Như một cuốn nhật ký đầy cảm xúc, Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu là một cuốn sách có thể ngay lập tức truyền cảm hứng cho mọi người mẹ. Sách không những truyền tải những kiến thức quý báu mà còn dễ dàng lay động trái tim của những ai đã, đang và sắp làm mẹ.
Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu là một cuốn sách khá dày. Hơn 700 trang giấy khổ lớn có thể khiến người đọc nao núng khi mới bắt đầu. Nhưng nếu kiên nhẫn vượt qua trang đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ khó có thể dừng lại. Một cảm xúc thiêng liêng và mạnh mẽ tràn ngập cuốn sách, dễ dàng kết nối với tâm hồn người đọc. Cuộc sống của người mẹ Hồ Thị Hải Âu và cô con gái Lã Hồ Thị Minh Khuê cứ êm đềm trải ra trên trang giấy, như những dòng nhật ký. Và dù cuốn sách vẫn được chia ra thành từng đề mục nhỏ, vẫn không hề khiến cảm xúc ấy bị gián đoạn chút nào.
Làm mẹ là quá trình tự hoàn thiện của người phụ nữ
“Xương sống” của cuốn sách là những vấn đề căn bản mà các bậc cha mẹ thường gặp khi đồng hành cùng con từ bé đến lớn: “Học cách tư duy toàn vẹn”, “Quy luật sinh tồn tự nhiên - Hệ xương sống của triết lý dạy con sáng suốt”, “Mười tám năm kim cương”… Điều đặc biệt nhất khiến cuốn sách trở nên khác biệt trong tủ sách giáo dục, nuôi dưỡng con cái vốn rất phong phú hiện nay, chính là tinh thần “thuận theo tự nhiên” thấm nhuần trong từng chia sẻ.
Sách Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu. |
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ chương đầu tiên, tác giả Hải Âu đã nhấn mạnh vào việc xây dựng “con đường tuệ giác”. Tuệ giác ấy có được khi chúng ta coi việc “làm mẹ” là một hành trình tự hoàn thiện của người đàn bà, của phái đẹp nói chung, con đường mà tác giả đã trải nghiệm đầy hoan hỉ. Không gì giá trị, đẹp đẽ hơn là phẩm chất “mẹ” ngày càng tràn đầy theo năm tháng. Không gì hạnh phúc an lạc hơn khi được đồng hành, làm bạn cùng con cái. Và không gì hãnh diện hơn, khi con cái đã trưởng thành, chúng muôn vàn hoan hỉ, khẳng định với mọi người: “Mẹ là người bạn tốt nhất, tri kỷ nhất của con”.
Giá trị của một cuộc đời có nhiều cách để nhận ra, nhưng theo cách của tác giả Hải Âu, chẳng gì có thể thiêng liêng hơn khi ta nhận ra giá trị cuộc đời trong vai trò làm mẹ.
Khi đã biết yêu con bằng một tình yêu tuệ giác, coi đứa trẻ là một “tiểu vũ trụ diệu kỳ và toàn vẹn”, trái tim và trực giác của một người mẹ sẽ khiến người phụ nữ biết cách yêu con thuận lẽ tự nhiên, đầy bao dung nhưng cũng đầy sáng suốt.
Bằng những trải nghiệm và chứng ngộ quý giá có được trên hành trình thực hành “thiên chức làm mẹ”, tác giả Hải Âu nhẹ nhàng bày tỏ quan điểm của mình trước những quan niệm giáo dục vẫn gây tranh cãi đến ngày nay. Có nên tách trẻ ngủ riêng sớm? Có nên giáo dục sớm cho trẻ? Nên đương đầu hay đổ lỗi cho nền giáo dục không hoàn hảo trong hành trình học tập của trẻ?
Dạy con, có nên đổ lỗi cho nền giáo dục không hoàn hảo?
Là một người coi trọng quy luật sinh tồn tự nhiên, tác giả Hải Âu cho việc tách trẻ ngủ riêng sớm là tập quán không thuận tự nhiên. Theo chị, “nhu cầu được ngủ bên mẹ, trong đám lông ấm áp của con mẹ là một nhu cầu thuộc về bản năng sinh tồn, được ghi dấu trong đại não của những loài động vật cao cấp, trong đó con người cũng không ngoại lệ”. Đứa trẻ được ngủ cùng mẹ thường an ổn, bình tâm hơn do bản năng sinh tồn được đảm bảo đúng quy luật của mẹ thiên nhiên.
Bàn về giáo dục sớm, tác giả Hải Âu lại có những lý giải đầy thuyết phục khi đặt tình mẫu tử ở vị trí cao nhất, quan trọng nhất. Giác dục sớm với tác giả Hải Âu không phải là gửi con đến lớp piano, lớp vẽ, mua thật nhiều giáo cụ và miệt mài dạy bé đọc, viết để sớm trở thành thần đồng. Theo chị, “giáo dục sớm không gì quý giá hơn là sự dấn thân của cha mẹ, chuyển hóa mọi tình huống cuộc sống vốn dồi dào thành tình huống sư phạm để dẫn dắt đứa trẻ từng bước, từng bước có được những phẩm chất quý giá cho toàn bộ cuộc đời sau này”.
"Nhà giáo dục đầu tiên, cần thiết nhất cho trẻ không thể là ai khác ngoài cha mẹ".
Khi cha mẹ đảm trách nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng cũng đầy thiêng liêng ấy, đứa trẻ sẽ tìm được sự an ổn từ bên trong tâm hồn, vững tin trong mọi hoàn cảnh. Và sau này, dù con đường có gập ghềnh, dù nền giáo dục chẳng hoàn hảo như ý muốn, chúng cũng sẽ bình tâm và khéo léo tìm ra cách giải quyết, bởi những phẩm chất tốt đẹp đã được cha mẹ bồi đắp từ trứng nước.
Xen lẫn những quan điểm nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ, cuốn sách luôn lồng ghép những mẩu chuyện nhỏ đầy ý nghĩa về quá trình trưởng thành, bồi đắp tâm hồn và trí tuệ của cô bé Minh Khuê, như là dẫn chứng sinh động nhất cho hành trình tuệ giác của người mẹ. Thú vị nhất, người đọc còn có thể “học lỏm” được những phương pháp chăm sóc con đầy tỉ mỉ và khoa học của tác giả Hải Âu, khi chị quyết tâm giúp con có hàm răng đẹp, kiên nhẫn bên con vượt qua chứng doãn van thực quản…
Tác giả Hồ Thị Hải Âu cùng con gái Minh Khuê. Năm 2014, Minh Khuê đạt học bổng 320.000 USD vào Harvard. |
Kết quả là bé Minh Khuê dù rất nhẹ cân và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe khi mới sinh ra, nhưng suốt 14 năm đầu đời luôn đạt ngưỡng tốt về thể chất. Đặc biệt, cô bé luôn vui tươi, lạc quan, tràn đầy nội lực với tâm thế an nhiên, vững vàng, hoan hỉ.
Không chỉ là một cuốn sách về phương pháp giáp dục con cái, Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu là một câu chuyện đẹp về tình mẫu tử thuần khiết, thuận lẽ tự nhiên. Làm sao để yêu con một cách bao dung và sáng suốt? Làm sao để khai mở cái nhìn tuệ giác trong hành trình làm mẹ? Bạn sẽ có câu trả lời ngay từ những dòng đầu tiên của Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu.