Hơn 10 năm nay, ông Giàng A Páo và bà Vàng Thị Sua (cùng xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là người vô gia cư tại thị trấn Sa Pa.
Ban ngày, ông Páo chống gậy, bà Sua đeo gùi đi lang thang, nhặt rác và xin ăn quanh thị trấn. Tối đến, ông bà ngủ tạm dưới mái hiên của trạm cân, nhà dân hay trên sofa bỏ đi nơi góc chợ.
Cặp tình nhân già
Dù cuộc sống mưu sinh khó khăn, sức khỏe suy kiệt vì tuổi già, ông bà vẫn luôn quấn quýt, chăm sóc và dành cho nhau những cử chỉ yêu thương.
Đôi tình nhân già thường dành cho nhau những cử chỉ âu yếm. Ảnh: Fanpage Tây Bắc 24h. |
Trước đây, ông Páo từng có vợ và nhà cửa ở thôn Má Tra, xã Sa Pả. Hai người có với nhau một người con gái bị tàn tật, mất khi còn nhỏ.
15 năm trước, vợ ông Páo mất. Buồn khổ, ông bỏ lên thị trấn Sa Pa kiếm sống. Tại đây, ông gặp bà Sua rồi hai người gá lại với nhau.
Theo bà Sua, ông Páo năm nay gần 100 tuổi, còn bà 80. Trước đây, hai người cũng có nhà cửa và ruộng ở xã Sa Pa.
Nhưng vì già cả, không cày cuốc được, lại không có con cái chăm lo nên ông bà bán ruộng đất, nhà cửa lên thị trấn Sa Pa nhặt rác, xin ăn. Hai người bên nhau đã hơn 10 năm.
Tuy không nói sõi tiếng Kinh, bà Sua nhiệt tình chia sẻ về hoàn cảnh của mình, bà nói: “Chúng tôi không có nhà cửa, con cái nên phải lang thang, ngủ đường ngủ chợ, ai cho gì ăn nấy, tối bạ đâu ngủ đấy. Nhặt rác cả ngày cũng không kiếm đủ một bữa ăn, khổ lắm!”.
Bà Sua nhiệt tình chia sẻ về cuộc sống của bà và ông Páo. Ảnh: Hoàng Như. |
Cuối đời lang thang
Tài sản của đôi tình nhân già chỉ vỏn vẹn có chiếc gùi mây đựng thức ăn, một ít đồ sinh hoạt cơ bản và một bao tải đựng đồ đồng nát mà cả ngày nhặt được. Gia tài chỉ có vậy, nên đi đến đâu, ông bà cũng mang theo.
Sức khỏe ông Páo đã yếu, không thể làm việc nặng. Nên mọi việc từ nhặt rác, xin ăn đến mang vác các vật dụng đều do bà Sua đảm nhiệm.
Cũng vì vậy mà bà thường xuyên bị đau lưng. Không có thuốc chữa, nhiều lúc bà không thể ngồi được. Cứ đi được một đoạn, ông bà lại phải ngồi nghỉ vì mệt, hai người thay phiên xoa bóp cho nhau.
Thấy ông bà tuổi đã cao lại lang thang trong giá rét, nhiều du khách dừng lại hỏi han và biếu tiền, quà. Những nhà hàng trong thị trấn thường để dành thức ăn giúp ông bà không bị đói.
Nhiều vật dụng cá nhân của ông bà, từ đôi giày thể thao đến chiếc ô che mưa, nắng đều nhặt từ thùng rác. Ông bà không có áo ấm để mặc, không có chăn để đắp nên mùa mùa đông là mùa khiến cặp tình nhân già sợ nhất.
Được khách du lịch tặng bao thuốc lá, ông Páo vui vẻ hút. Ảnh: Hoàng Như. |
Người dân trong thị trấn Sa Pa đều biết về hoàn cảnh của ông Pá, bà Sua. Họ lo sợ ông bà không chống chọi được sự khắc nghiệt của mùa đông sắp tới.
Đại diện Đội quy tắc thị trấn Sa Pa cho biết: “Ông Páo, bà Sua lang thang trong thị trấn đã hơn 10 năm. Nhiều người muốn đưa ông bà vào các cơ sở nuôi dưỡng người già hay trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, các trung tâm này đều đặt trụ sở tại TP Lào Cai, khá xa thị trấn nên việc chuyển ông bà về đấy rất khó khăn”.
Anh Nguyễn Hồng Sơn (43 tuổi), làm nghề xe ôm tại trung tâm thị trấn Sa Pa bày tỏ: “Vợ chồng ông bà từ nơi khác đến xin ăn. Họ thường ngủ ở trạm cân hay dưới mái hiên trụ sở các cơ quan trong thị trấn. Giờ ông bà ấy đã già lắm rồi, tôi sợ họ không qua được mùa đông năm nay”.
Ông Má A Chờ - Trưởng thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa - cho biết ông Giàng A Páo là người trong thôn. Ông từng có vợ và con gái nhưng cả hai đều mất sớm.
“15 năm trước, sau khi vợ mất, ông Páo để lại nhà cửa cho người cháu họ rồi bỏ lên thị trấn Sa Pa xin ăn. Còn bà Vàng Thị Sua là người cùng xã nhưng ở thôn khác nên tôi không nắm được gia cảnh.
Tôi chỉ biết ông bà hiện sống với nhau như vợ chồng, cùng đi lang thang kiếm sống ở thị trấn Sa Pa, chẳng mấy khi về nhà”, ông Chờ chia sẻ.