Thoạt nhìn, mọi thứ dường như tốt đẹp hơn đối với phụ nữ Nhật Bản.
Nền kinh tế Nhật Bản từng tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác về số lao động nữ, nhưng số lượng phụ nữ tham gia lao động hiện đã tăng lên mức kỷ lục 71%.
Chính phủ Nhật Bản ban hành một trong những luật nghỉ phép thoải mái nhất thế giới và cho hình thành kiểu “lao động toàn thời gian giới hạn”, chủ yếu hướng đến các bà mẹ muốn cân bằng giữa công việc và gia đình.
Cùng với đó, dịch vụ chăm sóc trẻ em ban ngày - một trong những nhu cầu quan trọng đối với các gia đình có bố mẹ đều tham gia lao động - cũng dần được mở rộng.
Hết tiền khi về già
Tuy nhiên, ngay cả với những lợi thế này, phụ nữ Nhật Bản - dù độc thân hay đã kết hôn, dù làm việc bán thời gian hay toàn thời gian - đều phải đối mặt với tương lai khó khăn về tài chính.
Nguyên nhân là dân số già, tỷ lệ sinh giảm và những quan điểm lỗi thời về giới tính. Theo Seiichi Inagaki, giáo sư tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, tỷ lệ nghèo của phụ nữ lớn tuổi ở Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi lên 25% trong 40 năm tới.
Đối với phụ nữ độc thân, cao tuổi, tỷ lệ nghèo có thể lên đến 50%.
Tính toán về lương hưu của Cơ quan Dịch vụ Tài chính chỉ ra phụ nữ Nhật Bản sẽ hết tiền 20 năm trước khi qua đời. Ảnh: Bloomberg. |
Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao hơn hầu hết quốc gia khác và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất. Do đó dân số trong độ tuổi lao động của quốc gia này được dự đoán giảm 40% vào năm 2055.
Khoảng cách thu nhập theo giới của Nhật Bản là một trong những khoảng cách lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, thu nhập của phụ nữ Nhật Bản chỉ bằng 73% so với nam giới.
Theo một báo cáo chính thức gần đây, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học Nhật Bản đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn: các cặp vợ chồng nghỉ hưu cần thêm 185.000 USD để sống trong bối cảnh hệ thống lương hưu công thiếu hụt.
Tính toán lương hưu của Cơ quan Dịch vụ Tài chính chỉ ra phụ nữ Nhật Bản sẽ hết tiền 20 năm trước khi qua đời. Chính phủ nhanh chóng phủ nhận và cho rằng mọi người không cần lo lắng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng hệ thống lương hưu của Nhật Bản được xếp thứ 31 trong 37 quốc gia vì phần thiếu hụt, theo Melbourne Mercer Global Pension Index.
Machiko Osawa, giáo tư tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản, thẳng thắn thừa nhận: “Những ngày hoàn toàn phụ thuộc vào lương hưu đã qua rồi”.
Lao động bán thời gian
Đó không phải trở ngại duy nhất đối với phụ nữ Nhật Bản. Mặc dù 3,5 triệu phụ nữ Nhật đã tham gia vào lực lượng lao động kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào năm 2012, 2/3 trong số đó chỉ làm việc bán thời gian.
Lao động nam thường được tăng lương cho đến 60 tuổi. Nhưng thu nhập của phụ nữ vẫn không thay đổi từ khi 20 tuổi đến 60 tuổi, bởi họ bị gián đoạn công việc do sinh đẻ hoặc chỉ làm việc bán thời gian.
Kể từ giữa những năm 2000, tỷ lệ việc làm bán thời gian của phụ nữ giảm ở hơn một nửa quốc gia thành viên OECD, nhưng xu hướng này đảo ngược tại Nhật Bản.
Ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản làm việc bán thời gian. Ảnh: Bloomberg. |
Một trong những mục tiêu của Thủ tướng Abe là khuyến khích nhiều phụ nữ làm việc sau khi sinh con. Nhưng dữ liệu của chính phủ chi ra 40% phụ nữ có việc làm toàn thời gian chuyển sang làm việc bán thời gian hoặc rời bỏ lực lượng lao động sau khi mang thai.
Machiko Nakajima từng làm việc toàn thời gian cho một công ty du lịch, cô rời khỏi công ty ở tuổi 31 sau khi mang thai. “Tôi không muốn làm việc trong khi chăm sóc con tôi”, Bloomberg dẫn lời Machiko Nakajima chia sẻ.
Cô đã dành 10 năm để chăm sóc hai đứa con trước khi trở lại làm việc. Ở tuổi 46, bà mẹ hai con làm nhân viên bán thời gian ở một trung tâm tennis tại Tokyo. Mặc dù chồng của Machiko Nakajima làm việc toàn thời gian, cô vẫn lo lắng cho tương lai vì hệ thống lương hưu. “Tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể sống trong phần đời còn lại”, cô than vãn.
Theo dữ liệu của chính phủ, chính phí sinh hoạt hàng tháng của một hộ gia đình có nhiều hơn hai thành viên là 287.315 yên (2.650 USD). Khoảng 15,7% hộ gia đình Nhật Bản sống dưới mức nghèo khổ, khoảng 937 USD/tháng.
Hơn 30% phụ nữ làm việc bán thời gian chỉ kiếm 1 triệu yên (9.100 USD)/năm, theo Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản.
Bất bình đẳng giới
Ngay cả đối với những phụ nữ làm việc toàn thời gian, tình trạng thiếu lợi ích, bảo hiểm và cơ hội thăng tiến cũng gây tổn thương về mặt tài chính, đặc biệt là khi họ không có người chia sẻ chi phí.
Yanfei Zhou, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách & Đào tạo Lao động Nhật Bản, tác giả cuốn sách Những bà mẹ nội trợ ở Nhật Bản trong cảnh nghèo khổ, cho biết một phụ nữ làm việc toàn thời gian có thể kiếm nhiều hơn một phụ nữ chuyển sang làm bán thời gian ở tuổi 40 khoảng 200 triệu yên (1,28 triệu USD) trong suốt cuộc đời.
“Việc tiết kiệm để nghỉ hưu không hề dễ dàng đối với một người làm việc bán thời gian”, cô nhận định.
Một người mẹ đơn thân cần có thu nhập tối thiểu 3 triệu yên (27.600 USD)/năm, con số này là không thể đối với một phụ nữ làm việc bán thời gian.
Tại Nhật Bản, lương hưu công chiếm 61% thu nhập của các hộ gia đình cao tuổi. Các góa phụ có thể nhận một phần tiền trợ cấp sau khi chồng qua đời. Tuy nhiên, số người Nhật chưa lập gia đình đã tăng 300% kể từ năm 1980. Một cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ này ở nữ giới và nam giới lần lượt là 14% và 23%.
Có một nguyên nhân dẫn đến tiết kiệm hữu trí của phụ nữ thấp hơn đàn ông, theo chuyên gia Yoshiko Nakamura của Alpha & Associates. “Trước đây, nhiều phụ nữ chọn cách hạn chế khối lượng công việc để tận dụng lợi thế về an sinh xã hội”.
Chẳng hạn, chính phủ sẽ khấu trừ thuế 380.000 yên (3.133 USD) cho một công nhân nam nếu vợ anh ta kiếm ít hơn 1,5 triệu yên (13.700 USD)/năm. Tại khu vực tư nhân, nhiều công ty cũng cấp một khoản trợ cấp cho người lao động nếu vợ anh ta kiếm ít hơn một khoản tiền nhất định.
Chính phủ Nhật Bản hiện xem xét để cho phép người lao động bán thời gian đóng góp vào hệ thống lương hưu, đồng thời bắt buộc các công ty nhỏ tham gia. Nhà phân tích Machiko Osawa của Đại học Phụ nữ Nhật Bản cho rằng an sinh xã hội nên dựa trên các cá nhân thay vì hộ gia đình.
Phụ nữ Nhật Bản đối mặt nguy cơ hết tiền khi về già. Ảnh: Bloomberg. |
“Hôn nhân không kéo dài mãi mãi. Phụ nữ trước đây thường phụ thuộc vào chồng về mặt tài chính, nhưng giờ đây, nguy cơ thất nghiệp đe dọa và nhiều người đàn ông không được tăng lương”, bà bình luận.
Dù các công ty tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ hơn nhưng một số người lao động nữ phàn nàn về việc ít cơ hội thăng tiến. Một cuộc khảo sát của chính phủ công bố vào năm ngoái chỉ ra hơn 28,4% phụ nữ nói rằng họ không được đối xử bình đẳng.
Yasuko Kato, 42 tuổi, trở lại làm kế toán bán thời gian vào ba năm trước, nhưng khối lượng công việc không mấy thay đổi. Cô phải làm việc từ 9h sáng đến 4h30 chiều.
“Tôi không có thêm thời gian làm việc”, Kato chia sẻ. Bởi sự thiếu hụt nhân viên, cô cũng không nhận được sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp toàn thời gian.