Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu cảnh sát thừa nhận cầm đầu đường dây buôn lậu hơn 200 tỷ đồng

Tại tòa, Hoàng Duy Tiến thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc. Bị cáo khai cùng đồng phạm lập 47 công ty để làm hồ sơ nhập khẩu, thủ tục thông quan.

Ngày 25/5, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Hoàng Duy Tiến (38 tuổi, cựu cán bộ Đội 7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an TP.HCM), Võ Văn Đông (58 tuổi, nguyên trung tá công an PC03) và đồng phạm tội Buôn lậu.

Trả lời xét hỏi, Tiến thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc. Bị cáo khai quá trình công tác biết một số chủ cơ sở kinh doanh có nhu cầu nhập máy móc, thiết bị cũ, biết Nhà nước có chính sách cho phép doanh nghiệp tự nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyển sản xuất đã qua sử dụng (không quá 10 năm) để phục vụ hoạt động nên cựu cảnh sát đã thỏa thuận với các chủ hàng về việc nhập thiết bị từ Nhật Bản, Trung Quốc giá rẻ để bán kiếm lời.

Ngoài ra, Hoàng Duy Tiến khai cùng bị cáo Lâm Hồng Đào lập 47 công ty để làm hồ sơ nhập khẩu, thủ tục thông quan. Mỗi container Tiến nhận 78-90 triệu đồng tiền công.

cuu canh sat buon lau anh 1

Bị cáo Hoàng Duy Tiến tại tòa. Ảnh: Anh Tú.

Cáo trạng xác định theo quy định, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không quá 10 năm hoặc phải có văn bản ủy thác nhập khẩu nếu nhập khẩu theo ủy thác. Thủ tục nhập khẩu hàng hóa phải có các chứng thư giám định kết luận đáp ứng đủ điều kiện.

Hoàng Duy Tiến sử dụng pháp nhân của các công ty do cựu cán bộ công an lập ra để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam rồi giao lại cho các chủ hàng. Khi làm hồ sơ hải quan nhập các container hàng về Việt Nam, Tiến chỉ đạo đồng phạm chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa để đủ điều kiện nhập khẩu.

Theo cơ quan điều tra, Tiến nhận của chủ hàng 78-90 triệu đồng đối với mỗi container hàng. Cựu cán bộ công an sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hóa của hải quan.

Ngoài ra, để giảm chi phí đóng thuế, Tiến đã chỉ đạo nhân viên khai trị giá hàng nhập thấp hơn giá trị thật và tiêu thụ hàng hóa ngay sau khi nhận hàng ở cảng để "né" giám định.

Cảnh sát cũng xác định Hoàng Duy Tiến móc nối với Công ty Cổ phần giám định Đại Minh Việt, lập khống các biên bản giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung để cung cấp cho hải quan.

Để thực hiện việc buôn lậu, Tiến thuê nhân viên đứng ra thành lập 47 công ty không hoạt động kinh doanh, chỉ sử dụng pháp nhân để làm thủ tục nhập khẩu, thông quan và giao dịch hàng lậu. Các công ty này do 15 cá nhân đứng tên, không có công ty nào hoạt động kinh doanh thực tế.

Cơ quan điều tra xác định từ tháng 9/2019 đến 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến và đồng phạm đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.280 container hàng có tổng trị giá hơn 217 tỷ đồng.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Cựu cảnh sát ở TP.HCM lập 47 công ty để buôn lậu hầu tòa ngày mai

Cựu cán bộ Phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Hoàng Duy Tiến bị cáo buộc thành lập 47 công ty để nhập lậu máy móc cũ trị giá hơn 217 tỷ đồng.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm