Hôm qua, báo chí nói nhiều về em bé sinh thiếu tháng bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện Hà Đông. Sản phụ cùng phòng kể người mẹ mới mười tám, tình nhân chạy làng khi biết sắp phải làm bố, không người thân bạn bè chăm sóc.
"Cơn lốc nhân từ có thể cuốn đi những kế hoạch phi nhân"
Một hoàn cảnh điển hình ta hay gặp trong các vụ bỏ rơi con. Nhưng nhân chứng cũng nhìn thấy, đêm trước khi bỏ đi, cô gái trẻ đã khóc. Và hôm sau, lén quay lại nhìn con mười lăm phút, rồi lại đi.
Không ai tường tận những gì xảy ra trong não trong tim cô. Ngày tháng mang thai bị chối bỏ. Giờ khắc một mình vào viện sinh con. Giờ khắc để lại núm ruột nhỏ xíu co ro trong lồng kính, mà ra đi... Có phải tại em bé bệnh tật mà người mẹ bỏ rơi? Không dám chắc, nhưng có thể.
Vậy nếu cô gái đã xem, đã đọc, đã nghe câu chuyện cha con diễn viên Quốc Tuấn giúp nhau vượt qua bệnh tật cùng sự ngợi ca, tán thưởng của triệu người, cách hành xử của cô có khác? Tôi tin rằng có. Bôm và bố Tuấn toát ra nguồn năng lượng lấp lánh, chiếu xuống đất nào cũng sáng. Đất úng đất tối đất trẻ mà hoang mê, chúng càng sáng chói.
Cô gái ấy, rất có thể đã vạch ra kế hoạch sinh con và trốn chạy từ trước. Nhưng kế hoạch cho tình mẫu tử, kế hoạch dứt khỏi mình một phần thân thể thường bị vô số lý do làm hỏng. Câu chuyện về tình phụ tử, đức hy sinh, niềm tin, lòng can đảm của bố con Bôm giống như cơn lốc. Cơn lốc nhân từ, có thể cuốn đi những kế hoạch phi nhân, kế hoạch buồn, kế hoạch rỉ máu và nước mắt.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn nói anh không muốn chuyện bố con mình rình rang. Bạn bè bảo anh quá tự trọng. Thực ra, tôi nghĩ anh muốn bảo vệ con mình, không muốn trưng Bôm ra để nhận những cái chép miệng, những ánh mắt xót thương.
Ánh mắt chia sẻ tiếp thêm cho người khó sức mạnh, ánh mắt xót thương đôi khi làm nhụt chí. Mà thói quen và văn hóa khiến người Việt ta thừa sự xót thương nhưng thiếu điều chia sẻ.
Câu chuyện cảm động của nghệ sĩ Quốc Tuấn và con trai được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Cơ thể không lành lặn, người ta rất dễ tổn thương. Họ sợ bị coi là phế nhân. Họ tập luyện, họ cố gắng tự lực cánh sinh hết mức có thể. Nhiều khi chúng ta vô ý, cứ hồn nhiên cúi người mang giày cho họ, hồn nhiên dìu đỡ họ, mà không biết đã làm họ buồn. Tôi từng chứng kiến một anh chẳng may bị liệt nửa người cáu điên lên với bạn khi bạn quan tâm thái quá.
Trong lớp vỡ lòng của con trai tôi có một cậu mắc chứng bệnh về xương khiến cơ thể yếu ớt. Hàng ngày cậu đến trường cùng một chú chó đặc biệt, được huấn luyện để hỗ trợ cậu phát triển thể chất và tinh thần. Chú chó mang tấm áo đề dòng chữ: "Tôi là chó đang làm nhiệm vụ, không vuốt ve".
Những đứa trẻ năm tuổi sau một thoáng tò mò, hồn nhiên xem cậu bé và chú chó như các thành viên bình thường của lớp. Bởi ngay từ bé, các con được cha mẹ và cô giáo dạy về tôn trọng, bình đẳng hàng ngày.
Chỉ mong hiệu ứng tích cực có thể kéo dài
Tất nhiên, xót thương là tình cảm tự nhiên, khó ngăn cấm. Thể hiện thế nào mới là điều đáng bàn, là điều chúng ta nên học. Rất may câu chuyện bé Bôm nhận được sự thán phục và ngợi ca hơn xót thương. Người cha thở phào nhẹ nhõm.
Cả xã hội ầm ầm yêu thương, ầm ầm nghị lực, ầm ầm hy vọng sau khi xem xong chương trình Điều ước thứ 7. Chỉ mong hiệu ứng tích cực này có thể duy trì dai dẳng, không chỉ là cơn lên đồng niềm tin, hết nhạc chầu ta về nhà, lại chồng đánh vợ, mẹ bỏ con, anh giết em vì hơn thua vài mét đất.
Câu chuyện về cậu bé Thiện Nhân cũng là một câu chuyện diệu kỳ về cuộc sống. |
Tôi nhớ cậu bé Thiện Nhân, cậu bé Quảng Nam bị mẹ vứt trong vườn hoang, thú vật ăn mất bộ phận sinh dục và chân phải, được gia đình chị Mai Anh nhận về chăm sóc, thương yêu, chạy chữa. Một truyện cổ tích, đến nay người ta vẫn nhớ vẫn kể. Giống như bố con Bôm, mẹ con Thiện Nhân là cơn gió lành thổi mát lòng nhân từ thành thị đến nông thôn.
Mẹ đẻ gián tiếp làm em tật nguyền, nhưng mẹ Mai Anh không chỉ vá vết thương da thịt cho em. Quan trọng hơn, chị đã khâu liền thương tổn tâm hồn cho cậu bé. Tôi tin, nhiều bà mẹ đã từ bỏ ý định bỏ con vì may mắn, làn gió thánh thiện này đã thổi qua tim.
Thực ra, cha con bé Bôm không cá biệt, chỉ là tiêu biểu. Khắp đất nước, dường như huyện nào xã nào cũng có chuyện tương tự. Hãy nhìn những bệnh nhân ung thư ở Viện huyết học truyền máu, các em chờ phẫu thuật hở hàm ếch ở bệnh viện Việt Nam - Cu Ba hay trẻ em tự kỷ trong lớp học đặc biệt. Mỗi em là một câu chuyện, một núi yêu thương, một hồ gian khổ, một trời niềm tin lẫn một vực thương hại.
Một bà mẹ đã kể trên mạng xã hội về hành trình nuôi dạy cậu con trai bị hở hàm ếch nặng chỉ có một lỗ mũi. Sau cơn khủng hoảng, chị ôm con về nhà, vắt sữa, bón từng giọt cho con bằng cán thìa, ngăn không cho bất cứ ai lại gần con cho tới lúc bế con vào bệnh viện phẫu thuật. Vì chị biết bản tính con người vốn kỳ thị kẻ yếu, xấu, tật nguyền.
Với người Việt, sự kỳ thị đó càng ghê gớm, thậm chí đến mức độc ác. Tôi từng gặp nhiều kẻ vô tư, hồn nhiên cười cợt, trêu ghẹo người khuyết tật giữa nơi công cộng. Nên thấu hiểu tại sao nghệ sĩ Quốc Tuấn đầy tự trọng và e dè, cảnh giác với truyền thông.
"Bố con anh đã trở thành anh hùng tình yêu, đại sứ nhân ái". Ảnh: Điều ước thứ 7. |
Giờ thì anh thở phào. Bố con anh trở thành anh hùng tình yêu, đại sứ nhân ái, người truyền nghị lực sống. Biết bao em nhỏ kém may mắn, vì gia đình nghèo, thiếu hiểu biết, dù đầy ắp thương yêu nhưng không đưa được con tới ngày tươi sáng như Bôm.
Tôi thán phục bố con Bôm, nhưng cũng kính trọng người mẹ ở Hậu Giang ôm con trai bại não trầm mình dưới lòng sông Hậu. Và chờ mong chuyện cổ tích của bố con anh sẽ làm dịu nỗi đau của những bà mẹ Hậu Giang khác, làm cô gái trẻ bỏ rơi con quay về, làm người cha vũ phu tỉnh trí, khiến ánh mắt người thường đỡ thương hại, khinh khi...