Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Cuộc sống của tôi rất khổ từ khi lấy chồng'

"Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi bị anh nắm tóc đập đầu vào giường trong phòng ngủ của hai đứa. Lúc đó tôi choáng váng và sa sẩm hết mặt mày. Anh hay ghen và tin lời người khác".

"Tôi có nói với mọi người là tôi bị anh đánh nhưng không ai tin tôi, mọi người bảo tôi nói đùa. Người ta bảo anh ấy không nhìn được thì sao đánh được. Chính vì thế tôi không nói cho ai biết nữa".

Đây là mở đầu câu chuyện của một trong những phụ nữ tham gia vào cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Cô gái, sinh năm 1987 và bị khuyết tật vận động ở chân, chung sống không kết hôn với một người đàn ông khiếm thị.

Không ai tin cô bị đánh, vì chồng cô không thể nhìn thấy. Thế là cô im lặng. Chồng đánh cô rồi lại xin lỗi. Nên cô cũng im lặng. Câu chuyện của cô là điển hình cho rất nhiều phụ nữ bị bạo hành.

Zing trích đăng lại năm trong số những câu chuyện này. Số liệu và kết luận nghiên cứu ở cuối bài được trích từ báo cáo điều tra.

Cuộc điều tra được thực hiện bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT).

Đối với tôi, niềm vui là được giúp đỡ người khác. Những trải nghiệm mà tôi đã trải qua trong cuộc đời đã giúp tôi thấu hiểu và chia sẻ với những hoàn cảnh khác nhau của những người phụ nữ xung quanh mình, với hy vọng giúp họ hàn gắn hạnh phúc gia đình sau những xô xát, đổ vỡ hay tìm kiếm hạnh phúc mới.

Tôi lấy chồng năm 21 tuổi. Khi tôi vừa mới có bầu được 2 tháng, còn đang nghén thì đã bị chồng đánh, ghê gớm lắm! Tôi quyết định ly dị.

Sau khi đứa đầu tiên được 1 tuổi thì ông ấy quay về và hứa hẹn sẽ bỏ đi những thói hư tật xấu. Tôi mủi lòng và chấp nhận. Tôi đăng ký kết hôn lại. Nhưng kể từ đó là những chuỗi ngày đau khổ hơn.

Trên thân thể của tôi bây giờ, toàn là vết tích do chồng gây ra. Mặt mày từ trước tới nay trông y như cái bản đồ. Đầu bị ông ấy đập. Lưng bị ông ấy phang. Tay chân bị chém, gãy tùm lum, đứt lòi cái gân chân phải đi khâu, vá.

Cái đơn ly hôn sau khi sinh đứa thứ 2 vẫn ở trong hòm. Tôi đã không gửi. Tôi nghĩ chồng có thể thay đổi. Nhưng tôi đã sai. 26 năm, tôi dành cả tuổi thanh xuân cho chồng, cho con. Đổi lại là những trận đòn, những vết tích chằng chịt trên cơ thể. Đánh rồi năn nỉ. Năn nỉ xong lại đánh. Biên bản, bản kiểm điểm cứ dày lên theo từng vết tích trên thân thể.

Cách đây 3 năm, tôi quyết định ly thân để giải thoát cho mình. Nhưng hàng tháng vẫn gửi tiền cho ông ấy để sinh hoạt hàng ngày.

Hiện tôi tham gia các hoạt động xã hội và là thành viên của tổ hoà giải phường. Tôi mong muốn làm sao tất cả mọi người đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc và mong không phụ nữ nào phải đau khổ như tôi trước đây.

Nữ, sinh năm 1970. Học vấn 12/12. Cán bộ hội phụ nữ, cán bộ dân số. Đã từng làm trưởng thôn.

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

bao luc voi phu nu anh 1

Tôi đã cố nín nhịn để cho gia đình được yên ấm nhưng ông xã cứ làm tới. Ông ấy muốn tôi phải nghe lời và làm tất cả những gì ông muốn. Chẳng hạn như con mèo đi ngang qua, ông bảo là con chuột tôi cũng phải nghe. Cứ như thế đến lúc tôi không thể nín nhịn nữa.

Ông ấy không cho tôi làm cái gì. Ông ấy sợ tôi làm ra tiền thì khinh ông ấy. Nhưng tôi đâu có tính đó. Tôi chỉ muốn đi làm để có thu nhập, có thể lo toan cho con cái và gia đình. Ông ấy đi biển ngày có 200.000 - 300.000 đồng thì sao đủ. Ông kiếm cớ gây lộn và đánh tôi. Một lần, hai lần rồi nhiều lần.

Tôi không nín nhịn và chịu đựng được. Tôi mang con về ngoại.

Mẹ con tôi bươn chải, làm thuê, làm mướn. Rồi vay mượn, mở quán bán hàng. Công việc vất vả sớm tối nhưng có thu nhập. Bốn mẹ con cũng tạm đủ sống. Mấy năm sau, ông ấy cũng theo về ở cùng. Ông ấy cũng có thay đổi. Ông ấy đi làm có tiền thì đưa cho tôi để lo cho gia đình.

Sung sướng một chút ai dè được một thời gian thì ông ấy lại kiếm cớ gây lộn, cãi cọ. Ông ấy ghen ngược. Ông ấy ghen với những khách hàng rồi bắt tôi nghỉ bán hàng.

Tôi đã không nín nhịn. Tôi cự lại.

Tôi báo với công an xã về tình hình của tôi. Tôi lấy số điện thoại của họ. Mỗi lần ông ấy kiếm cớ thì tôi nói lý lẽ phải trái với ông ấy. Có lần ông ấy nghe. Những lần ông ấy không chịu nghe mà làm quá thì tôi bỏ đi chỗ khác. Khi nào ông ấy bình tĩnh lại thì chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau. Lần nào thấy ông ấy định đánh là tôi nói báo công an, tôi có số điện thoại đây rồi và tôi sẽ la lên cho hàng xóm biết. Thế nên ông ấy khựng lại không dám đánh tôi nữa. Ông ấy cũng sợ tai tiếng với chính quyền, hàng xóm. Dần dần, ông ấy cũng bớt đi. Giờ thì 10 phần thì ông ấy cũng đỡ được 5-6 phần.

Nữ, sinh năm 1982, buôn bán nhỏ.

Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).
bao luc voi phu nu anh 2

Tôi bị hỏng chân do tai nạn lúc 5 tuổi. Anh ấy là người khiếm thị. Tôi thương anh ấy vì bố mẹ anh ấy đã qua đời. Tôi bảo với anh nếu mà anh yêu thương em thì em có đôi mắt, chúng ta có thể tựa vào nhau cùng làm ăn. Và chúng tôi ở với nhau, không đám cưới, không kết hôn.

Chúng tôi ở với nhau được gần 3 năm.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi bị anh nắm tóc đập đầu vào giường trong phòng ngủ của hai đứa. Lúc đó tôi choáng váng và sa sẩm hết mặt mày. Anh hay ghen lung tung và tin lời người khác. Mỗi lần như vậy, tôi lại bị đánh. Anh còn nói: “Nếu mày càng nói nhiều thì tao càng đánh”. Từ lúc đó, anh đổi cách xưng hô từ vợ chồng sang mày tao.

Tôi có nói với mọi người là tôi bị anh đánh nhưng không ai tin tôi, mọi người bảo tôi nói đùa. Người ta bảo anh ấy không nhìn được thì sao đánh được. Chính vì thế tôi không nói cho ai biết nữa.

Đôi mắt anh ấy không nhìn được nhưng tay chân anh ấy vẫn khoẻ mạnh bình thường. Đôi chân tôi không được may mắn khoẻ khoắn như người khác nên không tránh được. Cứ lần nào đánh xong thì anh ấy lại xin lỗi. Tôi lại bỏ qua. Kiểu như là giận mà thương ý. Tôi hy vọng anh ấy sẽ thức tỉnh và thay đổi. Nhưng tôi bị đánh nhiều lần quá nên quyết định buông tay.

Tôi về nhà ở với bố mẹ. Tôi tham gia vào Hội người khuyết tật của địa phương và tham dự đều đặn các buổi sinh hoạt của Hội. Tôi đã hiểu biết hơn về pháp luật bảo vệ những người như tôi nói riêng và phụ nữ nói chung không bị bạo lực.

Nghĩ lại lúc đó thấy mình dại quá. Nếu là bây giờ, tôi sẽ không im lặng. Tôi sẽ nói cho mọi người biết. Tôi nghĩ tất cả mọi người, kể cả người khuyết tật đều được pháp luật bảo vệ.

Nữ, sinh năm 1987, khuyết tật vận động.

Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.

bao luc voi phu nu anh 3

“Mày đi làm đĩ ở đâu?”, 10 năm đó tôi đã nín nhịn những câu chửi mắng của chồng. Nhưng tôi đã oà khóc khi đứa con trai 5 tuổi của tôi hỏi rằng “Bố bảo mẹ đi làm đĩ, vậy làm đĩ là gì hả mẹ?”.

30 năm trước, ai cũng bảo cuộc hôn nhân của chúng tôi lãng mạn và đẹp đôi. Anh là cử nhân văn khoa học giỏi, đẹp trai, tôi là một cử nhân luật khoa. Tôi đã vượt qua sự phản đối của bố mẹ vì sợ mất con gái để theo anh về một tỉnh miền Nam.

Khác biệt mà tôi nhận thấy ở gia đình anh là sự trọng nam khinh nữ. Có lần, tôi góp ý thì anh hằm hằm quát tôi là Ai cho cô dạy đời, ở nhà này cô không có quyền gì cả”.

Khi con gần hai tuổi, tôi xin đi làm ở một công ty xây dựng cũng gần nhà. Anh không đồng ý, Cô ở nhà chăm con và lo chuyện nhà cửa là được rồi”. Tôi vẫn quyết đi làm và anh vô cùng tức giận. Công việc bận rộn, tôi cố chu đáo việc nhà, còn anh chỉ cà phê, la cà tối ngày. Lần đó, không bao giờ tôi quên, tôi nhờ anh trông con một buổi chiều để đi làm, anh hằm hằm nói “Tao nói mày nghỉ ở nhà cho tao nghe, mày không có được đi làm, rồi lấy xe Honda của tôi đi uống cà phê. Tôi vội tìm chỗ gửi con và đi xe ôm đến cơ quan, khi đang làm việc thì đồng nghiệp gọi tôi ra nghe điện thoại. Tôi vừa đưa điện thoại lên thì Mày đi làm đĩ ở đâu? Tao đã cấm, sao mày vẫn đi làm, mày mà không về, tao ra cơ quan mày tao quậy liền”. Tôi choáng váng, lần đầu tiên bị sỉ nhục như vậy.

Về đến nhà, thấy tôi anh lao vào đánh đấm và xé quần áo. Trời ạ! tôi tối tăm mắt mũi và như thấy trời đất sụp đổ. Rồi từ đó, mỗi lần tôi đi công tác hay bận rộn ở cơ quan, anh đều kêu về và thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Đau nhất là anh nhục mạ, đánh tôi trước mặt con nữa, tội thằng bé nó ngồi thu lu ở góc nhà, tay bịt lấy tai và nhắm nghiền mắt lại.

Rồi một lần thằng bé bảo tôi “Hôm qua ba nói với con là mẹ mày đi làm đĩ đó, vậy làm đĩ là gì hả mẹ?”. Tôi đứng lặng, nước mắt cứ thế trào ra.

Cuộc sống của tôi kéo dài 10 năm như vậy, cũng vì phụ nữ mình sợ buông ra thì con mình không có cha. Nhưng rồi, chính thằng bé khi đó 12 tuổi đã nói với tôi rằng “mẹ ly dị ba đi”. Lời nói đó giúp tôi có nghị lực và đi đến quyết định chia tay để tôi và con trai tôi không bị tổn thương thêm nữa.

Tôi hối tiếc đã không đủ mạnh mẽ, can đảm để phản kháng, để thay đổi, hoặc dứt khoát chia tay anh, điều đó cũng đã tác động nhiều đến tuổi thơ của con trai tôi. Thằng bé, giờ đã trên 20 tuổi, nói với tôi rằng “Con sẽ không bao giờ trở thành con người như ba con”.

Nữ, sinh năm 1966, cử nhân luật, đã ly hôn, một con trai.

Bạo lực là hành vi có tính tiếp thu. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực do chồng gây ra thì nhiều khả năng mẹ của người chồng đã từng bị đánh hoặc bản thân người chồng đã bị đánh đập khi còn nhỏ.

bao luc voi phu nu anh 4


Cuộc sống của tôi rất khổ từ khi lấy chồng. Tôi và chồng mình đều là dân lao động, không học hành gì cả. Chúng tôi thương nhau rồi về ở với nhau. Thời gian đầu, ông ấy cũng hiền lành, chân chất lắm. Cả nhà vào sống trong núi đốn củi, đốt than, sau thấy vất vả quá nên chuyển qua mua thuyền thúng đi câu. Hai vợ chồng có với nhau 5 đứa con, bây giờ chúng lớn cả rồi.

Được mấy năm, ông theo bạn bè uống rồi nghiện rượu, không làm ăn gì nữa. Mười mấy năm, ông không đưa tiền một ngày nào để mua sắm, chi tiêu trong gia đình. Rồi ông ấy sinh tật, cứ rượu vào là chửi vợ con, trái mắt, không vừa ý là đánh. Tôi bị ông ấy đánh nhiều lần thừa sống thiếu chết. Lần thì ấm nước đang sôi trên bếp, ông cầm quăng về phía tôi, nước sôi dội từ trên cổ trở xuống, hàng xóm phải chạy sang đưa đi cấp cứu trên bệnh viện tỉnh. Lần thì, đang bế con, ông ấy tới đá từ phía sau, gẫy khuỷu tay. Lần nữa, ông đuổi đánh tôi, tôi chạy vấp khúc cây té ngã, gãy xương đùi phải bó bột và nằm bất động một chỗ cả mấy tháng. Thế mà ông ấy vẫn không tha, rượu say về là chửi rồi đánh, tôi nằm một chỗ thì chạy làm sao được, đến mức hàng xóm phải giúp đưa tôi về bên ngoại.

Ông ấy cứ say rượu là chửi nên tôi sợ lắm. Ông ấy còn đập hết đồ đạc trong nhà nên chẳng có gì mà dùng. Đến cái mái nhà tranh, ông không thích là cầm gậy đâm cho thủng mái, giật sập cả một góc nhà.

Nhiều lần, tôi cũng báo cáo lên chính quyền, công an hay hội phụ nữ nhưng chẳng ăn thua. Họ đến nói thì ông hứa không vi phạm nữa, nhưng họ vừa đi khỏi thì đâu lại vào đấy. Tôi chán quá, viết đơn ly hôn nhưng ông ấy không ký, thế là đành chịu. Bây giờ tôi mới biết Toà vẫn xử ly hôn đơn phương cho người vợ ngay cả khi chồng không ký, nhưng lúc đó thì tôi không biết.

Tôi cứ nghĩ “Một điều nhịn là chín điều lành” nhưng không thể nhịn được nữa. Hàng xóm nói nói “Đừng nhịn nữa” khi chứng kiến tôi bị chồng đánh nhiều lần. Sau nhiều lần nhẫn nhục thì tôi không chịu được nữa, cứ đánh tôi thì tôi lại đánh lại nên bây giờ chỉ còn dám chửi bới, chứ không dám đánh tôi nữa.

Nữ, 53 tuổi, nông dân.

Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
bao luc voi phu nu anh 5

UNFPA

Minh họa: Nguyên Anh

Bạn có thể quan tâm