Những ngày qua, nhiều hội nhóm, tài khoản Facebook chia sẻ hình ảnh kẻ tấn công tình dục nữ sinh trong thang máy. Nhiều cửa hàng tuyên bố trên Facebook sẽ không tiếp nếu “vị khách” này sử dụng dịch vụ của họ.
Cộng đồng cho rằng mức phạt 200.000 đồng theo pháp luật chưa đủ và việc tẩy chay trên mạng xã hội là hình phạt bổ sung cho hành vi coi thường phụ nữ của người đàn ông này.
“Án phạt xã hội” này được nhiều người dùng Facebook ủng hộ. Trong một bài đăng của tài khoản Facebook H.A Tú, có gần 10.000 lượt chia sẻ, 4.000 lượt bình luận và 14.000 lượt thích. Điều này chứng tỏ sức mạnh cộng đồng có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại số.
Tuy vậy, việc chia sẻ hình ảnh, cảnh báo, từ chối kẻ biến thái chỉ là hành vi tự phát trên mạng xã hội của nhiều người Việt. Tại Trung Quốc, chính phủ đang áp dụng mạnh tay công nghệ cho hình phạt bêu tên này.
"Kẻ sống lỗi đi đến đâu, app nhắn tin sẽ báo động đến đó"
“Ở Trung Quốc, số phận của người đàn ông cưỡng hôn này còn thê thảm hơn nhiều việc bị chia sẻ trên Facebook nhiều. Ông ấy sẽ không thể đến những nơi có nhiều người qua lại và các dịch vụ giải trí”, Đỗ Phương Quỳnh, giám đốc người Việt tại một công ty tài chính công nghệ ở Thượng Hải chia sẻ.
Nếu điểm thấp, công dân sống tại Trung Quốc sẽ sống trong sự thiếu thốn tiện ích kinh khủng. Ảnh: Wired. |
Theo bà Quỳnh, Trung Quốc đã áp dụng chính sách chấm điểm công dân tại một số thành phố lớn từ năm 2014. Một nhóm người sẽ được chỉ định tham gia chương trình này. Năm 2018, điểm công dân được áp dụng rộng rãi hơn.
Theo trang Wired, năm 2020, chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình điểm công dân bắt buộc trên toàn lãnh thổ nước này.
Hệ thống chấm điểm công dân sẽ giám sát hành vi của người dân và xếp hạng từng người theo điểm tín nhiệm xã hội, từ đó nhà nước Trung Quốc sẽ có chính sách đối xử phù hợp.
Người dân có thể được cảnh báo những người "điểm thấp" đang ở cách mình bao nhiêu mét để chủ động phòng ngừa.
Đỗ Phương Quỳnh - chuyên gia ngành tài chính - công nghệ đang làm việc ở Thượng Hải.
“Người điểm thấp nhiều khi còn không dám ra đường”, bà Quỳnh nói.
Người có điểm thấp như kẻ cưỡng hôn có thể bị cấm đi lại, hạn chế tiếp cận các nhà hàng, khu giải trí…
“Với trường hợp kẻ cưỡng hôn trong thang máy nếu ở Trung Quốc thì thật thê thảm cho người đó. Ứng dụng WeChat sẽ liên kết với điểm công dân của người này. Người dùng có thể được cảnh báo những người điểm thấp đang ở cách mình bao nhiêu mét".
"Với những trường hợp trốn nợ, trốn án tù, bị truy nã thì không có cách nào sinh hoạt với mọi người. Vì kết bạn với những người phạm lỗi, điểm công dân của họ cũng sẽ bị trừ”, bà Quỳnh cho biết.
Điểm công dân được chấm như thế nào?
Chính phủ Trung Quốc sử dụng các camera CCTV có độ phân giải siêu nét có thể nhận diện chính xác gương mặt của từng công dân nơi công cộng. Việc đeo khẩu trang không thể qua mắt hệ thống này bởi ngoài gương mặt, chúng còn có thể nhận diện dáng đi và các đặc điểm khác trên cơ thể.
Ngoài ra, điểm công dân cũng được thu thập qua nhiều dữ liệu lớn khác như lịch sử mua sắm, tương tác mạng xã hội, danh sách bạn bè...
Điểm tín nhiệm xã hội của một người có thể lên xuống tùy thuộc vào hành vi của họ. Chưa rõ cách thức chấm điểm như thế nào, nhưng theo Alibaba - công ty tham gia dự án này, nó dựa trên một số thuật toán phức tạp không được tiết lộ. Tuy vậy nó dựa trên 5 yếu tố chính.
Năm 2020, chính sách điểm công dân sẽ được áp dụng bắt buộc trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: Wired. |
Đầu tiên là lịch sử tín dụng. Nó dựa vào việc công dân có trả tiền điện hay hóa đơn, các khoản vay đúng hạn không? Tiếp theo là khả năng của người dùng để thực hiện nghĩa vụ như chứng minh tài chính, công việc, bằng cấp, địa vị xã hội...
Yếu tố thứ ba là đặc điểm cá nhân, xác minh thông tin cá nhân như số điện thoại di động và địa chỉ của công dân.
Yếu tố thứ tư là hấp dẫn nhất: hành vi, sở thích của công dân.
Ở yếu tố này, những thứ vô hại như thói quen mua sắm của một người trở thành thước đo tính cách. Alibaba thừa nhận họ đánh giá con người qua các loại sản phẩm họ mua.
"Ví dụ, một người chơi trò game trong 10 giờ một ngày sẽ bị coi là một người nhàn rỗi", Li Yingyun, Giám đốc Công nghệ của Sesame - công ty thuộc Alibaba nói.
"Một người thường xuyên mua tã sẽ được nhận biết là nhóm làm cha, làm mẹ. Những người chi tiêu hợp lý sẽ được xem là người trách nhiệm", ông Li nói thêm.
Yếu tố cuối cùng để đánh giá công dân là các mối quan hệ của họ. Theo Seasame, những người bạn trực tuyến và tương tác của công dân cho thấy "năng lượng tích cực" trong họ. Những thông điệp tốt đẹp sẽ khiến điểm số của người dùng tăng lên.
“Không có cách nào hack được điểm công dân bởi chúng được xây dựng trên nền tảng Blockchain - bảo mật, mã hóa và không thể chỉnh sửa. Cách duy nhất là không vi phạm pháp luật, tham gia các hoạt động công ích như hiến máu, dọn rác…”, bà Quỳnh cho biết.
Hiện tại, ở mỗi địa phương, hệ thống chấm điểm này vẫn có những quy định khác nhau.
Tại thành phố Hàng Châu, vi phạm luật giao thông khiến điểm tín dụng cá nhân bị giảm. Ở Zhoushan - một hòn đảo gần Thượng Hải, sử dụng điện thoại di động khi lái xe hay hút thuốc, phá hoại của công, dắt chó đi dạo không đeo xích hay rọ mõm hoặc mở nhạc lớn ở nơi công cộng sẽ bị trừ điểm.
Đồng thời, việc lan truyền tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng sẽ bị phạt.
Những công dân bị phạt sẽ có tốc độ Internet chậm hơn, hạn chế vào nhà hàng và không được tự do ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, điểm số sẽ ảnh hưởng khả năng vay tiền, các lợi ích an sinh xã hội. Công dân có điểm số thấp sẽ không được tuyển dụng, bị cấm làm các việc liên quan đến dân sự, báo chí và pháp lý.
Ngoài ra, công dân xếp hạng thấp cũng sẽ bị hạn chế khi đăng ký cho bản thân hoặc con cái họ vào các trường tư thục.
Dù gây tranh cãi, điểm công dân được người TQ ủng hộ
Chính sách xếp hạng công dân của Trung Quốc bị nhiều tổ chức nhân quyền lên án. Nhưng trên thực tế, người dân Trung Quốc cho rằng chính sách này giúp họ trở thành một con người tốt hơn, theo kết luận từ Wired, một trang báo Mỹ.
Chen, một doanh nhân 32 tuổi nói với tờ Foreign Policy rằng: “Tôi cảm thấy trong 6 tháng qua, hành vi của mọi người ngày càng tốt hơn. Ví dụ, bây giờ khi lái xe chúng tôi luôn dừng lại tại vạch dành cho người đi bộ. Nếu không dừng lại, bạn sẽ mất điểm. Ban đầu chúng tôi chỉ lo lắng về việc bị mất điểm, nhưng bây giờ chúng tôi đã quen với nó”.
Theo một cuộc thăm dò, những người Trung Quốc ở thành phố, có giáo dục có quan điểm khá tích cực về hệ thống điểm này. Nhiều người ủng hộ coi nó là phương tiện để thúc đẩy sự trung thực trong xã hội và nền kinh tế hơn là sự vi phạm với quyền riêng tư.
Điểm công dân ảnh hưởng đến tỷ lệ hẹn hò, thu nhập, công việc của người Trung Quốc. Ảnh: Wired. |
"Bạn sai thì bạn chịu phạt. Người có ý thức sẽ đỡ khó chịu hơn khi mọi người cùng tuân thủ luật lệ", bà Quỳnh nói.
Bên cạnh các ưu đãi, tiện ích, công dân Trung Quốc còn yêu thích điểm công dân bởi họ xem đó là một sự tự hào. Chỉ trong 2 tháng từ ngày được áp dụng, có gần 100.000 người khoe điểm số của họ trên Weibo.
Điểm số này thậm chí có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ hẹn hò hay kết hôn của người dân. Theo Sesame, điểm càng cao hồ sơ hẹn hò của họ càng nổi bật trên Baihe - ứng dụng hẹn hò của Trung Quốc.
Tuy vậy, một số trường hợp, người dân bị trừ điểm vì một số lý do bất khả kháng. Ví dụ không thanh toán đúng hẹn vì nằm viện. Trong trường hợp này công dân có khoảng 15 ngày kháng cáo điểm tín nhiệm.
Không chỉ áp dụng với công dân Trung Quốc, tại một số địa phương, người nước ngoài cũng nằm trong diện bị tính điểm. Nếu “bất tuân luật pháp” tại Trung Quốc, người nước ngoài có thể bị trục xuất và không được cấp visa cho lần sau.
Hệ thống chấm điểm công dân đối với phương tây hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi, bởi có luồng ý kiến cho rằng nó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến quyền riêng tư và có thể gây ra hậu quả khó lường.