Rhodes bị nhiễm chất da cam khi tham chiến ở Việt Nam những năm 1968 - 1969. Trở về nước, gia đình ông đã tìm mọi cách chạy chữa, nhưng không có kết quả. Năm 1990, ông quyết định quay trở lại Việt Nam với hy vọng sẽ được cứu chữa tại đất nước có nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Ở Việt Nam, James nhận được sự cởi mở và ân tình từ người dân. Họ tận tình chữa trị và mách cho ông những loại thuốc đông y chữa bệnh, giúp bệnh tình của ông suy giảm dần.
Vợ chồng cựu binh Mỹ James Rhodes với các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hữu nghị Việt Nam |
Bà Nina, vợ ông, người luôn bên cạnh ông trong những chuyến trở lại Việt Nam xúc động nói: "Việt Nam đã giúp Jim hàn gắn tâm hồn. Là người vợ, tôi cảm nhận rõ ràng điều ấy. Jim thường nói, chỉ có Việt Nam mới giúp anh ấy".
Mới đây, ông đã ra mắt cuốn sách: "Hồi ký của một cựu binh Mỹ: Những nỗ lực đấu tranh cho nạn nhân da cam Việt Nam". Đây là một trong rất nhiều nỗ lực của ông giúp người Mỹ hiểu về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và những hậu quả nghiêm trọng mà nó để lại cho người dân Việt Nam.
James chia sẻ, đây là những việc làm vô cùng nhỏ của ông so với ân nghĩa mà người Việt Nam đã dành cho.
"Tôi viết cuốn hồi ký này để hàn gắn, chữa trị vết thương cho chính tôi và cũng để thế giới biết rõ những gì nước Mỹ đã làm sai trong quá khứ. Nhiều quan chức Mỹ nói rằng nước Mỹ không có nguồn lực cho việc giải quyết vấn đề da cam nhưng có một thực tế đơn giản là, trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa rồi, Mỹ đã chi nhiều tỉ USD tranh cử và chỉ cần một phần nhỏ trong số này đã góp phần rất nhiều giúp Việt Nam giải quyết vấn đề da cam".
Cuộc gặp gỡ của hai người lính từng ở hai bên chiến tuyến. Họ cùng mang nỗi đau da cam. |
Thăm Làng Hữu nghị Việt Nam - nơi đang điều trị, chăm sóc hơn 40 cựu chiến binh, thanh niên xung phong và 120 cháu là nạn nhân chất độc da cam một ngày cuối năm 2014 - James đã quyên tặng toàn bộ số tiền bản quyền có được từ cuốn hồi ký cho Làng.
"Với tư cách cá nhân, tôi cảm thấy có nghĩa vụ làm bất kể điều gì dù nhỏ bé để giúp những ai cần đến. Làng Hữu Nghị giống như một tượng đài của sự hy sinh và mất mát chiến tranh, nơi chúng tôi không bao giờ có thể viết đủ, nói đủ", ông bày tỏ.
Với các em, James đã trở nên quen thuộc. |
Từ những năm 1990 trở lại đây, James đến Việt Nam nhiều lần, để dạy tiếng Anh, viết bài đăng trên các báo tại bang Alabama của ông để cổ vũ cho quan hệ Việt - Mỹ; ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam; về nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và về cả nông dân Việt Nam.
Ông cũng là cầu nối cho những người Mỹ có tấm lòng thiện nguyện hướng đến Việt Nam; tích cực kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp của Việt Nam trên thị trường Mỹ...
Tình yêu và trách nhiệm đạo đức
Cựu binh Mỹ dáng người to lớn, râu che kín mặt nhắc đi nhắc lại: "Với tôi, người Việt Nam là những người tình cảm nhất, đáng yêu nhất, biết tha thứ nhất mà tôi từng gặp trên đời. Ở Việt Nam, tôi tìm thấy sự bình an và điều tốt lành cho bản thân, tôi bỏ sang bên mọi khác biệt và nỗ lực làm việc vì những điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam, đúng hơn là cho những nạn nhân chiến tranh. Tôi có gia đình thực sự ở Việt Nam, nơi người dân không phân biệt màu da, tôn giáo, đảng phái chính trị. Tôi đã học được rất nhiều từ các bạn".
Ông thẳng thắn rằng những đóng góp, nỗ lực của ông tại Việt Nam vừa là tình yêu vừa là trách nhiệm đạo đức. |
Người cựu binh Mỹ nói về sự mong mỏi được gặp Tướng Giáp. Ông kể: "Cách đây 4 năm, tôi đã được sắp xếp một cuộc gặp với Tướng Giáp. Nhưng tôi buộc phải trở về nước để phẫu thuật ngay trước cuộc gặp này. Vì thế, tôi đã không bao giờ được thực sự gặp ông.
Tuy nhiên, tôi viết nhiều về ông trên báo chí Mỹ, nói tới ông trong nhiều cuộc phỏng vấn ở Mỹ và Việt Nam. Tướng Giáp không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là người nhân văn và yêu nước vĩ đại. Năm nay, đến Việt Nam, tôi cũng đã tới thăm nơi an nghỉ của Tướng Giáp - một nơi rất bình yên. Tôi cũng đã gặp gỡ các thành viên gia đình ông".
Khát khao được trở thành công dân Việt, lần này tới Việt Nam, vợ chồng cựu binh Mỹ cho biết, họ đã chọn được một nơi ở Ninh Bình cho ngôi nhà thứ hai của mình.
James nói: "Trái tim tôi mang dòng máu Việt, tâm hồn tôi là tư duy Việt. Nina và tôi muốn nhận nuôi trẻ em Việt Nam, nhưng điều này không hề dễ dàng. Tôi đã gần 67 tuổi, tôi mong mỏi sẽ được chấp thuận ở lại Việt Nam, thành công dân Việt".
James đã quyên tặng toàn bộ số tiền bản quyền có được từ cuốn hồi ký của ông cho Làng Hữu nghị. |
James hy vọng sẽ được đón cái Tết truyền thống ở tư cách là một công dân Việt đích thực. Ông từng đón tết Việt Nam năm 2012.
"Tôi rất thích Tết ở Việt Nam. Tôi thích không khí đoàn viên gia đình, thành kính nhớ về tổ tiên. Có một điều tôi không thích là vào dịp Tết, người Việt thường uống nhiều rượu. Tôi được chào mời uống rượu rất nhiều dù tôi không uống".
Rời ngôi làng nuôi dưỡng các trẻ em nạn nhân chất độc da cam, ông cho biết, tháng 4 năm sau sẽ quay trở lại Việt Nam cùng một người bạn họa sĩ, để thực hiện ý tưởng mang những sản phẩm do chính tay các nạn nhân chất độc da cam đang điều trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam tạo ra về triển lãm tại Mỹ và bán gây quỹ từ thiện.
Trong ngày nắng đông cuối năm, người cựu binh già ánh mắt ấm áp, tay nắm chặt tay các trẻ em Làng Hữu nghị thăm từng nơi ăn chốn ở của các em trong làng. Với các em, James đã trở thành người quen thuộc từ lâu rồi.