Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei đã bị bắt tại Vancouver, Canada vào tháng 12/2018 dưới yêu cầu của phía Mỹ. Sau gần 2 tuần xét xử, bà đã được cho tại ngoại sau khi nộp gần 7,5 triệu USD và cam kết những điều kiện tại ngoại.
Zing.vn giới thiệu đến độc giả bài viết của Bloomberg về cuộc sống hiện tại của người được gọi là “công chúa Huawei”.
Cuộc sống thoải mái hiếm thấy
Mạnh Vãn Châu bước ra khỏi căn biệt thự trị giá 4,2 triệu USD của bà, một chiếc vòng định vị gắn vào cổ chân, bước lên chiếc SUV đen có người lái. Sau đó là khoảng thời gian tự do, khi bà có thể đi tới các cửa hàng, nhà hàng trong phạm vi gần 260 km vuông của Vancouver, miễn là về trước giờ giới nghiêm, 23h.
Đó là lịch trình một ngày tại ngoại của bà Mạnh, Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei và con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi. Nhìn bên ngoài, nó giống như một cuộc sống khá thoải mái của một người đang là trung tâm trong ván cờ quyền lực.
Vụ bắt giữ bà Mạnh tại Canada, theo yêu cầu từ phía Mỹ, đã đem tới hậu quả về mặt ngoại giao đối với tất cả những bên liên quan. Chỉ 9 ngày sau khi bà bị bắt giữ khi đang trung chuyển tại Vancouver, Trung Quốc bắt giữ 2 người Canada vì "các hoạt động tổn hại đến an ninh quốc gia". Đầu tuần này, quốc gia châu Á tuyên án tử hình sau khi xét xử phúc thẩm một công dân Canada buôn bán ma túy tại Trung Quốc.
Bà Mạnh đang có thời gian tại ngoại khá thoải mái tại Vancouver. Ảnh: Bloomberg. |
Kết cục phiên tòa của bà Mạnh vẫn chưa rõ ràng, nhưng bà đã trở thành một cá nhân được yêu quý tại Vancouver, nơi gia đình bà sở hữu hai căn biệt thự, và cũng là nơi bà dành thời gian nghỉ ngơi ngoài công việc. Nhiều khách du lịch đã tới trước ngôi nhà của bà Mạnh để chụp những bức ảnh selfie.
Để được tại ngoại, bà Mạnh phải đeo thiết bị định vị trên người, có giờ giới nghiêm từ 23h đến 6h sáng hôm sau và chịu sự giám sát cả ngày do một công ty an ninh cung cấp. Công việc của công ty an ninh Lions Gate là đảm bảo bà không vi phạm những điều khoản tại ngoại. Bà Mạnh phải chi trả các chi phí giám sát, bao gồm 2 bảo vệ và 1 tài xế.
“Nếu tôi đoán không nhầm, thì chi phí vào khoảng 7.000 USD/ngày”, hoặc tương đương 2,5 triệu USD/năm. Đó là con số mà Nicholas Casale, một cựu thanh tra cảnh sát ước lượng. Casale là người đã thương lượng các điều khoản tại ngoại cho cựu chủ tịch sàn chứng khoán NASDAQ Bernard Madoff, đồng thời đóng vai trò bảo vệ cho ông này trong 3 tháng.
Bà Mạnh hưởng một thời gian khá thoải mái và hiếm thấy, sau khi đã trả khoản tiền tương đương 7,5 triệu USD để tại ngoại. Thông thường, một người được tại ngoại vẫn phải chịu nhiều giới hạn về khoảng cách di chuyển hay những đối tượng được phép nói chuyện.
“Thường thì người ta không thể đi ăn tối hay mua sắm như vậy”, ông Casale cho biết.
Một chiếc còng và hai số phận
Sự thoải mái của bà Mạnh trái ngược hoàn toàn một vị lãnh đạo nổi tiếng khác bị bắt trước bà chỉ vài tuần. Cựu chủ tịch của Nissan Motor, ông Carlos Ghosn, bị giam tại Tokyo. Trong trại giam, ông phải đeo vòng số 8, đi dép nhựa và khi hầu tòa tuần trước còn bị trói lại ở thắt lưng. Bà Mạnh cũng thoải mái hơn rất nhiều nếu so với hai công dân Canada đang bị giam giữ tách biệt tại Trung Quốc.
Bà Mạnh có thể di chuyển trong Vancouver, nhưng bị giới nghiêm từ 23h – 6h sáng hôm sau. Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng điều này cũng không khiến những người Trung Quốc bớt lên tiếng về cách bà Mạnh bị đối xử. Trong một bài báo đăng tại Ottawa tuần trước, đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã đã chỉ trích “sự tự cao của phương Tây” và “tư duy da trắng thượng đẳng” của những người chỉ trích Trung Quốc trong vụ bắt công dân Canada.
“Họ có thể hiện một chút sự thương cảm nào với bà Mạnh khi bà ấy bị bắt trái pháp luật và bị tước đoạt sự tự do không”?, ông Lô viết trên tờ Hill Times.
Bà Mạnh, 46 tuổi, mang một chiếc khăn Hermes màu tím và túi Bottega Veneta trong ngày đầu tiên trình diện sau khi tại ngoại. Cơ ngơi của bà gần Vancouver cũng đang được sang sửa, nhưng một chiếc xe tải chở toàn quần áo thiết kế và đắt tiền đã đậu sẵn ở ngoài. Luật sư của bà cho biết bà muốn chuyển về ngôi nhà này sau khi nó được sửa xong. Ngôi nhà này chỉ cách lãnh sự quán của Mỹ tại Vancouver vài căn nhà.
Ghi nhận lại cuộc sống hàng ngày của bà Mạnh không hề dễ dàng. Những người bảo vệ của bà dường như cũng muốn giúp cho bà tránh ánh mắt từ công chúng. Khi phóng viên của Bloomberg dừng xe đối diện căn nhà của bà và bị nhận biết, một người bảo vệ đã ghi lại biển số xe trong khi người kia lái xe ra chắn tầm nhìn.
Một ngôi nhà của gia đình bà Mạnh tại Vancouver. Ảnh: Bloomberg. |
Khi bà Mạnh bước ra khỏi nhà trong một chiếc áo khoác của Lululemon, người bảo vệ bắt đầu gây sự với phóng viên, và sau đó nói thật là anh ta đang muốn cản trở họ.
Dù vậy, cuộc sống thoải mái hiện tại cũng không thể che đi một thực tế tệ hại của bà Mạnh: quy trình dẫn độ bà qua Mỹ có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Khả năng cao bà vẫn sẽ bị dẫn độ.
“Xu hướng xử lý của Canada trong trường hợp này thường là dẫn độ. Luật dẫn độ của Canada không công bằng, và nhiều người, trong đó có tôi, đã chỉ trích nó”, Giáo sư Robert Currie, chuyên gia luật quốc tế thuộc đại học Dalhousie cho biết.
Phải chờ hàng năm để bị dẫn độ sang Mỹ
Mỹ sẽ phải gửi yêu cầu dẫn độ chính thức cho Canada trong tháng 1/2019. Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti có quyền từ chối yêu cầu này, hoặc yêu cầu mở phiên tòa để quyết định.
Ông Lametti không thể từ chối một cách đơn giản. Để từ chối điều này, tòa án phải xác định được rằng những tội mà bà Mạnh bị cáo buộc không vi phạm luật pháp Canada, và điều này gần như không thể. Ngoài ra, thẩm phán phiên tòa sẽ phải chấp nhận tất cả các bằng chứng mà phía Mỹ đưa ra mà không xét tới khả năng xác thực của bằng chứng.
Ký họa phiên xem xét đề nghị tại ngoại của bà Mạnh (áo xanh) tại tòa án ở Vancouver, Canada. Ảnh: AP. |
Gary Botting, một luật sư tại Vancouver với kinh nghiệm trong hàng trăm vụ dẫn độ cho rằng có tới 90% số vụ án đã được đồng ý dẫn độ, bởi hệ thống luật pháp khiến cho họ không thể từ chối.
Về phần mình, bà Mạnh biết mình muốn dành thời gian tại ngoại, có thể kéo dài tới hàng năm, để làm gì.
Bà đã đăng ký một lớp học tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học British Columbia, vốn khá gần ngôi nhà của bà. Ngôi trường này từng nhận hơn 2 triệu USD tài trợ của Huawei để nghiên cứu về mạng 5G. Công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào các thiết bị cho thế hệ mạng mới, nhưng Mỹ thì muốn ngăn cản điều này.
“Tôi đã làm việc chăm chỉ trong 25 năm qua. Nếu được thả ra, mục tiêu duy nhất của tôi là dành thời gian cho chồng và con gái. Đã nhiều năm qua tôi chẳng đọc được cuốn tiểu thuyết nào”, đó là những lời nói của bà Mạnh được luật sư dẫn lời tại phiên xử tại ngoại vào tháng trước.