Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống của cháu bé văng khỏi bụng mẹ giờ ra sao?

Quốc Huy về nhà được mấy tháng nhưng gần như ngày nào gia đình cũng nhận được điện thoại hỏi thăm của nhiều người, không chỉ từ mọi miền trên cả nước và cả kiều bào ở nước ngoài.

Trong những ngày nhộn nhịp cuối năm, chúng tôi đã đến xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để thăm lại cháu Nguyễn Quốc Huy - bé trai văng ra khỏi bụng mẹ cách đây vài tháng.

Với kiểu chào đời quá đặc biệt - bị văng ra khỏi bụng mẹ gần 7 m, sự sống của Quốc Huy như một phép màu. Cháu được nhiều người xem như cậu bé “con của Trời”.

Khuôn mặt hồn nhiên tươi cười của bé Quốc Huy.
Khuôn mặt hồn nhiên tươi cười của bé Quốc Huy.

Đi qua con đường quê được bê tông hóa dài hơn 10 km của xã Phú Thuận, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ là nơi ở của gia đình ông bà ngoại bé Quốc Huy. Lần này gặp lại, Quốc Huy đã được gần 5 tháng tuổi, bé rất ngoan và kháu khỉnh dù đã mất một chân.

Từng ngày, bé lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của ông bà ngoại và các dì. Ông Nguyễn Văn Khoảnh, ông ngoại bé Quốc Huy kể, do từ những ngày đầu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, cả nhà đã cùng nhau chăm sóc bé nên cũng “mến tay mến chân”. Trừ những lúc đi làm, thời gian còn lại mọi người đều dành để chăm sóc bé.

Nhắc về cái ngày định mệnh 25/10/2014, hôm xảy ra tai nạn cướp đi mạng sống chị Nguyễn Thị Kim Ngọc - mẹ Quốc Huy, lấy đi một phần thân thể anh Nguyễn Văn Nam - cha Huy và khiến bé ra đời trong một hoàn cảnh nguy hiểm, gương mặt ông bà ngoại bé vẫn còn nguyên sự đau đớn.

Mất mát ấy quá to lớn nhưng "ông trời vẫn còn thương gia đình" vì bé Quốc Huy vẫn được sống. Cả gia đình xem bé không chỉ là một thành viên tí hon mà còn là sự hiện diện của chị Ngọc.

Huy vẫn kháu khỉnh dù chỉ có một chân.
Huy vẫn kháu khỉnh dù chỉ có một chân.

Cũng chẳng biết từ khi nào và do ai phân công mà mọi công việc chăm sóc bé Quốc Huy đều được mọi thành viên trong gia đình chia nhau, khi thì bà ngoại, khi ông ngoại, khi thì các dì, cứ thế đều đặn chăm bé ăn, lo cho bé ngủ. Các anh chị của Huy, cũng là cháu ngoại trong gia đình, đều rất thương yêu bé, hễ đi học về, làm bài tập xong là ngồi chơi với cậu.

Có những lúc chợt nhớ về chị Ngọc, gia đình lại cùng nhìn về bé Quốc Huy, vì ở đâu đấy, trên khuôn mặt xinh xắn kia là hình ảnh của chị, với đôi mắt long lanh, khuôn miệng luôn cười…

Ông Khoảng kể từ ngày có Quốc Huy, cả gia đình như càng gắn kết lại với nhau hơn, bé như là sợi dây tình cảm gắn kết mọi thành viên. Dù có đi đâu, xa đến đâu, trễ đến mấy nhưng mọi người đều tranh thủ về với bé. Nhìn bé lớn lên từng ngày, trông từng hành động ngây ngô, từng nụ cười, từng tiếng ê a của bé, nỗi đau mất mát của gia đình cũng dần vơi đi.

Hiện tại, hằng tháng bé Quốc Huy vẫn lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) để các bác sĩ thăm khám. Nói về cháu trai đặc biệt của mình, ông Khoảnh bảo: “Nó ngoan lắm, nhiều lúc làm cả nhà cười phá lên bằng mấy cái lật, rồi lại cười giòn”.

Lớn lên với cơ thể không lành lặn như những trẻ khác nhưng bé lại rất ngoan. Là người hằng ngày trực tiếp chăm sóc bé từ giấc ngủ đến từng thìa sữa, bà Thái Thanh Nga, bà ngoại Quốc Huy, vừa ẵm bé trên tay vừa kể cho chúng tôi nghe: “Nó uống sữa dễ lắm, cứ hễ khóc e e là biết đói, đưa bình sữa vào là bú ngay chứ không bao giờ đòi mẹ như mấy đứa khác cả. Lúc tôi bận thì mấy dì nó làm thay, thế là cả nhà ai cũng cho nó uống sữa được hết”.

Tết này bé trai văng khỏi bụng mẹ được ngoại mua ruộng đất

Hơn nửa đời người làm nông dân, ông Khoảnh muốn cháu ngoại lớn lên phải có đất cấy cày. Hàng chục công ruộng vừa mua được trồng lúa lấy lợi nhuận nuôi bé Huy ăn học.

Thương cho hoàn cảnh của Huy, mấy dì trong nhà hễ rảnh là cắt may cho bé cái quần, cái áo. Bà ngoại bé cho biết: “Dì út cứ rảnh là đem vải ra may quần cho bé. Nhiều người cho đồ lắm chứ nhưng dì út nói phải may rộng rộng vậy cho bé thoải mái”. Vừa nói bà lại vừa vuốt vuốt cái chân không lành lặn của Huy.

Quốc Huy về nhà đã được mấy tháng nhưng gần như ngày nào gia đình cũng nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm của nhiều người, không chỉ từ mọi miền trên cả nước và cả kiều bào ở nước ngoài. Thỉnh thoảng, có đoàn còn đến tận nhà tặng sữa, quần áo, đồ chơi… cho bé. Điều đó cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với Quốc Huy. Tình yêu thương ấy là động lực không nhỏ, giúp gia đình vượt qua khó khăn để chăm sóc thật tốt cho bé.

Quốc Huy hạnh phúc bên vòng tay chăm sóc của ông bà ngoại và các dì.
Quốc Huy hạnh phúc bên vòng tay chăm sóc của ông bà ngoại và các dì.

Bà Nga cho biết nhiều mạnh thường quân nhắc khi nào gia đình đưa bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám thì cho họ hay. Họ sẽ mang theo sữa, quần áo cho Huy nhưng điều họ muốn nhất là được nhìn thấy bé cười. 

Cũng chẳng biết từ khi nào mà Huy đã trở thành vị thiên thần nhỏ hay mang đến nụ cười và niềm hạnh phúc cho người khác. Ở bé có điều gì đó khiến người khác mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Không thấy cha của bé Quốc Huy đâu, chúng tôi hỏi thì ông bà ngoại bé cho biết anh Nam đã trở về nhà cha mẹ ruột ở huyện Chợ Mới để tập đi vì mới được lắp chân giả. Anh Nam mong muốn sớm đi làm trở lại để có thể tự tay chăm sóc và nuôi 2 con. Ông Khoảnh cho hay: “Có nhà hảo tâm trên thành phố cho nó cái chân giả nhưng đến nay tập đi được thời gian rồi vẫn đau, sắp tới mà đau nữa phải lên bệnh viện làm cái khác cho vừa”.

Theo ông Khoảnh, từ lúc về, anh Nam hay sử dụng số tiền được các nhà hảo tâm đóng góp để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn gần nhà. “Nhà ai hư hại nặng thì nó giúp khoản tiền nho nhỏ để phụ sửa chữa, rồi lấy tiền mua gạo cho những hộ nghèo khác trong ấp” – ông Khoảnh nói.

Về dự định sắp tới, ông ngoại Quốc Huy bày tỏ mong muốn dùng số tiền được những tấm lòng hảo tâm ủng hộ mua một mảnh đất xây nhà để dành cho chị em bé khi lớn lên. Còn từ đây đến đó, căn nhà sẽ cho những người nghèo lân cận thuê với giá rẻ, số tiền thu được dùng để chăm lo cuộc sống bé Quốc Huy.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cuoc-song-cua-chau-be-vang-khoi-bung-me-gio-ra-sao-20150220094636638.htm

Theo Nguyễn Trần/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm