Cuốn sách bí ẩn của người Maya
Được biết đến như là cuốn sách tâm linh và triết học của người Maya, Popol Vuh giải thích cách các vị thần tạo ra thế giới cũng như nhận thức của họ về lịch sử, tôn giáo hay thuật chiêm tinh học.
Một trang trong cuốn sách thánh Popol Vuh của người Maya cổ đại. |
Ngoài ra, cuốn sách cũng là nơi ghi chép lại các thần thoại, truyền thuyết và các phong tục của cộng đồng người Maya cổ đại.
Đây được xem là tài liệu vô cùng quý giá mà giới khảo cổ và khoa học trên khắp thế giới đặc biệt quan tâm và khao khát tiếp cận để khám phá những bí ẩn liên quan đến lịch sử, bản sắc và những tri thức của dân tộc Maya ở Mexico và Trung Mỹ.
Các truyền thuyết được ghi chép lại trong cuốn Popol Vuh (có nghĩa là Sách của cộng đồng) viết rằng, con người đầu tiên được tạo nên bởi đất và bùn. Họ tan biến sau khi tiếp xúc với nước. Các vị thần dùng gỗ để tạo ra thế hệ người thứ 2, song họ không có linh hồn và khả năng tư duy. Vì thế, sau một thời gian các vị thần đã quyết định loại bỏ họ. Cuối cùng, 4 người đàn ông bằng xương, thịt xuất hiện. Họ có ngôn ngữ, linh hồn và trí tuệ. Các vị thần tạo ra phụ nữ trong lúc 4 người đàn ông ngủ...
Nguồn gốc chính xác của Popol Vuh vẫn còn là một bí ẩn, thách thức đối với các nhà khảo cổ trên khắp thế giới. Các sử gia cho rằng, cuốn sách được lần đầu tiên được người da đỏ ở Bắc Mỹ theo đạo Thiên Chúa chép lại trên giấy bằng ngôn ngữ Quiche vào giữa thế kỷ 16. Tuy nhiên, không ai biết gì về bản gốc và tác giả của Popol Vuh.
Hơn nữa, bản chép lại của nó cũng chỉ được biết đến vào thế kỷ 17 khi một linh mục người Tây Ban Nha tên là Francisco Ximenez dịch nó sang tiếng Tây Ban Nha. Bản dịch này hiện được lưu giữ ở thư viện Newberry, ở Chicago và được cho là phiên bản cổ nhất còn lưu giữ được.
Tại Guatemala, nơi cuốn sách được tuyên bố là di sản văn hóa phi vật thể của đất nước vào hồi tháng 8 năm nay, nhiều nhà lập pháp khẳng định, họ sẽ tìm mọi cách để đòi lại bản thảo này và trưng bày nó tại một bảo tàng ở thị trấn Chichicastenango, thuộc El Quiche, miền Tây nước này.
Ngày 21/12 tới đây, hàng triệu người thuộc dòng dõi của người Maya sẽ đổ về Mexico và Trung Mỹ để kỷ niệm sự kết thúc của một chu kỳ dài 5.200 năm của cuốn lịch Long Count mà tổ tiên họ sáng tạo ra. Tuy nhiên, rất nhiều lời đồn thổi cho rằng, ngày kết thúc của chu kỳ 5.200 năm của cuốn lịch này sẽ đánh dấu ngày thế giới bị hủy diệt.
Lịch Maya cùng câu chuyện ngày tận thế
Loại lịch chính xác và tỉ mỉ nhất từng được tạo ra thời cổ trung đại chỉ là một trong nhiều di sản khổng lồ của nền văn minh Maya, đã để lại dấu ấn ở hàng loạt lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc và cả ẩm thực.
Lịch của người Maya có 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày, cộng với một tháng thần thánh vào cuối năm được gọi là Wayeb có 5 ngày.
"B'aktun" là đơn vị lớn nhất trong hệ thống chu kỳ thời gian của họ, tương đương 400 năm. Kỷ nguyên trải dài trên 13 B'aktun, tương đương khoảng 5.200 năm. Kỷ nguyên của người Maya bắt đầu vào ngày 11/8/3114 trước Công nguyên.
Nếu khớp lịch theo lịch Gregory như chúng ta sử dụng hiện nay thì chu kỳ sẽ kết thúc vào ngày 21/12/2012 (một số nghiên cứu nói ngày 23/12 mới khớp lịch).
Phương Đăng
Theo Infonet, Vietnamplus