Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu binh Gạc Ma tưởng nhớ đồng đội

Những cựu binh từng tham gia trận hải chiến trên đảo Gạc Ma 1988 đã tề tựu tại Quảng Bình trong lễ tri ân các đồng đội liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Sáng 14/3, UBND phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tổ chức Lễ tri ân, tưởng nhớ liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988 tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc. 

Đúng 9h sáng, lễ tri ân các liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức trong không khí trang nghiêm. Đại diện cho gia đình, đồng đội và người dân địa phương, vị Chủ tế đọc bài văn tế gửi đến anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì nước để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Tên của 64 chiến sĩ Gạc Ma được đọc to và rõ cùng những lời tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của những người đang sống.

Những cựu binh Gạc Ma cùng với mọi người lần lượt dâng những nén hương thơm lên phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương cùng những phần mộ liệt sĩ khác đang an nghỉ tại nghĩa trang.

Cuu binh Gac Ma,  Hai chien Gac Ma 1988 anh 1
Buổi lễ được tổ chức trong khí trang nghiêm để tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Ảnh: Văn Được.

Trong ngày gặp mặt, các cựu binh Gạc Ma ôm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Họ chạy đến ôm lấy bà Hồ Thị Đức, mẹ liệt sĩ Trần Văn Phương - người liệt sĩ nổi tiếng với câu nói "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo...".

Đứng lặng bên mộ con trai, bà Đức (79 tuổi) cho biết, liệt sĩ Phương là con đầu trong 4 người con của bà. Sau khi anh Phương hy sinh, bà bàn với chồng cho em trai liệt sĩ Phương là Trần Văn Hồng tiếp bước anh mình, tham gia vào lực lượng hải quân Việt Nam. 

Cuu binh Gac Ma,  Hai chien Gac Ma 1988 anh 2
Cựu binh Lê Hữu Thảo sửa lại áo cho bà Hồ Thị Đức, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương. Ảnh: Văn Được.

"Thằng Phương hy sinh sau khi cưới vợ được 7 tháng. Tết Mậu Thìn năm đó, được về nghỉ nên vợ nó mới có bầu, sinh ra con gái Trần Thị Thuỷ, hiện là thiếu uý hải quân. Nó chưa kịp nhìn mặt con thì đã..."- bà Đức xúc động kể. 

Hải chiến Gạc Ma 1988: Nước mắt người ở lại

Trong 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 1988, có 13 liệt sĩ người Quảng Bình. 28 năm sau, những người cha, người mẹ vẫn ray rứt vì chưa tìm được thi hài con.

Quảng Bình là quê hương của 13 liệt sĩ trong 64 chiến sĩ đã hy sinh ở trận hải chiến Gạc Ma 1988. Vùng đất này hiện vẫn còn hơn 10 cựu binh từng tham gia trận chiến, hiện đang sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau.

Anh Lê Hữu Thảo (51 tuổi), người từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma cho biết, ngày 14/3 hàng năm, anh cùng với các cựu binh trong Ban liên lạc hải quân 604 (đặt tên theo con tàu huyền thoại HQ 604) đều hẹn nhau tập trung về nhà liệt sĩ Trần Văn Phương ở Quảng Phúc để làm mâm cơm tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.

"Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn thường gặp mặt, động viên nhau vượt qua khó khăn, góp sức vào xây dựng quê hương trong thời bình. Buổi lễ tri ân này chính là "điểm hẹn" đặc biệt thường niên của những cựu binh Gạc Ma", anh Thảo nói.

Vòng tròn bất tử: Biểu tượng tinh thần quyết tử vì Tổ quốc

Vòng tròn bất tử - biểu tượng được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma.

Văn Được

Bạn có thể quan tâm