Với thông điệp, kỹ thuật dựng phim và cách kể chuyện sáng tạo, 3 đội thi từ THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) và THPT Long Thành (Đồng Nai) lần lượt giành giải nhất, nhì và giải bình chọn của cuộc thi.
Cuộc thi kéo dài 8 tháng, thu hút hơn 240 thí sinh từ 59 trường công và quốc tế tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Huế và Hà Nội.
Có 45 đội thi và cá nhân vượt qua vòng bán kết, được tham dự các buổi tập huấn trực tuyến do chuyên gia, giảng viên RMIT giàu kinh nghiệm trong ngành làm phim kỹ thuật số hướng dẫn. Các thí sinh được học về “Xây dựng nhân vật sao cho chân thật?” từ biên kịch Trần Khánh Hoàng, “Âm thanh tốt kể câu chuyện hay” từ Tiến sĩ Nicholas Cope - chủ nhiệm bộ môn sản xuất phim kỹ thuật số RMIT và “Truy tìm chủ đề cho thước phim của bạn” từ thầy Nguyễn Trọng Khoa - giảng viên ngành sản xuất phim RMIT.
Sau đó, các đội áp dụng kiến thức đã học để sản xuất phim ngắn với thời lượng tối đa 3 phút, tập trung vào một trong 3 chủ đề: Những chuyến đi, âm thanh cuộc sống và môi trường.
Đội The Flow đến từ trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) đã giành giải nhất với tác phẩm Shut. Sở hữu kịch bản, góc quay và nội dung chỉn chu, tác phẩm được các giám khảo đánh giá cao về chuyên môn.
Đội The Flow từ THPT Nguyễn Thị Minh Khai giành giải nhất với tác phẩm Shut. |
Giám khảo Nicholas Cope nhận định: “Các bạn có sự lựa chọn về bố cục, cách quay dựng nổi trội, truyền tải đủ thực tế, cũng như phát triển câu chuyện đến cao trào khiến người xem phải suy ngẫm về mối quan hệ của họ với điện thoại trong thời đại số”.
Bộ phim Listen của đội Creators - THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) - giành giải nhì và được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khen ngợi về lối kể chuyện nhẹ nhàng, hình ảnh đẹp. Listen kể về sự chữa lành thương tổn quá khứ qua những âm thanh thân thuộc của cuộc sống.
Giải bình chọn của khán giả về tay đội thi toàn nữ duy nhất - Oldtowngirlz từ THPT Long Thành (Đồng Nai) với tác phẩm Lục. Ngoài bối cảnh nhẹ nhàng trong từng thước phim, giám khảo Hồng Anh đánh giá cao Lục nhờ những góc quay đẹp và cảm giác thiền mà bộ phim mang đến. Bộ phim là lời kể về hành trình hoang mang đi tìm bản thân của một người trẻ.
Nhận xét về cuộc thi qua 2 mùa, Tiến sĩ Nicholas Cope - chủ nhiệm bộ môn sản xuất phim kỹ thuật số Đại học RMIT chia sẻ cảm xúc hào hứng. “Một trong những giám khảo cuộc thi năm ngoái - đạo diễn Trần Thanh Huy với bộ phim Ròm từng chiến thắng ở Liên hoan phim quốc tế Busan - nhận định cuộc thi là cách hỗ trợ và khích lệ hiệu quả những người làm phim trẻ. Đây là quan điểm tôi cũng rất tâm đắc, và đó là lý do RMIT quyết tâm tổ chức cuộc thi một lần nữa vào năm nay”, ông nói.
Ban giám khảo cuộc thi chụp ảnh cùng khách mời và đội The Flow. |
Nhận học bổng toàn phần ngành cử nhân sản xuất phim kỹ thuật số RMIT và là một trong những thí sinh mùa trước, Dương Thị Bằng Lăng (TP.HCM) đánh giá cao cuộc thi bởi khả năng truyền cảm hứng.
“Cuộc thi giúp tôi vững tin hơn và quyết tâm chọn học ngành làm phim. ‘Tìm kiếm tài năng làm phim kỹ thuật số RMIT’ cho các bạn trẻ mới chập chững làm phim một khởi đầu nhẹ nhàng và những trải nghiệm chất lượng, giúp họ củng cố đam mê và tự tin theo đuổi ước mơ”, Bằng Lăng chia sẻ.
Ngoài việc chọn ra tác phẩm xuất sắc trao giải, 2 giám khảo cuộc thi là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và đạo diễn/diễn viên Hồng Ánh còn đưa ra những lời khuyên sâu sắc và giá trị cho các bạn trẻ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khích lệ thế hệ trẻ theo đuổi sự nghiệp làm phim nếu có đủ đam mê và thực lực. “Cuộc thi này là bước đệm quan trọng cho sự nghiệp tương lai của các bạn. Các mối liên kết bạn tạo dựng hôm nay sẽ mang đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp bạn học hỏi từ bạn bè chung đam mê và tỏa sáng”, đạo diễn cho biết.
Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh chia sẻ cảm xúc vui mừng khi thấy được đam mê, hoài bão cũng như lòng nhân ái của các bạn trẻ tham gia cuộc thi. “Tôi hy vọng RMIT duy trì cuộc thi như một sự kiện thường niên, để có thể chứng kiến thêm các tác phẩm độc đáo và khác biệt từ thí sinh”, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh tâm sự.
Trong buổi bế mạc, tiến sĩ Cope nhấn mạnh cuộc thi là dự án thành công trong việc kết nối nhà trường với cộng đồng, thành phố và khu vực.
Từ năm 2020, đại học RMIT Việt Nam tuyển sinh chương trình cử nhân sản xuất phim kỹ thuật số. Đây là một trong những chương trình chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam dành cho các bạn trẻ mê cầm máy quay, thích làm phim và có ước mơ chinh phục khán giả qua sản phẩm phim kỹ thuật số.
Bình luận