổi, sức khoẻ khó có thể dẻo dai. Chưa kể đến nay đã 10 ngày mà tất cả vẫn khoẻ mạnh, rất kỳ diệu", anh nói. "Ở Đạ Dâng có 4 ngày mà mọi người kiệt sức hết".
Lực lượng cứu hộ đưa 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm ở Đạ Dâng, Lâm Đồng, tháng 12/2014. Ảnh: Zing.vn. |
Là người tác nghiệp từ đầu tại Đạ Dâng, anh cho biết lực lượng cứu hộ khi đó quán triệt là không để các nạn nhân ngập nước, phải nhanh chóng hút nước ra ngoài và không để họ bị đói, khát.
"Bằng mọi giá phải mang thức ăn tới, nhờ vậy mới sống được. Ở Thái chắc cũng vậy", anh Khởi nói thêm.
Những chia rẽ được gác lại
Với nhiều người Thái Lan, một trong những điều bất ngờ nhất là sự việc đã khiến những chia rẽ sâu sắc về chính trị, xã hội vốn gây sóng gió tại vương quốc suốt một thập kỷ qua, đã tạm thời được gác sang một bên.
"Có sự đồng lòng cũng như đoàn kết tuyệt đối trong mong muốn nhìn thấy những đứa trẻ và huấn luyện viên sống sót trở về. Thử thách mà các em phải chịu đã vượt lên nền chính trị bị phân cực tại Thái Lan", tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, giảng dạy tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói với Zing.vn.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha khóc tại hiện trường cứu hộ ở Tham Luang. Ảnh: Royal Thai Gov. |
Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận Thái Lan diễn ra trong lúc nước này đang hướng đến cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ cuộc đảo chính năm 2014 và ông Prayuth Chan-o-cha trở thành thủ tướng điều hành chính quyền quân sự. Hình ảnh ông Prayuth rơi lệ tại hiện trường vụ cứu hộ được chia sẻ trên mạng xã hội Thái Lan.
Trước khi tìm thấy các nạn nhân, Bangkok Post có bài bình luận cho rằng các cơ quan chức năng Thái Lan thiếu kinh nghiệm, thiếu sự phối hợp, phản ứng chậm trong cuộc đua với thời gian tại hang Tham Luang. Nhìn ở một góc khác, ông Thitinan cho rằng "không thiếu những người có chức quyền vào cuộc, lợi dụng các trẻ em mất tích" nhằm mục đích chính trị.
"Lãnh đạo chính phủ, quan chức và nhiều người khác muốn xuất hiện trên tin tức và cho thấy là họ hữu ích. Mọi việc đều bị chính trị hóa", ông nói, đồng thời đánh giá cao vai trò của các chuyên gia nước ngoài trong chiến dịch tìm kiếm.
"Thú vị là nhiều chuyên gia nước ngoài đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực cứu hộ. Hầu hết người tham gia là người Thái nhưng một vài người nước ngoài, trong trường hợp này là ba chuyên gia hang động kiêm thợ lặn từ Anh, có thể đã đóng vai trò chính", ông nhận xét.
Bình luận về các chỉ trích nhằm vào giới chức Thái Lan, học giả Termsak có quan điểm nhẹ nhàng hơn. "Bạn luôn luôn có thể tìm thấy sai sót trong mọi cuộc khủng hoảng", ông nói.
"Không chính phủ nào trên thế giới có thể đột nhiên xử lý và vượt qua được quá nhiều vấn đề tại hiện trường như vậy. Lúc đầu, họ thậm chí không biết chắc 13 người mất tích ở đâu. Nhiều hang bị ngập. Và mưa vẫn cứ trút xuống", ông nói.
"Một nhiệm vụ bất khả thi".