Đại sứ Jens Otterbech trong ngày lễ Quốc khánh của Na Uy, ngày 17/5/1997 tổ chức ở khách sạn Metropole tại Hà Nội. Ảnh: Đại sứ cung cấp |
Ông Jens Otterbech là đại sứ Na Uy đầu tiên tại Việt Nam, nhiệm kỳ 1996 - 2001. Ông nhận nhiệm vụ thiết lập sứ quán Na Uy tại thủ đô Hà Nội. Trước khi sang Việt Nam, ông từng làm việc ở sứ quán tại Singapore kiêm nhiệm Myanmar và Brunei hơn 5 năm. Do vậy, sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Otterbech tự tin bản thân đã trải nghiệm đủ để hiểu về Đông Nam Á.
“Tuy nhiên, khi tôi đặt chân xuống Hà Nội vài năm sau, tôi nhận ra mọi thứ như bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Tôi bước vào một thế giới mới, đầy thú vị và thách thức”, ông Otterbech chia sẻ với phóng viên Zing.vn.
Yêu Việt Nam từ ngày đầu tiên
Ông Otterbech và các thành viên trong đoàn đã được chính phủ và người dân Việt Nam đón tiếp nồng hậu. Tuy vậy, vị cựu đại sứ thừa nhận khoảng thời gian ban đầu rất khó khăn vì ông không thể hiểu ngôn ngữ cũng như tinh thần và nền văn hóa của người Việt Nam. “Thỉnh thoảng tôi cảm thấy mình như bị ném vào một thế giới khác. Tuy nhiên, tôi yêu mến Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên”, ông nói.
Trong suốt 5 năm ở Việt Nam, ông Otterbech tự nhận bản thân là một người kiên trì học hỏi. “Tôi nhận ra rằng khi bạn nói ‘Vâng, đúng vậy’ thì sự việc hoàn toàn không hẳn là sự tán đồng. Tuy nhiên, nếu bạn nói “không” quá thẳng thắn thì điều này có thể gây mất lòng. Do vậy, tôi phải học cách thấu hiểu nét biểu cảm trên gương mặt và âm điệu khi giao tiếp để nắm bắt đối phương”, ông hào hứng kể.
Căn nhà ở Hà Nội (năm 1996) được chính phủ Na Uy thuê lại và tân trang để làm văn phòng sứ quán (tháng 9/1998). Ảnh: Đại sứ cung cấp |
Nhiệm vụ của ông Otterbech khi đến Hà Nội là thành lập đại sứ quán đầu tiên của Na Uy tại Việt Nam, tìm nơi đặt văn phòng, chỗ ở cho các thành viên trong đoàn và tuyển dụng nhân viên bản địa.
“Đây là công việc vô cùng vất vả. Tuy nhiên, tôi có cơ hội tuyệt vời để tiếp xúc với mọi đối tượng người địa phương. Tôi được hỗ trợ tích cực và cũng gặp không ít khó khăn. Cuộc sống là như vậy. Dần dần, tôi cảm thấy bản thân đã hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”.
Trong những tháng đầu tiên để tìm hiểu về Việt Nam, ông Otterbech thuê căn phòng ở tầng trên cùng của một khách sạn tại phố cổ. “Tôi không bao giờ quên những ký ức này. Chỉ tại con phố chật hẹp, cuộc sống bắt đầu từ khi trời còn chưa sáng hẳn và chỉ kết thúc khi đã rất khuya. Tôi bắt đầu cảm thấy bản thân trở thành một phần của nhịp sống ấy”.
Những hoạt động tấp nập ở khu phố cổ là điều khiến ông Otterbech háo hức tìm hiểu ở Việt Nam. Đó là xích lô, xe đạp, xe máy, rất nhiều cửa hàng và khu chợ. Đó là những người phụ nữ đội mũ rơm, vai choàng đôi quang gánh có tất cả nguyên liệu cần thiết để sẵn sàng phục vụ một bát phở gà ngon lành bên góc đường.
Ông Otterbech trên đường đến thăm một công trình do chính phủ Na Uy tài trợ vốn tại Cát Bà. Ảnh: Đại sứ cung cấp |
“Tôi đã ăn món này nhiều lần và chưa bao giờ ngán. Phố cổ ở Hà Nội là một nơi tuyệt vời để nhìn ngắm, để lắng nghe và tận hưởng. Dường như cuộc sống nơi đây luôn dạy cho tôi nhiều điều bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi bắt đầu cảm nhận được”, ông Otterbech hồi tưởng.
Người đàn ông Na Uy cũng phát hiện một bí mật đặc biệt ở khu hồ Hoàn Kiếm gần đó. “Bạn phải thức dậy thật sớm để ra bờ hồ, khi những chú chim bắt đầu bài hát chào đón bình minh trong khi nắng lên dần. Đối với tôi, đây là cách để tôi ‘sạc năng lượng’ trước khi bắt đầu một ngày mới với công việc chồng chất”.
"Đất nước mà cả hai vợ chồng đều yêu mến"
Trong những năm làm việc ở Hà Nội, ông Otterbech không ngừng tìm hiểu và chia sẻ về những khó khăn mà Việt Nam đã trải qua trong nhiều thập niên, thậm chí là hàng thế kỷ trong quá khứ. Đó là các cuộc chiến chống phương Bắc độ hộ, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.
“Con đường tương lai vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nó có thể cải thiện và thúc đẩy tiến lên phía trước. Tương lai nước Việt do chính nhân dân Việt Nam quyết định. Sự hòa hợp giữa hai miền sau khi đất nước thống nhất và sự chung sống bình yên của hơn 50 nhóm dân tộc thiểu số dưới cùng mái nhà chắc chắn là yếu tố quý giá nhất trong quá trình xây dựng một đất nước”, ông nhận định.
Một bức tranh do vợ ông Otterbech vẽ trong thời gian ở Việt Nam, tái hiện cảnh "một gia đình về quê đón Tết cùng ông bà". Ảnh: Đại sứ cung cấp |
Phu nhân của vị đại sứ cũng rất yêu thích cuộc sống ở Việt Nam. “Vợ tôi đăng ký học một lớp vẽ tranh sơn mài. Rồi bà ấy bắt đầu đam mê, dành phần lớn thời gian cho môn nghệ thuật này, gặp gỡ và làm quen với nhiều người bạn mới”.
Ông Otterbech đã tổ chức một buổi triển lãm nhỏ và mời tất cả bạn bè, khách quý ở Hà Nội đến tham dự vào một ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam. Ông và vợ cũng đã nỗ lực tổ chức một buổi triển lãm về các bức tranh tái hiện cuộc sống Việt Nam ở Na Uy.
Hiện tại, ông Otterbech treo trong nhà rất nhiều tranh do vợ ông vẽ khi còn ở Việt Nam. “Mỗi ngày, chúng như gợi nhớ chúng tôi về đất nước mà cả hai đều rất yêu mến”.
Vào ngày 2/9/2015, ông Otterbech đón sinh nhật lần thứ 82. Trong khi đó, người dân Việt Nam cũng vui mừng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh. Vị cựu đại sứ thừa nhận, sự trùng hợp thú vị về ngày sinh nhật là một trong những mối ràng buộc khiến ông không thể nào quên Việt Nam. “Nhưng đó chỉ là một trong vô số kỷ niệm sâu đậm mà không thể diễn tả bằng lời”, ông nói.