Mark là sinh viên năm thứ 2 tại học viện công nghệ MIT (Massachusetts, Mỹ) khi cậu bắt đầu đào tiền mã hóa một cách tình cờ.
Tháng 11/2016, cậu phát hiện ra NiceHash, chợ online cho những cá nhân đào tiền mã hóa. Chiếc máy tính có card đồ họa của cậu đủ để “khởi nghiệp”. Nghĩ rằng mình có thể kiếm được chút ít tiền, Mark (yêu cầu giấu họ) download phần mềm đào coin và bắt đầu đào cho những người mua ngẫu nhiên để đổi lấy Bitcoin.
Sau vài tuần, cậu nhanh chóng kiếm lại 120 USD bù vào tiền card đồ họa, thậm chí đủ để mua một thanh khác với giá 200 USD.
Sử dụng NiceHash, cậu chuyển sang đào Ether, loại tiền mã hóa phổ biến thứ 2 sau Bitcoin. Để đào nhiều hơn, cậu mua lại vài chiếc máy tính từ một giáo sư, người nghĩ rằng những chiếc máy đó gần như sắp hỏng. Khi trang bị card đồ họa thích hợp, những chiếc máy này vẫn có thể đào coin tốt.
Tình cờ dấn thân
Mỗi khi Mark đào đủ cho chi phí bỏ ra, cậu lại mua card đồ họa mới, số còn lại đổi lấy Bitcoin. Đến tháng 3/2017, cậu đã sở hữu 7 chiếc máy tính, đào Ether tại chính căn phòng trong ký túc xá của mình.
Đến tháng 9, lợi nhuận của cậu đạt xấp xỉ 1 Bitcoin – khoảng 4.500 USD thời điểm đó. Hiện tại, số tiền mã hóa cậu kiếm được đã tương đương 20.000 USD. “Chủ yếu là nhờ tiền mã hóa tăng giá”, cậu nói.
4 chiếc máy tính dùng để đào Bitcoin của Mark trong phòng ở ký túc xá. Ảnh: Quartz. |
Không riêng Mark, sinh viên tại nhiều nơi trên thế giới đang tận dụng những chiếc máy tính của mình để đào coin ngay tại ký túc xá. Với một bộ máy đào tiền mã hóa thông thường, tiền điện là chi phí đắt đỏ nhất. Tuy nhiên, tại ký túc xá của Mark, nhà trường chi trả toàn bộ hóa đơn tiền điện. Điều này giúp cậu và các sinh viên khác kiếm được lợi nhuận lớn hơn so với các cá nhân đào coin khác.
Giống với Mark, hầu hết sinh viên đào coin ban đầu để cho vui, không mất phí với mong muốn kiếm đôi chút tiền lời. Khi hoạt động này phát triển, họ mới thực sự thấy hấp dẫn với tiền mã hóa hay blockchain. Đào tiền mã hóa được xem là cánh cửa để khám phá công nghệ mà nhiều người dự đoán sẽ làm thay đổi cuộc sống chúng ta.
Theo Quartz, thực trạng sinh viên đào coin kiếm tiền đang nở rộ như bong bóng tại nhiều nơi trên thế giới.
Để có thể đào Bitcoin kiếm lời hiện nay, bạn cần một bản mạch tích hợp đặc biệt (ASIC) chuyên để đào coin. Một chiếc ASIC có sức mạnh hơn 100.000 lần so với máy tính gắn card đồ họa thông thường. ASIC có giá rất đắt, lên đến vài nghìn USD cho một mẫu thông dụng và rất ngốn điện. Nếu giá Bitcoin không đủ cao, người đào sẽ lỗ nặng với chi phí tiền điện và linh kiện đắt đỏ.
Trong khi đó, những loại tiền mã hóa thay thế như Ether không cần đến ASIC, đồng nghĩa bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền với một chiếc máy tính cá nhân. Tất nhiên, chúng vẫn cần card đồ họa để vận hành mạnh mẽ hơn.
Một chiếc máy tính khác, đồng thời là thiết bị làm việc hàng ngày của Mark. Ảnh: Quartz. |
“Rất trùng hợp khi tôi biết được thông tin về đào tiền mã hóa, tôi đang dựng một chiếc máy tính để chỉnh sửa video, một vài công việc về AI”, Arjun Singh Brar – sinh viên mới tốt nghiệp của đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore nói. Với việc được sử dụng điện miễn phí, cậu nghĩ “tại sao tôi không thử (đào coin)”.
Tiền điện miễn phí và sức nóng kinh khủng
Theo tính toán của Mark, 4 trên 35 phòng ở tầng của cậu sở hữu những chiếc máy đào tiền mã hóa. Không giống cậu, phần lớn chỉ dùng một chiếc desktop với một hoặc 2 card đồ họa. Không ai trong số họ biết MIT sẽ đối xử ra sao nếu phát hiện việc đào coin nên họ cố gắng giấu hoạt động này.
MIT theo dõi lượng điện sử dụng theo tòa nhà, thay vì theo cá nhân. Lượng điện tiêu thụ của những người đào coin như Mark chưa đủ để gây sốc với nhóm điều hành.
Không phải trả tiền điện nhưng Mark vẫn phải trả giá cho hoạt động của mình. Nhiệt độ trong căn phòng luôn vượt xa mức thông thường. “Với sức nóng 2.000 watt hoạt động liên tục, tất cả socola tôi vô tình để lại đều tan chảy”. Đó là sau khi cậu đã dời 2 chiếc máy đào đến phòng bạn gái ở tầng 3 vì nhiệt độ trong phòng vào mùa hè là không thể chịu nổi.
“Nó thực sự rất ồn và nóng. Bạn gái tôi không vui vì phải ở đó vào buổi tối”, Rahul, sinh viên của trường Standford chia sẻ.
Abouzeid phải dùng quạt để thổi bớt sức nóng từ chiếc máy tính của mình. |
Nicholas Abouzeid, trường Babson (Massachusetts) thì dùng một chiếc MacBook Pro và luôn mở cửa phòng ngủ để thoát nhiệt. “Nhiệt độ trong phòng tôi luôn ở mức khoảng 35 độ”. Vài tháng trước khi ra trường, cậu sử dụng một chiếc quạt để thổi không khí nóng khỏi dàn máy tự tạo của mình.
Nhanh được, nhanh mất
Trong khi Mark vẫn chưa gặp phải vận rủi nào, Rahul – sinh viên đã tốt nghiệp trường Stanford – từng bị mất một khoản lớn. Tháng 12/2013, cậu bỏ ra vài nghìn USD để mua ASIC. Trong 3 tháng đầu, cậu đào được lượng tiền mã hóa trị giá khoảng 10.000 USD (giá Bitcoin khi đó chỉ khoảng 800 USD). Tin rằng giá Bitcoin sẽ tăng, cậu dùng số đó, bỏ thêm 10.000 USD khác để đầu tư Bitcoin trên Mt. Gox – sàn giao dịch Bitcoin lớn và đáng tin nhất thế giới.
Tháng 2/2014, Mt. Gox bị hack và mất 740.000 Bitcoin. Sàn này tuyên bố phá sản và Rahul mất sạch. Ngay cả khi đệ đơn kiện cùng nhiều người khác, cậu chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào của việc thu hồi được tài sản.
“Số BTC cùng với khoản đầu tư thêm của tôi có thể trị giá 6 con số tính theo giá hiện nay”, cậu nói. “Tôi đã mất sạch”.