Sau khi cơ quan chức năng hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường, ngày 21/3, người dân sống gần vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) đã có thể về nhà cũng như cửa hàng kinh doanh của mình để kiểm tra thiệt hại tài sản và dọn dẹp đống đổ nát. Tuy nhiên, nhiều người chưa dám về vì sợ tường và trần có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Di dời tài sản ra khỏi nhà
Sau 2 ngày mệt mỏi chăm sóc người thân ở bệnh viện, ông Lê Trịnh (63 tuổi), quản lý một đại lý kinh doanh đã trở về nhà để dọn dẹp đống đổ nát do vụ nổ để lại.
Người đàn ông này cho biết, đúng hôm xảy ra vụ nổ, ông có việc về quê nên may mắn thoát nạn.
Theo ông Trịnh, vợ chồng con gái ông mới thuê ngôi nhà 14 TT9 cuối năm 2015 với giá 10 triệu đồng để kinh doanh. "Lúc xảy ra vụ nổ, 8 đứa cháu quản lý việc buôn bán kinh doanh. Trong số này, 3 đứa cháu gái ngồi ngoài bị thương nặng vì điểm phát nổ ngay cạnh đó. Các cháu trai thì bị thương nhẹ hơn", ông Trịnh nói.
Người dân chuyển tài sản ra khỏi nhà sau vụ nổ. Ảnh: Thắng Quang. |
Không chỉ bị thương về người, hàng hóa trong ngôi nhà 14 TT9 cũng bị phá hủy. Tường phía ngoài hỏng hoàn toàn, 8 xe máy để ở vỉa hè cũng bị thiêu rụi.
"Tôi quay về đây để kiểm tra tài sản và dọn dẹp đồ đưa đi nơi khác vì lo sợ tường và trần có thể bị sập bất cứ lúc nào", ông Trịnh chia sẻ và cho biết thống kê sơ bộ cửa hàng của gia đình bị thiệt hại khoảng một tỷ đồng.
Ông tâm sự, thương nhất vẫn là những người thiệt mạng. "Chúng tôi mất của thì xót, nhưng còn có cơ hội làm lại. Giờ chỉ mong Nhà nước hỗ trợ được phần nào thì tốt...", ông Trịnh ngậm ngùi.
Cửa cuốn, khung sắt của người dân bị hư hỏng phải vứt bỏ. Ảnh: Thắng Quang. |
Đi du lịch về thấy nhà tan hoang
Nhắc đến sự việc, bà Nguyễn Thị Thái (53 tuổi) chủ nhà 12 T99 kể, đúng thời điểm xảy ra vụ nổ, gia đình bà đi du lịch. Chiều 20/3, khi trở về, bà Thái cùng người thân thấy nhà cửa của mình tan hoang như bãi chiến trường.
"Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với ngôi nhà của mình nữa. Tôi mở một công ty tại gia, bao nhiều đồ đạc trong nhà hư hỏng hết sạch. Cửa cuốn, kính, tường bị phá tung", bà Thái nói.
Người phụ nữ 53 tuổi cho rằng gia đình bà may mắn nên thoát khỏi vụ nổ chấn động này. Do còn lo sợ, bà đang phải cho con cái ở tạm nhà em gái.
"Thiệt hại nhà tôi tạm tính khoảng 500 triệu đồng. Giờ muốn ở được còn phải thuê thợ làm lại tường. Thôi của đi thay người", bà Thái chép miệng khi nói.
Ở cách vụ nổ không xa, chiều 21/3, ông Nguyễn Hồng Thuần cùng vợ là Đỗ Thị Phú vẫn lầm lũi dọn từng viên gạch, xúc từng bao tải vữa khô rơi vãi trong nhà. Ngôi nhà của họ cũng bị hư hỏng nặng nề.
Ông Thuần cho hay, nhà chỉ có 2 vợ chồng, cứ cuối tuần đi đến con cháu chơi nên không bị nạn. "Chuyện đã rồi, biết sao được. Mai tôi sẽ thuê thợ về ở tạm rồi tính sau", ông Thuần thở dài.
Theo ghi nhận của phóng viên, hai ngày sau vụ nổ, nhiều chủ nhà và người thuê nhà để kinh doanh đã quay lại hiện trường nhưng vẫn chưa yên tâm vào nhà. Họ lo sợ sau vụ nổ, nhà có thể bị sập bất cứ khi nào.
Một cán bộ công an vẫn túc trực để bảo vệ tài sản cho người dân.
Theo tài liệu Công an Hà Nội công bố ngày 20/3, anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thuê nhà số 15 TT 19, khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu gom phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ.
Hàng ngày, chủ cơ sở mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.
Sáng 19/3, anh Cường nhờ người hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, khối lượng ước khoảng trên 100 kg.
Quá trình người này cắt phá khối kim loại bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 10 bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.