Cuộc sống của dân gay và ‘hi-fi’ tại Trung Quốc
Zhao Xin vốn là trai đồng tính, sống tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Anh cho hay, hễ cứ đến công ty nào một thời gian là các đồng nghiệp lại hỏi về chuyện anh có bạn gái hay chưa.
Ảnh minh họa |
Zhao chia sẻ: “Điều khiến tôi phát điên là các đồng nghiệp luôn hỏi những câu kiểu như: “Tại sao anh không có bạn gái?. Tôi không còn cách nào khác để khiến họ thôi những câu hỏi kiểu như vậy bằng cách thừa nhận mình là gay".
Trước tình cảnh như vậy, Zhao muốn chuyển việc để đi nơi khác. Zhao nói: “Tôi không muốn gặp rắc rối. Tôi không muốn các đồng nghiệp nhìn mình bằng ánh mắt khác, không muốn bị áp lực và kỳ thị”.
Vấn đề mà Zhao quan tâm được nêu lên trong một báo cáo ngày 17/5 – ngày quốc tế chống đồng tính.
Bản báo cáo trên do Trung tâm giáo dục và văn hóa Aibai tiến hành. Họ khảo sát người đồng tính và 2 giới tính từ độ tuổi từ 16 đến 59 từ 17 tỉnh thành tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy, gay và người thuộc cả 2 giới ở Trung Quốc phải đối mặt với sự kỳ thị rất lớn từ đồng nghiệp và ông chủ. Điều này khiến họ ngại chia sẻ về giới tính thật của mình tại nơi làm việc.
Theo bản báo cáo trên, 47% trong số 2.161 trả lời họ giấu kín giới tính thật của mình, trong khi đó chỉ có 6% công khai. Phần còn lại cho hay, họ chỉ tiết lộ sự thật về bản thân với một số đồng nghiệp.
Được thành lập năm 1999, Aibai là tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy sự bình đẳng trong cộng đồng LGBT (les, gay, hi-fi và chuyển giới).
Không ít người nói rằng họ tìm cách che giấu giới tính thật của mình ở nơi làm việc với lý do, họ ngại chuyện ngồi lê đôi mách tại công ty và những ảnh hưởng tiềm tàng đối với các mối quan hệ và sự phát triển nghề nghiệp.
Khảo sát cũng cho thấy, 38% những người được hỏi thường xuyên bị xúc phạm hoặc “đá xoáy” chuyện giới tính, trong khi 30% tiết lộ, họ không nhận được sự tôn trọng đúng mực tại nơi làm việc. 270 người tin rằng họ mất cơ hội thăng tiến vì sự lệch lạc giới tính. 20% bộc bạch, họ nghỉ việc hoặc cân nhắc đến chuyện nghỉ do áp lực và sự kỳ thị từ phía đồng nghiệp.
Công khai giới tính để đổi lấy sự thoải mái
Không giống như Zhao, một người khác thuộc giới tính thứ 3 lấy tên giả là Xin Xin chọn cách công khai giới tính của mình với đồng nghiệp và sếp.
Xin Xin, làm việc tại một tạp chí thời trang, kể lại: “Ngày xưa, tôi phải giả vờ là đàn ông 100% và tôi luôn stress và khổ sở. Giờ tôi thấy thư thái và hạnh phúc vì cuộc sống của mình. Nhiều người không hiểu về gay. Một trong số họ vẫn xem đồng tính là một bệnh”.
Nhà tình dục học Zhang Beichuan đưa ra quan điểm rằng yếu tố để cải thiện tình hình của LGBT nằm ở chỗ Chính phủ phải nỗ lực nâng cao kiến thức và hiểu biết của cộng đồng về LGBT, bắt đầu từ trường học.
Ở Trung Quốc, đồng tính bị loại ra khỏi danh sách các bệnh về thần kinh năm 2001 trong khi Tổ chức Y tế thế giới đã làm điều đó hồi tháng 5/1990.
đỗ quyên
Theo Infonet