- Chào mừng ông quay trở lại Việt Nam! Ấn tượng của ông ở đất nước này là gì?
- Tôi đến Việt Nam nhiều lần, trong đó lần đầu tiên là khoảng 20 năm về trước. Khi đó, đường phố toàn xe đạp, giờ thì đầy xe máy. Tôi nghĩ, tương lai sẽ là xe hơi. Đây là dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế phát triển tốt: người dân giàu hơn, họ chuyển từ xe đạp lên xe máy rồi xe hơi.
Tôi rất thích phở. Đó là món ăn ưa thích của tôi ở Việt Nam. Nó cũng nổi tiếng trên toàn thế giới. Bạn có thể vào nhà hàng Việt ở London, New York để ăn. Mọi người ở đó cũng rất thích thức ăn Việt Nam. Nền ẩm thực của các bạn đã thực sự trở nên quốc tế hóa.
Cựu CEO Apple trên đường phố Sài Gòn trong buổi nói chuyện với Zing.vn. |
- Trước đến nay có rất nhiều thông tin khác nhau về mối quan hệ giữa ông và Steve Jobs. Có thực ông đã đẩy Steve Jobs ra khỏi Apple?
- Tôi tin nếu bạn muốn câu trả lời tốt nhất, bạn có thể tìm thấy ở bộ phim về Steve sắp được công chiếu vào tháng 10. Nó giải thích rất chính xác mối quan hệ giữa tôi và Jobs, cũng như những tính cách thực sự của ông ấy.
Bộ phim sẽ cho bạn thấy phần đời thường của Jobs, cũng như nhiều chuyện khác liên quan đến Steve, tôi và những người khác thời xưa ấy.
Điều tuyệt vời nhất về Steve Jobs là dù từng mắc sai lầm lúc trẻ, ông ấy vẫn là một trong những CEO tài ba nhất thế giới.
- Điều gì ở Apple ảnh hưởng đến ông hiện tại?
- Định luật Morse nói rằng, sức mạnh của chip xử lý sẽ tăng gấp đôi sau mỗi giai đoạn 2 năm. Thực tế 30 năm qua đã chứng minh điều đó.
Công nghệ hiện tại mạnh mẽ hơn nhiều so với quá khứ, nhưng mấu chốt của sự thành công vẫn không thay đổi: trải nghiệm khách hàng là yếu tố quyết định.
Chúng tôi đã nói điều này từ những ngày đầu ở Apple: Chúng tôi bán trải nghiệm, chứ không chỉ bán sản phẩm, vì trải nghiệm mới là điều khách hàng giới thiệu với bạn bè.
Bạn có thể nói điện thoại này tốt hơn cái kia, nhưng khách hàng chỉ nói những trải nghiệm của họ đến với bạn bè.
Đó là cách mà Apple, trước đó là Macintosh, trở thành thương hiệu PC hàng đầu thế giới. Đó cũng là quan điểm đã giúp iPhone, iPad, iPod thống trị mảng thị trường của chúng.
Quan điểm này được sáng tạo bởi Steve Jobs, và tôi luôn làm theo suốt 10 năm tôi là CEO Apple.
Ông John Sculley cho rằng, Việt Nam là thị trường trẻ và tiềm năng cho smartphone. |
- Lý do của việc đến Việt Nam lần này là gì, thưa ông?
- Lần này, tôi đến để ra mắt Obi Worldphone. Đó là dòng smartphone mang ngôn ngữ thiết kế của thung lũng Silicon. Chúng tôi hướng đến Việt Nam vì 50% dân số của các bạn có độ tuổi dưới 25, những người đã có một chiếc điện thoại cơ bản và muốn lên đời smartphone.
Thiết bị của chúng tôi có giá từ 100 đến 300 USD. Phân khúc này hiện tăng trưởng khoảng 47% mỗi năm - một tốc độ tăng trưởng rất lớn.
- Các ông sẽ làm gì để di động của mình được người Việt biết đến?
- Chúng tôi có một chiến lược quan trọng từng áp dụng thành công ở Trung Đông. Nhờ nó, chúng tôi đã giành được 5,7% thị phần, lọt vào top 4 nhà sản xuất di động lớn nhất tại đó. Chúng tôi gọi nó là “Marketing sự hiện diện” (Presence Marketing).
Dựa trên kinh nghiệm của tôi từ Apple và thời làm Pepsi, chúng tôi hiểu rằng, mình cần có một nhãn hiệu dễ nhận biết.
Điều quan trọng thứ hai, khi khách hàng hài lòng với sản phẩm, theo kinh nghiệm truyền thông mạng xã hội, họ sẽ kể cho mọi người về nó. Ý kiến của khách hàng chính là công cụ marketing tốt nhất.
Điện thoại chúng tôi dùng kính Gorrila Glass 4, mặt lưng polycarbonate siêu bền, chip xử lí Snapdragon từ Qualcomm, âm thanh Dolby 7.1 3D, camera chất lượng cao từ Sony. Chúng tôi dùng những phần mềm tốt nhất, cho phép thực hiện những tính năng chỉ có trên thiết bị cao cấp, nhưng bán máy với giá vừa phải.
Điện thoại của chúng tôi ra mắt ở Việt Nam ngày 9/9.
- Tại sao lại là ngày 9/9, khi nó trùng sự kiện của Apple? Liệu có sự cạnh tranh nào không thưa ông?
- Apple là một công ty tuyệt vời, tôi vô cùng tôn trọng họ. Bản thân tôi là CEO của Apple suốt 10 năm, vì thế tôi luôn là fan và tin rằng Apple sẽ tiếp tục thống trị thị trường cao cấp.
Tuy nhiên, phân khúc cao cấp không phải thị trường chúng tôi hướng tới. Chúng ta đang nói về nền công nghiệp smartphone trị giá 2,5 tỷ USD của Việt Nam. Chúng tôi muốn tìm cơ hội ở phân khúc thấp hơn. Do đó chúng tôi và Apple là quan hệ bổ sung, chứ không phải cạnh tranh.