Sự nổi tiếng bất ngờ của Brave Girls và Laboum đang truyền cảm hứng đến không chỉ người hâm mộ Kpop. Như tờ Wikitree nhận định, từ những nhóm nhạc bị lãng quên, thậm chí đứng trước nguy cơ tan rã, Brave Girls và Laboum đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thực.
Để có được thành công hiện tại, hai nhóm nhạc nữ trải qua vô vàn sóng gió. Tuy nhiên, đó là tình cảnh chung của số đông ca sĩ, nhóm nhạc khi hoạt động tại thị trường cạnh tranh quá khốc liệt như Kpop.
Làm việc nhiều năm không được trả lương
Trước khi Rollin bất ngờ nổi tiếng, Brave Girls đứng trước bờ vực tan rã. Rollin đã cứu vãn sự nghiệp âm nhạc của họ và các cô gái đang nhận được tình cảm xứng đáng sau nhiều năm ra mắt.
Brave Girls ra mắt năm 2011 nhưng các thành viên hiện tại được thêm vào nhóm từ năm 2016. Trong 5 năm, họ không nhận được sự chú ý từ truyền thông và công chúng. Các cô gái Brave Girls thậm chí đã mất hết can đảm, tự tin và nghĩ đến việc từ bỏ giấc mơ trở thành ngôi sao Kpop sau nhiều năm chẳng đi đến đâu.
"Đầu năm nay, tôi nghĩ đã đến lúc chúng tôi nên chấm dứt công việc này", thành viên Kim Min Young nói với AFP.
"Phản ứng của công chúng với các bài hát của chúng tôi luôn lạnh lùng. Có vẻ không ai muốn nhìn thấy chúng tôi trên sân khấu", cô nói trong nước mắt.
Brave Girls nổi tiếng sau nhiều năm hoạt động. |
Nhờ thành công của Rollin, các cô gái có khoản lương đầu tiên sau nhiều năm hoạt động. Trước đó, nhóm phải làm thêm ở quán cà phê hoặc vũ công phụ họa để kiếm sống.
Trong chương trình Tiki Taka của SBS, Min Young chia sẻ: “Chúng tôi biểu diễn với tư cách vũ công phụ họa cho rapper người Mỹ, Silentó. Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên được tham gia một lễ trao giải. Nhưng khi nhìn thấy các đồng nghiệp ngồi vào bàn của họ, tôi rất ghen tỵ”.
Laboum cũng mất đến 7 năm hoạt động mờ nhạt rồi gần đây mới được chú ý nhờ ca khúc Journey to Atlantis. Bài hát hiện đứng hạng 12 của bảng xếp hạng Melon. Solbin cho biết trong những năm không được công chúng biết tới cô và các thành viên trải qua cuộc sống túng thiếu.
Khi tham gia chương trình Nangman Club phát sóng cuối năm 2019 trên MBC, nữ ca sĩ tâm sự: "Mỗi khi hoàn thành công việc và về nhà bằng tàu điện ngầm, tôi lại nhận ra càng ngày mình càng có ít hoạt động. Tôi nghèo và không nhận được bất cứ khoản thu nhập nào".
"Ngồi trong tàu điện ngầm, tôi cảm thấy bản thân thật thảm hại. Tôi nghĩ có lẽ mình nên nhận một công việc bán thời gian và suy nghĩ đó càng khiến tôi buồn hơn", nữ ca sĩ sinh năm 1997 nói.
Kim Jin Hyung - giám đốc điều hành của Wuzo Entertainment, nói với AFP ít nhất 50 nhóm nhạc mới gia nhập thị trường mỗi năm nhưng chưa đến một nửa xuất hiện trên các đài truyền hình lớn. Đồng nghĩa, số nhóm nhạc nổi tiếng, được công chúng biết đến và có thể kiếm tiền từ việc ca hát rất ít ỏi. Số còn lại rơi vào tình huống tương tự Brave Girls hay Laboum.
Năm 2019, Kim Sung Hyun quyết định rời nhóm IN2IT mà chưa một lần được nhận tiền lương trong 2 năm hoạt động.
“Kể từ khi ký hợp đồng rồi bắt đầu hoạt động với IN2IT, tôi chưa bao giờ được trả tiền, thậm chí khoản thanh toán hợp đồng. Ngoài 50.000 won họ đưa cho tôi hàng tháng để thanh toán hóa đơn điện thoại, tôi không nhận thêm bất cứ khoản tiền nào”, anh tiết lộ.
“Bố tôi làm tài xế taxi dù ông ấy bị đau lưng. Nhìn bố, tôi tự hỏi mình có phù hợp với công việc này không khi nó không thể mang lại thu nhập. Bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng nặng khiến bố tôi phải nghỉ việc. Bởi vậy đã đến lúc, tôi tìm kiếm công việc khác để phụ giúp gia đình”, Kim Sung Hyun chia sẻ.
Tuy nhiên, khi Kim Sung Hyun bày tỏ mong muốn chấm dứt hợp đồng, công ty quản lý yêu cầu anh bồi thường 250.000 USD.
Các thành viên nhóm Laboum. |
Quyền lực và danh tiếng thống trị
Theo ngôi sao Kpop Prince Mak chia sẻ trong chương trình PopAsia của SBS, các ca sĩ không kiếm được nhiều tiền. Tỷ lệ lợi nhuận phổ biến nhất là 80%, thậm chí 90% cho công ty. Số còn lại thuộc về nghệ sĩ. Với nhóm nhạc, đặc biệt trường hợp đông thành viên, số tiền họ nhận về càng ít ỏi.
Hầu hết ngôi sao có nghĩa vụ hoàn trả chi phí đào tạo cho các công quản lý. Jaeho (cựu thành viên Madtown) từng tiết lộ nhóm nhạc có thể chịu khoản nợ lên tới 500.000 USD cho một lần phát hành sản phẩm mới. Khoản nợ được chia cho các thành viên. Trong khi đó, mỗi thành viên có thể chỉ kiếm được khoảng 7.000 USD trong một lần quảng bá.
Trong khi đó, Christine Park từ nhóm nhạc đã tan rã Blady chỉ ra thực tế số tiền công ty đầu tư vào một ca sĩ, nhóm nhạc thường nhiều hơn doanh thu. Những nhóm nhạc nổi tiếng mới có hy vọng hòa vốn hoặc kiếm được số tiền lớn.
Nnghệ sĩ indie Lee Lang từng gây xôn xao khi rao bán chiếc cúp ngay sau khi nhận được nó tại Lễ trao giải Âm nhạc Hàn Quốc.
“Thu nhập của tôi trong tháng 1 là 370 USD. Đó không phải tiền nhạc số mà là tất cả tôi có được. Rất may, tới tháng 2, tôi kiếm được 840 USD. Thật khó để kiếm sống với tư cách một nghệ sĩ. Sẽ thật tuyệt nếu có một số tiền cho giải thưởng này, nhưng không phải vậy. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải bán chiếc cúp này", cô nói.
Kim Hyeong Seob, tay trống của ban nhạc indie Another Day, đồng cảm với Lee Lang. Kim Hyeong Seob chia sẻ với tờ Equal Times: “Khi ban nhạc cũ của tôi được mời tham dự một sự kiện văn hóa cách đây hai năm, một nhân viên của công ty tổ chức cho biết chúng tôi sẽ được trả 270 USD”.
Sau khi nhóm nhạc của Kim Hyeong Seob biểu diễn, đơn vị tổ chức sự kiện thay đổi điều khoản và thông báo cho nhóm họ không được trả tiền. Kim Hyeong Seob nói tình huống như vậy rất phổ biến trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.
Theo Equal Times, không có gì lạ khi các ca sĩ Hàn Quốc biểu diễn mà không biết họ sẽ được trả bao nhiêu. Trên Mule, một cộng đồng trực tuyến dành cho ca, nhạc sĩ, bài đăng tìm kiếm nghệ sĩ biểu diễn tại các sự kiện được tải lên mỗi ngày.
Rất ít trong số tin tuyển dụng cho biết mức lương là bao nhiêu. Một số bài đăng thậm chí yêu cầu biểu diễn từ thiện, có nghĩa không được trả tiền.
Esssin - một ca sĩ indie nói: “Ngay cả hợp đồng miệng cũng rất hiếm. Các đơn vị tổ chức sự kiện thường nói với chúng tôi: 'Sao anh dám đòi tiền? Anh nên biết ơn khi được đứng trên sân khấu'".
Jaeho từng là thành viên Madtown nhưng không được khán giả chú ý. |
“Trừ khi bạn là ca sĩ hot nhất hiện tại, nếu không thì kiểu sỉ nhục này thường xuyên xảy ra. Các giáo sư âm nhạc và cả ca sĩ nổi tiếng đôi khi phải chịu cảnh này”, ca sĩ tiếp tục.
Một cựu thành viên của nhóm nhạc nam Kpop chia sẻ quá khứ buồn khi là ca sĩ không tên tuổi. Anh tâm sự: “Ca sĩ không có tên tuổi, thuộc các công ty giải trí nhỏ là những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong hệ thống sản xuất âm nhạc".
"Nhóm nhạc của tôi về cơ bản đã bị công ty quản lý và các đơn vị tổ chức sự kiện ép phải hát miễn phí. Chúng tôi phải biểu diễn nhiều lần mà không có thu nhập, chỉ chờ ngày đạt được danh tiếng", anh kể.
Nguồn gốc của tập quán “bóc lột” một phần có thể do văn hóa. Yun Jong Su - một quản lý của hãng thu âm độc lập Bunker Buster - nói xã hội tồn tại kỳ vọng với giới nghệ sĩ là không đòi tiền.
“Đây là một nhận thức chung. Mọi người nghĩ nghệ sĩ phải khao khát nghề nghiệp, dù nghèo đói, họ vẫn nên làm việc một cách say mê. Nhận thức này làm trầm trọng thêm tình hình cho giới nghệ sĩ. Họ phải im lặng mặc dù không được đền bù xứng đáng với công sức bỏ ra", Yun Jong Su bày tỏ với Equal Times.
Một số nghệ sĩ cho biết không có mức lương tối thiểu trong ngành công nghiệp âm nhạc. “Luật lương tối thiểu không áp dụng cho ngành kinh doanh âm nhạc. Quyền lực và danh tiếng thống trị ngành này,” Choi Hyeon Min, trưởng nhóm nhạc M020 nhấn mạnh.