“Tôi sinh con đầu lòng trong đợt dịch và đó là một trải nghiệm khó khăn", Chi Nguyễn, 27 tuổi, sống tại thành phố Melbourne, bang Victoria, kể lại với Zing.
"Đôi khi tôi muốn cho con ra ngoài tắm nắng và hít thở không khí trong lành, song Covid-19 biến mọi thứ thành bất khả thi”.
Bang Victoria hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Hôm 2/8, chính quyền bang đã ban bố tình trạng thảm hoạ và áp đặt lệnh giới nghiêm đối với thành phố Melbourne. Tính đến nay, bang Victoria đã ghi nhận gần 12.000 ca nhiễm và 136 ca tử vong vì Covid-19. Mỗi ngày trôi qua, bang này lại có thêm hàng trăm ca nhiễm mới.
Những đứa trẻ ở tâm dịch
Trước đó, chị Chi đã nghỉ việc vì cho rằng "sức khỏe là trên hết". Chi cũng phải thay đổi thói quen sinh hoạt để tránh nguy cơ lây nhiễm: “Gia đình tôi hạn chế ra ngoài. Nếu phải đi mua sắm, tôi sẽ chọn khung giờ vắng vẻ nhất và luôn đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân”.
Sau ngày 2/8, bang Victoria chỉ cho phép người dân ra ngoài một mình khi có nhu cầu thiết yếu. Quy định này đang làm khó nhiều người, bao gồm gia đình nhỏ của Chi: “Chồng tôi đi làm cả ngày nên việc mua sắm là do tôi lo liệu. Nếu không có bà ngoại trông con hộ, tôi không biết phải làm sao”. Con của Chi hiện được 3 tháng tuổi.
Chi cũng nhận xét phần lớn người Australia cảm thấy căng thẳng trước lệnh phong toả kéo dài: “Mọi người không được ra ngoài suốt nhiều tuần nay. Họ dần trở nên tuyệt vọng khi nhận thấy dịch bệnh chuyển biến xấu và không có dấu hiệu dừng lại”.
Chi Nguyễn, 27 tuổi, đang sinh sống tại thành phố Melbourne. Ảnh: NVCC. |
Cũng là một người Việt sinh sống trong “tâm dịch” Melbourne, chị Huyền Lưu, 32 tuổi, nhận xét: “Mọi người đều cảm thấy nhụt chí và vô vọng khi các lệnh phong toả kéo dài. Người dân đã ở nhà trong nhiều tuần nhưng số ca nhiễm bệnh vẫn tăng. Có điều gì đó không ổn rồi”.
Huyền kể suốt vài tháng nay, cô con gái 7 tuổi của chị phải học trực tuyến. Khi không được ra ngoài, bé nhớ thầy cô, bạn bè và trở nên nóng tính hơn.
"Phải mất vài tuần bé mới quen với trạng thái bình thường mới”, Huyền nói.
Cũng theo chị Huyền, dân bản địa không còn thờ ơ và chủ quan như hồi tháng 3 nữa, khi Covid-19 mới bùng phát tại châu Á. “Giờ đây, mọi người vừa sợ số liệu dịch tễ, vừa sợ mất tiền phạt nếu vi phạm các quy định chống dịch”, chị nói.
Đài tưởng niệm chiến tranh vắng vẻ trong thời dịch. Ảnh: NVCC. |
Du học sinh Linh Chi, 24 tuổi, cũng đồng tình với ý kiến này: “Lúc đầu, chính phủ chỉ khuyến cáo những người cảm thấy không khoẻ thì nên đeo khẩu trang. Hiện tại, đeo khẩu trang là một quy định bắt buộc. Những người không chấp hành có thể bị phạt hàng trăm USD”.
Mắc kẹt trong căn hộ riêng ở Melbourne, Linh Chi chia sẻ: “Tôi thường mua nhu yếu phẩm qua mạng để hạn chế thời gian ra ngoài. Các cửa hàng đều bị quá tải nên đơn hàng thường giao muộn một tuần. Do đó, tôi phải lập kế hoạch mua sắm trước nhiều ngày”.
Du học sinh dễ bị tổn thương
Dù đã tốt nghiệp tại Đại học Melbourne, du học sinh Linh Chi vẫn gặp khó khăn khi đi tìm việc làm. Hồi đầu năm, Chi nhận một vị trí chăm sóc khách hàng. Dịch bệnh bùng phát khiến cô mất việc.
Khi Linh Chi tiếp tục thử sức với ngành tư vấn du học lại là lúc Covid-19 đã lan rộng trên toàn cầu.
“Các trường đại học đưa ra nhiều chương trình ưu đãi nhưng không ai muốn đi du học trong thời điểm bất ổn này. Công việc của tôi lại gặp khó khăn”, Linh Chi cho biết.
Mất đi nguồn thu nhập và tạm thời thất nghiệp, Linh Chi quyết định nộp đơn xin hỗ trợ từ trường đại học. “Đại học Melbourne đã hỗ trợ tôi 5.000 USD. Số tiền này giúp tôi đủ chi tiêu trong thời dịch. So với những người khác, tôi cảm thấy mình thật may mắn”.
Linh Chi cho biết cộng đồng du học sinh là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nếu bị mất việc làm thêm, họ không có nguồn thu nào để trang trải tiền nhà và sinh hoạt phí.
Đồng tình với quan điểm này, chị Huyền Lưu nhận xét: “Du học sinh chỉ được phép làm thêm. Khi đối mặt với khủng hoảng, các doanh nghiệp thường cắt giảm những nhân công không chính thức này”.
Nhiều du học sinh tại Australia cũng đang gặp khó khăn với tiền học, tiền thuê nhà hay thủ tục gia hạn visa. Linh Chi cho biết một nhóm Facebook của du học sinh Việt đang tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
“Nếu bạn gặp khó khăn, hãy đăng bài lên nhóm du học sinh. Nhiều người sẵn sàng cho bạn ở nhờ, đóng góp tiền và tặng đồ ăn cho các bạn”, Linh Chi chia sẻ.
Tính đến sáng ngày 4/8, Australia ghi nhận 18.318 ca nhiễm và 221 ca tử vong do Covid-19, theo thông tin từ Bộ Y tế của nước này.