Thái Dũng hiện là một trong những MC đắt sô của Hà Nội. Không tắc kè hoa như Thanh Bạch cũng không tếu táo như Trấn Thành, anh chọn cho mình một phong cách lịch lãm và có phần chín chắn.
Có thể đối với nhiều người, Thái Dũng vẫn còn là một cái tên chưa thật sự để lại ấn tượng mạnh mẽ nhưng đối với gia đình, anh là niềm tự hào của bố mẹ. Sinh trưởng trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những gì anh làm được ngày hôm nay đều nhờ vào sự nỗ lực của bản thân.
Tự nhận mình là người có xuất phát điểm không tốt về mặt vật chất, Thái Dũng tâm sự: “Nhà tôi có hai chị em, bố mẹ ngày trước làm công nhân cao su Sao Vàng. Sau khi về nghỉ mất sức, bố làm ở hợp tác xã, còn mẹ bán hàng ngay đầu ngõ. Mẹ tôi bán nhiều thứ lắm, chè, bún riêu và cả bún ngan. Chị gái hàng ngày đều phải lo bán hàng cùng mẹ, còn tôi bé lắm nên chỉ làm được lặt vặt.
Vì gia đình không có điều kiện nên tôi rất chạnh lòng khi nhìn các bạn nhà giàu. Ngày lễ, Tết mình thường xuyên phải ở nhà trong khi bạn bè được đi đây đi đó. Tôi nhớ ngày đó có đợt rộ lên một loại kem ốc quế có giá khoảng 5.000 đồng.
Nhìn người ta ăn, mình cũng thèm nhưng chẳng thể nào ăn được. Hồi đó, 5.000 đồng đối với gia đình tôi là một số tiền rất lớn nên không thể bỏ ra ăn kem được. Thêm nữa, bản thân tôi lại là một đứa thích ăn ngon nên rất tủi thân.
Tôi cũng chẳng được đi học thêm nhiều như các bạn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ cũng cố gắng để con cái không bị thiệt thòi nhưng tất nhiên cũng chỉ có thể dừng lại ở một mức nào đó thôi.
Năm tôi 13 tuổi, nhà không bán hàng nữa. Bà ngoại mở một tiệm bánh chưng, giò chả ở chợ Hôm và nhà tôi về làm chung với bà ngoại. Lúc đó cuộc sống mới bắt đầu thay đổi một chút. Đó cũng là thời điểm tôi có chiếc xe đạp đầu tiên. Dù chỉ là xe cũ mua lại của cậu nhưng tôi quý lắm, đi đâu cũng giữ khư khư, chỉ sợ mất.
Ngày xưa thấy khổ lắm nhưng giờ tôi lại cảm thấy biết ơn khoảng thời gian đó. Cũng nhờ nó nên tôi có động lực để cố gắng hơn. Đến thời điểm này, tôi vẫn nghĩ mình chưa làm được gì cho bố mẹ”.
Giống một số đồng nghiệp khác, Thái Dũng cũng vấp phải sự phản đối từ bố mẹ khi quyết định dấn thân vào nghề MC. Là những người thuộc thế hệ trước, bố mẹ của anh cho rằng con trai đang theo đuổi một con đường phù phiếm, xa rời thực tế. Cả hai đều mong anh có một công việc nhà nước ổn định, làm công ăn lương với thu nhập 5 - 7 triệu/tháng.
“Ngày xưa tôi học khoa đạo diễn ở Cao đẳng truyền hình. Trong một lần tình cờ, tôi đã có may mắn được bước lên sân khấu trong vai trò một MC. Hôm đó là ngày 20/11, anh MC của trường bị ốm nên chị bí thư Đoàn đã gọi tôi thay thế vị trí của anh ấy. Ban đầu tôi không dám vì chưa có bất cứ kinh nghiệm gì cả nhưng rồi cũng đánh liều.
Dẫn xong, tôi chỉ thấy tàm tạm. Sau đó, chính chị MC dẫn cùng đã đưa tôi đi casting cho một kênh bán hàng truyền hình. Những lần đầu còn cảm thấy bản thân bị gượng gạo nhưng sau đó tôi bắt đầu quen và theo nghề từ đó.
Lúc đầu bố mẹ tôi hoài nghi và hoàn toàn không tin tưởng. Ai cũng nghĩ tôi tuổi trẻ bồng bột, thử cho vui thôi chứ không theo đuổi được đâu, cứ kệ cho thích làm gì thì làm. Đến khi tôi đạt được những thành công nhất định rồi bố mẹ đồng ý.
Là một đứa có xuất phát điểm không tốt nhưng qua xuất phát điểm, tôi thấy rằng mình may mắn vì đã có được một số thứ nhất định. Dù chưa phải là cái tên lớn nhưng tôi vẫn là niềm tự hào của ba mẹ. Thật sự là từ khi vào nghề tôi chưa mất bất kỳ một đồng nào để lo lót và may mắn nhận được sự thương yêu của mọi người” - anh chia sẻ.
Nhiều người nói nghề nghiệp là cái duyên và có lẽ điều đó cũng đúng đối với trường hợp của chàng MC trẻ tuổi. Anh là một người không được đào tạo bài bản nhưng bù lại có chất giọng khá ấm và gương mặt ăn hình. Nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để có thể khẳng định bản thân trong làng MC vốn đã có quá nhiều gương mặt kỳ cựu.
Để trau dồi bản thân, Thái Dũng phải học tiếng Anh, đọc nhiều sách để có vốn từ phong phú, phông văn hóa không bị một màu. Ngoài ra, sự tinh tế và cách xử lý trong mọi tình huống cũng là một trong những điều không thể thiếu đối với một MC chuyên nghiệp.
Ý thức được những gì bản thân phải làm nhưng đôi khi, Thái Dũng cũng rơi vào những hoàn cảnh khiến anh cảm thấy bối rối: “Tôi cũng đã từng sai, thậm chí có những lỗi mà bản thân nghĩ lại vẫn cảm thấy rất dằn vặt. Trong một gameshow dành cho các em thiếu nhi nhân ngày 1/6, trong phần giao lưu trao phần thưởng, tôi đã có một cuộc nói chuyện ngắn với một cậu bé.
Khi tôi hỏi em đến đây cùng ai, cậu bé đã trả lời một mình. Dù rất bất ngờ, tôi vẫn hỏi tiếp về lý do đi một mình thì cậu bé cúi gầm đầu im lặng, sau đó em lí nhí trả lời: “Em là đứa trẻ mồ côi”. Lúc đó tôi đã bị “đứng hình” vì sự vô tình của bản thân đã tiết lộ góc khuất không may mắn của một đứa trẻ.
Ngay lúc đó, tôi chỉ biết ôm cậu bé vào lòng và nói: “Chú rất xin lỗi con nhưng dù sao hôm nay, con vẫn là người rất may mắn. Chú hy vọng con sẽ luôn là người tốt và trở thành người có ích”. Tình huống khó xử cuối cùng cũng được giải quyết bằng câu nói đó nhưng hơn ai hết, tôi hiểu rằng đó chỉ là một cách xử lý để lấp liếm sự vô tình của bản thân thôi.
Quả thực, một MC nên hạn chế tối đa sai sót thế nhưng, nói MC là không được sai thì điều đó là không chính xác. Họ cũng chỉ là con người mà thôi. Nhiều MC hay người đẹp đi làm MC, có thể trong đêm dẫn, họ bị phạm lỗi một chút thôi nhưng hôm sau lại được lên báo với biệt danh rất kêu như “thảm họa MC” rồi bị nhận rất nhiều phản hồi dè bỉu, tiêu cực.
Dưới góc độ là một người trong nghề, tôi cảm thấy xót xa cho đồng nghiệp. Bất kỳ ai cũng phải có một quá trình cống hiến và phấn đấu mới có được một vị trí như thế, mới được đứng trên sân khấu lớn như thế mà chỉ vì lỗi nhỏ thôi lại bị mang cái mác đó thì tôi thấy không đáng.
Nếu nói nghề này có vất vả chông gai không thì tôi khẳng định là có. Bạn hay, bạn đẹp nhưng bạn không phải là duy nhất. Phải là như thế nào để người ta nghĩ đến mình đó là câu chuyện khác. Tính đến nay tôi làm nghề được hơn 2 năm rồi nhưng tôi nghĩ mình vừa qua vạch xuất phát thôi” - Thái Dũng khẳng định.
Ngoài ra, khi đề cập đến việc MC đi dẫn đám cưới, anh cũng tỏ ra rất cởi mở: “Nhiều người nói rằng MC nổi tiếng thì không được dẫn đám cưới nhưng những người bạn đồng nghiệp của tôi vẫn dẫn đám cưới rất nhiều. Sân khấu nào cũng vậy thôi, quan trọng là mình phải nhận được sự tôn trọng từ khán giả. Thêm vào đó, những sô đám cưới cũng mang lại cho mình không ít kinh nghiệm. Thế nên ai hỏi tôi cũng không hề ngại.
Chung quy lại, bất kỳ ai cũng làm việc vì tiền, được trả cát-xê cao thì chẳng có lý do gì để từ chối. Chỉ cần mình nghĩ rằng, khi đi làm, dù là ở đâu, người MC cũng làm với tâm thế một người hoạt động nghệ thuật, ăn cơm của tổ nghiệp. Người ta gọi thì mình làm và mình cảm thấy bản thân xứng đáng với khoản thù lao ấy là được”.