Những quán bar dành cho người nước ngoài ở thủ đô Manila là nơi kiếm sống của nhiều người lùn Philippines với mức lương tương đối thấp, chưa kể các phụ phí.
Chế độ đãi ngộ không xứng đáng
Quán bar Ringside ở quận Makati, Manila, chìm trong ánh đèn neon. Tại đây, một nhóm khách nước ngoài ngấm men rượu đang tán dương những người lùn trên sàn đấu nhỏ. Tiếng cười vang lên khi một người lùn lấy chai rượu tequila ở góc sàn đấu, tu một hơi dài, trước khi loạng choạng bước đi và xác định vị trí của đối thủ.
Những hoạt động như thế này diễn ra từ 20h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau ở Ringside với sự tham gia của hàng chục người lùn. Thậm chí trong nhiều trận, các khách Tây còn được mời lên làm trọng tài.
Những võ sĩ lùn bên ngoài quán bar Ringside ở Manila, Philippines. Ảnh: Red Door News Hong Kong. |
Những quán bar như này thu hút du khách với tấm biển quảng cáo “đấm bốc người lùn” ngoài cửa. Trong khi những quán bar gần đó ngày càng vắng vẻ vì cuộc chiến chống ma túy mạnh tay của Tổng thống Duterte, Ringside với những màn đấm bốc kịch tính của võ sĩ lùn ngày càng hút khách.
Tuy nhiên, những võ sĩ lùn nhận được khoản tiền lương tương đối thấp. Họ được trả 250 peso (5 USD) cho mỗi đêm biểu diễn, ít hơn cả giá đồ uống của một khách hàng trong quán bar. 50 peso trong số đó bị giữ lại để trả phí giặt trang phục.
“(Số tiền này) không đủ để sống, nhất là khi họ còn phải di chuyển quãng đường xa từ nhà đến nơi làm việc mỗi đêm”, một nữ nhân viên nói. “Họ thực sự không được đối xử tốt”.
Làm việc trong những tụ điểm giải trí là một trong số ít lựa chọn của người lùn Philippines. Ở đây, họ không được hưởng hệ thống phúc lợi hoặc chăm sóc sức khỏe đầy đủ, thậm chí bị phân biệt đối xử.
Những chuyển biến tích cực
Tuy vậy, mọi chuyện đã có nhiều thay đổi khi những người lùn ở Manila bắt đầu lên tiếng đòi quyền lợi của mình. Glorian Tomen, một người phụ nữ cao 1,17 m, sống ở thành phố Angeles, cách thủ đô Manila 75 km, đã thành lập một tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những người lùn, kêu gọi bình đẳng trong công việc, hỗ trợ y tế và phúc lợi xã hội.
Glorian Tomen trong một hội thảo. Ảnh: SCMP. |
Bản thân Tomen cũng là một người trải qua thời thơ ấu với những lời chế giễu. Cô tốt nghiệp đại học và hiện là nhà văn kiêm nhà nghiên cứu trong một cơ quan nhà nước.
“Lúc đầu tôi cũng sợ học đại học, tôi lo mình sẽ không sống nổi trong 4 năm như thế. Năm đầu đi học, tôi lạc quan dần lên. Sinh viên ở đây là những người trưởng thành, họ đối xử với tôi cũng khác (so với thời thơ ấu)”, cô chia sẻ.
Cách đây 6 năm ở Philippines, kế hoạch xây dựng một ngôi làng dành riêng cho người lùn không thành hiện thực. Tomen cho hay mục tiêu của cô không hướng đến sự tách biệt như vậy mà là cơ hội hội nhập và bình đẳng cho người lùn. Dù chưa đến Ringside nhưng Tomen cho rằng quán bar này đang làm “giảm giá trị” của những người lùn.
Cô đang chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên của tổ chức này tại một địa điểm nổi tiếng cách Ringside chưa đầy 5 km, mang tên Hobbit House. Đây cũng là nơi làm việc của khoảng 30 người lùn ở Manila.
Việc người lùn được thuê làm công việc giải trí cho du khách ở các khu nghỉ dưỡng châu Á được cho là bắt nguồn từ cơn sốt “đấu vật người lùn” ở Bắc Mỹ vào những năm 1950 – 1960. Đến những năm 1970, số lượng nữ võ sĩ lùn tăng. Môn thể thao này cũng được hồi sinh trên truyền hình Mỹ vào những năm 1990 trước khi “giảm nhiệt” và gây nhiều tranh cãi.
“Đấu vật người lùn” chủ yếu hướng tới các du khách phương Tây tại các khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan, Philippines và Indonesia.