Day dứt quá khứ chiến tranh, 27 năm qua, cựu binh Mỹ Mike Boehm về Việt Nam giúp người nghèo, nạn nhân chất độc da cam... gieo giấc mơ hòa bình ở Quảng Ngãi.
|
Ngày 16/3, hàng trăm người dân, học sinh cùng du khách quốc tế dành phút mặc niệm tưởng nhớ 51 năm ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16/3/1968-16/3/2019). |
|
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 51 năm vụ thảm sát Mỹ Lai. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết, 51 năm trôi qua, mảnh đất Sơn Mỹ nay đã hồi sinh mạnh mẽ và thay da đổi thịt từng ngày. Những trường học, bệnh xá, những công trình phúc lợi, đường giao thông được xây dựng khang trang, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện. |
|
Cán bộ khu chứng tích Sơn Mỹ gõ "5 hồi 4 tiếng chuông" cầu nguyện linh hồn 504 thường dân vô tội trong vụ thảm sát Mỹ Lai siêu thoát. Theo ông Trí, ngày nay, khu chứng tích Sơn Mỹ trở thành di tích lịch sử, nơi ghi lại tội ác của lính Mỹ đối với 504 đồng bào được người dân trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Họ đến Sơn Mỹ để được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật về vụ thảm sát cách đây 51 năm, từ đó thể hiện cảm thông, chia sẻ và hợp tác cùng phát triển, chung tay hành động vì thế giới hòa bình. |
|
Suốt 27 năm qua, tháng ba năm nào cũng vậy, cựu binh Mỹ Mike Boehm về làng quê Sơn Mỹ kéo vĩ cầm tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai gửi đi thông điệp hòa bình. Ông từng tham chiến ở Củ Chi một tuần trước sự kiện chiến dịch Mậu Thân năm 1968 - thời điểm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Mỹ Lai - làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê (Quảng Ngãi). |
|
Dù đã 72 tuổi nhưng ông tự nhủ, bao giờ còn sống ông sẽ trở lại Quảng Ngãi, tình nguyện làm "cầu nối" bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu đau thương ở mảnh đất này. Trong ảnh: Cựu binh Mỹ Mike Boehm xúc động khi bắt tay với đại tá Huỳnh Minh Giữ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. |
|
Tưởng niệm 51 năm vụ thảm sát Mỹ Lai, Quảng Ngãi hy vọng gửi đi thông điệp "Hòa bình là nền tảng lâu dài cho một tương lai bền vững". Với số tiền nhỏ ban đầu 3.000 USD, ông Mike Boehm đã lặng lẽ quyên góp từ bạn bè quốc tế giúp vốn làm ăn cho hàng trăm phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi với số tiền gần 3 tỷ đồng; xây tặng nhà tình thương cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
|
Dịp này, nhiều bạn trẻ đã đến dâng hương, dâng hoa dưới chân tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ. |
|
Ông Đỗ Ba, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai thắp hương trước mộ phần mẹ là bà Lê Thị Binh. Ông còn nhớ buổi sáng kinh hoàng 51 năm trước, lính Mỹ đã giết chết mẹ và hai em của Đỗ Ba cùng nhiều dân làng. Giữa lằn ranh sinh - tử, các cựu binh Mỹ đi trực thăng bất ngờ xuất hiện ngăn chặn cuộc thảm sát kịp cứu 9 người dân vô tội. |
|
Học sinh trường Tiểu học Tịnh Khê vui đùa ở căn hầm trú ẩn của gia đình ông Đỗ Tùng trong khu chứng tích Sơn Mỹ. "Hai phi công Mỹ Hugh Thompson và Lawrence Colburn đã phát hiện ra thân thể bé nhỏ của tôi cử động giữa ngổn ngang thi thể của dân làng. Họ bế tôi lên trực thăng, đưa đến bệnh viện cấp cứu...”, ông thuật lại. |
|
Học sinh tham quan phong cảnh yên bình ở khu chứng tích Sơn Mỹ. |
|
Áo tơi, gàu múc nước, nón lá... của người dân Sơn Mỹ thuở trước được sắp xếp, tái hiện bên hiên nhà tranh tạo vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của vùng quê nơi đây. |
|
Con mương chứa đầy xác chết trong vụ thảm sát Mỹ Lai đau thương năm xưa, ngày nay trở thành di tích lịch sử thu hút nhiều du khách. |
|
Trung bình mỗi năm, hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan khu chứng tích Sơn Mỹ. Quảng Ngãi đang kêu gọi xây dựng công viên tưởng niệm hòa bình Mỹ Lai. Công trình này sẽ trở thành biểu tượng không chỉ của Quảng Ngãi mà của cả nước, với khát vọng là điểm đến cho thế giới “Cầu nguyện hòa bình”, thông điệp phản đối chiến tranh “No more war” - Không còn chiến tranh. |
Tưởng niệm thảm sát Mỹ Lai
Quảng Ngãi
Thảm sát Mỹ Lai
dâng hương tưởng niệm
cựu binh Mỹ
kéo vĩ cầm
khu chứng tích Sơn Mỹ
Quảng Ngãi