Thủ đô New Delhi của Ấn Độ mùa này đang hứng chịu cái lạnh thấu xương. Khi nhiệt độ giảm sâu, vợ chồng anh Alam Ansari chỉ biết ôm hai con gái sinh đôi và sinh non vào lòng để sưởi ấm giữa chiếc lều lèn chặt người, được dựng ngay bên ngoài một bệnh viện hàng đầu của thủ đô.
Gia đình anh Ansari không phải trường hợp duy nhất. Mỗi ngày, khoảng 8.000 người từ khắp Ấn Độ đổ về xếp hàng ở khoa ngoại trú đợi nhận điều trị. Chủ yếu xuất thân từ tầng lớp thu nhập thấp, họ phải ngủ trong lều hoặc ngay trên nền đất khi đêm xuống, theo Guardian.
Vợ chồng anh Alam Ansari và hai con gái 3 tháng tuổi, bị bệnh về mắt, ở trong một căn lều tạm ngoài bệnh viện tại thủ đô New Delhi. Ảnh: Amrit Dhillon. |
Ansari bế một trong hai con gái mới 3 tháng tuổi trên tay. Cả hai bé sơ sinh đều có vấn đề về mắt. Gia đình anh đưa con tới Viện Khoa học Y tế Ấn Độ (AIIMS) sau khi các bác sĩ ở bang Bihar, miền Đông Ấn Độ, không thể điều trị được căn bệnh.
Chuyến tàu từ ngôi làng hẻo lánh tới thủ đô của Ấn Độ kéo dài hai ngày. Là một công nhân xây dựng, anh Ansari phải vay 40.000 rupee (khoảng 570 USD) để trang trải. "Sau khi ở đây khoảng 2 tháng, chúng tôi chỉ còn có 5.000 rupee. Mỗi ngày chúng tôi được bác sĩ này gửi qua bác sĩ khác, từ chỗ này đến chỗ nọ. Tôi không biết phải làm gì khi tiền đang cạn dần mà tôi vẫn phải chữa bệnh cho hai con gái", anh nói với Guardian.
Giữa hoàn cảnh khó khăn túng quẫn, hai con gái sinh đôi của Ansari còn chưa được đặt tên.
Quá tốn kém và mệt mỏi
AIIMS có chỗ ở cho bệnh nhân ngoài thị trấn, nhưng nơi này đã chật cứng. Ansari và gia đình vẫn may mắn khi tìm được chỗ trong chiếc lều tạm dựng bên ngoài bệnh viện. Chính phủ Ấn Độ bắt đầu tài trợ cho những chiếc lều này từ đầu mùa đông để giúp bệnh nhân có chỗ nghỉ trong khi chờ đến lượt khám, điều trị hay nhận kết quả xét nghiệm.
Bên trong lều là hơn 100 con người quấn chăn sặc sỡ quanh mình, chen chúc trong bóng tối. Họ thường phải nằm hai người một giường. Nhiều người bệnh nặng và rất yếu, phải ở trong lều hoặc thậm chí ngay trên vỉa hè ngoài bệnh viện trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
Hàng triệu người Ấn Độ cho rằng các bệnh viện ở địa phương không thể giúp được gì khi người dân bị bệnh nặng, khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tới thủ đô New Delhi. AIIMS hiện hoạt động ở 7 tiểu bang khác nhau, nhưng các bác sĩ ở địa phương thường thiếu chuyên môn. Bệnh nhân gần như luôn được gửi tới thủ đô.
Bệnh nhân Ấn Độ xếp hàng dài ngoài khu lều tạm do chính phủ cung cấp ở New Delhi. Ảnh: Amrit Dhillon. |
AIIMS cung cấp miễn phí dịch vụ tư vấn miễn phí và một số xét nghiệm, dù người dân vẫn phải trả tiền thuốc. Thông thường, bệnh nhân đến điều trị không đủ khả năng thuê phòng ở. Việc phải di chuyển tới thủ đô, sau đó chờ đợi đến lượt khám là quá tốn kém và mệt mỏi. Vì vậy, họ ở lại, ăn, ngủ và sống trên vỉa hè, dưới tán cây hay gầm cầu vượt, trong ga tàu điện ngầm, nhà chờ xe buýt và thậm chí là trong nhà vệ sinh công cộng.
Trên một chiếc giường trong căn lều tạm là một người mẹ với con trai. Mặc dù trông cậu bé chỉ khoảng 7 tuổi, người mẹ cho biết con trai đã 18 tuổi và có vấn đề về tăng trưởng. Bên cạnh cô là hai vợ chồng với người con gái có vấn đề về tâm thần.
Bên ngoài lều, bà Shalini cùng chồng bị liệt đã ở trên vỉa hè được 6 tháng. Bà tự tạo ra "một căn phòng" dưới gầm cầu với chỗ để quần áo, đồ đạc cùng nồi niêu xoong chảo.
Cô Atul Sethi lại ở đây với cha mình. "Thận của ông ấy hỏng rồi", Sethi nói và chỉ vào người đàn ông hốc hác nằm trên mặt đất, trùm chăn trắng kín từ đầu đến chân. "Ông ấy không chịu nổi nữa. Chúng tôi đến từ Madhya Pradesh bốn ngày trước và vẫn đang chờ gặp bác sĩ", cô nói thêm.
"Không thấy hồi kết"
Anh Chandi Devi đã phải ngủ ở ga tàu điện ngầm suốt 3 tuần liền trước khi tìm được chỗ trống trong một chiếc lều tạm. Với vẻ mệt mỏi và chán nản, anh nói: "Cha tôi cần thay cả hai khớp gối. Ông ấy không thể đi lại được. Tôi phải nhờ mọi người giúp để đưa ông ấy vào nhà vệ sinh". Anh Devi đã để lại ba đứa con nhỏ ở nhà để đưa cha tới AIIMS. Để chống chịu cái lạnh, anh chỉ có duy nhất chiếc chăn ni lon không đủ giữ ấm.
Những bệnh nhân như cha anh Devi được các tổ chức phi chính phủ cung cấp suất ăn nóng. Họ sử dụng nhà vệ sinh công cộng và mua nước đóng chai. Quần áo giặt được phơi trên lan can sắt dọc theo con đường tấp nập bên ngoài bệnh viện.
Nhiều người trong số họ chọn gầm cầu làm nơi ở tạm. Những người may mắn hơn có thể được nằm giường trong các khu nghỉ tạm do các tổ chức từ thiện và tôn giáo tài trợ. Tuy nhiên số lượng cầu vượt xa cung.
"Ngày này đến gặp bác sĩ này, ngày khác lại đến gặp bác sĩ khác. Thật không thấy hồi kết. Đã được một tháng, thậm chí họ còn chưa bắt đầu điều trị và nói rằng không còn giường trống nào", anh Devi nói.
Cô bé 3 tuổi Neelu bị ung thư máu phải ở trên vỉa hè cùng mẹ trong nhiều ngày để đợi được thăm khám. Ảnh: Amrit Dhillon. |
Ở gần đó, cô bé 3 tuổi Neelu đến từ ngôi làng hẻo lánh ở Jharkhand đang chơi đùa trên vỉa hè, cạnh khu lều của chính phủ. Mẹ cô bé, bà Chunni Birhor, dựng một chiếc giường ngay trên đường làm chỗ ở cho hai mẹ con.
"Tôi không thể ngủ được khi bên cạnh có quá nhiều người. Căn lều tạm khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, vì vậy tôi thích ở trên đường với con gái mình hơn", bà Birhor nói.
Neelu mỉm cười và nhặt rác xung quanh chỗ ở. Cô bé trông có vẻ khỏe mạnh, tuy nhiên bà Birhor cho biết con gái mình bị ung thư máu và cần phải được điều trị ngay khi bệnh viện có giường trống. Hôm nay là một ngày tốt lành bởi thông thường, Neelu thậm chí còn không muốn ngồi dậy.
Neelu là một trong số rất nhiều trẻ em bị ung thư đang phải chờ đợi bên ngoài AIIMS. Hai mẹ con bà Birhor đã ở trên vỉa hè được hai tuần. Cha Neelu, một thợ xây, đã đến hiệu thuốc để mua thuốc cho con gái. "Chúng tôi đang tiêu tiền mà không có nguồn thu nhập nào. Mỗi ngày trôi qua là tiền lương lại mất đi", bà Birhor nói.
Đến 18h tối, nhiệt độ bắt đầu xuống thấp. Đây cũng là giờ cao điểm khi con đường bên ngoài bệnh viện đông đúc và ồn ào xe cộ qua lại. Chất ô nhiễm nặng mùi và làm cay mắt đặc quánh trong không khí.
Ở trong lều, một trong hai cô con gái 3 tháng tuổi của anh Ansari bắt đầu khóc. Vợ anh bế con và cho con bú. Giờ đây, sau hai tháng sống trong lều tạm giữa cái lạnh thấu xương để cố gắng cứu sống hai đứa con, anh Ansari vẫn tỏ ra bối rối trước hoàn cảnh của mình. "Tôi nghĩ rằng với tư cách một bệnh viện hàng đầu, AIIMS đáng ra có thể dàn xếp được" tình hình bằng cách nào đó, anh nói với Guardian.
Rồi Ansari bỏ đi, cảm thấy dù nói thêm bất cứ điều gì cũng đều vô ích.