Qi Shumin đã sống tại Bắc Kinh đã hơn 10 năm nhưng vẫn bị đối xử như một người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp và ít được tiếp cận với các dịch vụ công cộng của thành phố.
Anh mưu sinh bằng việc bán đồ ăn sáng, là một trong 270 triệu lao động nhập cư đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhưng cuộc sống vẫn không ổn định.
Cuộc sống chật vật
Gia đình Qi sống trong 2 phòng ở tạm bợ phía sau một nhà máy bia tại vùng ngoại ô Bắc Kinh. Họ đốt than trong mùa đông để giữ ấm vì không có lò sưởi, dùng chung nhà vệ sinh công cộng với hàng xóm và phải mua nước sạch để uống.
Cuộc sống của nhiều lao động di cư như Qi vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: SCMP. |
"Nước giếng bị ô nhiễm, chúng tôi chỉ sử dụng nó để rửa bát và giặt quần áo", người chị của Qi nói trong lúc giặt giũ trong một con hẻm rộng chưa đầy 2 m, giữa hai dãy "nhà" thấp bé.
Mỗi tháng, gia đình Qi phải trả 1.600 Nhân dân tệ (232 USD) để thuê nhà. Cả gia đình không có máy giặt hay tivi, một phần vì họ đang cố gắng tiết kiệm tiền, phần khác vì nơi ở của họ có thể bị dỡ bỏ bất cứ lúc nào.
Trong tương lai, người ta sẽ xây trạm dừng cho tuyến đường sắt nối Bắc Kinh và thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, ở khu vực này.
Qi bán bánh bao và cháo cho những người làm nghề giao hàng, tái chế, sửa ống nước và xây dựng. Nhà chức trách Bắc Kinh coi đây là những những nghề "cấp thấp" và không khuyến khích những người làm nghề này bám trụ ở thủ đô.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai dường như phụ thuộc vào việc cho phép những người như Qi định cư ở thành phố. Chính phủ đã nhiều lần cam kết cho họ trở thành cư dân đô thị nhưng chỉ ở các thị trấn và thành phố nhỏ, nơi có rất ít việc làm.
Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc tỏ ra kém thân thiện với người di cư. Ảnh: SCMP. |
Không được chào đón
Các đô thị lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải tỏ ra không mấy thân thiện với dân nhập cư. Những người muốn ở lại đây phải giải quyết vấn đề giấy tờ khá phức tạp và quá trình xin học khó khăn cho con cái.
Tuy nhiên, gia đình Qi vẫn muốn ở lại thủ đô thay vì quay về quê hoặc sang các thị trấn nhỏ lân cận. Trong khi đó, cha mẹ của Qi phải đến đây 6 tháng trước để chăm cháu và có ý định đưa cậu con trai 4 tuổi của anh về quê học mẫu giáo.
Chính sách của nhà nước và mong muốn thực tế của người dân không ăn khớp đã gây ra các gánh nặng kinh tế và xã hội rất lớn ở Trung Quốc.
Chính quyền nước này bắt đầu hạn chế dòng người di cư từ nông thôn đến thành phố vào cuối những năm 1950. Trong 30 năm qua, nước này cho phép hàng trăm triệu lao động di chuyển đến các thành phố và các khu ven biển để tìm việc. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương hạn chế dịch vụ phúc lợi xã hội cho họ.
Nhà chức trách Bắc Kinh cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế dòng người di cư đến đây như đóng cửa các chợ đầu mối lâu năm, thay thế những khu chợ tạm cho dân nhập cư bằng các cửa hàng mới, khuyến khích nhiều nhà máy và công xưởng chuyển địa điểm.
Thủ tục xin học cho con cái ở thành phố cũng là khó khăn rất lớn với những người lao động di cư. Ảnh: SCMP. |
Đường về gian nan
Trong khi đó, theo luật đất đai ở Trung Quốc, những người như Qi có thể cho thuê nhưng không thể bán khu đất ở quê. Điều này khiến Qi khó có đủ tiền để định cư ở thành phố lớn như Bắc Kinh. Chưa kể, triển vọng kinh tế ở các vùng nông thôn không mấy khả quan.
Giá một mét vuông trong khu nhà ở cao cấp Ruiqi Jiayuan dành cho những người dân thành thị đã tăng 50%, đạt hơn 40.000 nhân dân tệ (gần 6.000 USD) trong vòng chưa đầy nửa năm.
Việc tăng giá bất động sản Bắc Kinh đã gây khó dễ cho những công nhân di cư như hàng xóm của Qi, Zhao Yuanyang. Anh đến Bắc Kinh cách đây 15 năm sau khi bỏ học và hiện làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng tạp hóa.
"Tôi không tính đến chuyện có hộ khẩu ở Bắc Kinh... Tất cả những gì tôi hy vọng là có thể mua nhà ở Hà Bắc và con tôi có thể theo học ở đây thay vì phải về Hà Nam", Yuanyang chia sẻ.