Biển Arab từng là nguồn mang lại thu nhập lớn cho ngư dân các vùng ngoại ô Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan. Cách đây khoảng 10 năm, sau mỗi lần ra khơi khoảng 2 tuần, các ngư dân trở về cùng chuyến tàu luôn đầy ắp tôm hùm, cá ngừ, cá thu... thu được khoản tiền đáng kể nếu đem bán ở chợ.
Tuy nhiên, những năm may mắn bội thu đã không còn, tình trạng ô nhiễm ở vùng biển này đang khiến cuộc sống ngư dân ngày càng khó khăn. "Các vùng gần bờ không còn cá nữa. Muốn đánh bắt, chúng tôi phải đi ra rất xa, ở những vùng biển sâu", ngư dân Ali Muhammad, 40 tuổi, nói.
Lượng cá suy giảm dần do ô nhiễm khiến việc đánh bắt của ngư dân trở nên khó khăn. Ảnh: Washington Post |
Đô thị hóa dẫn đến ô nhiễm biển
Sự ô nhiễm ở các vùng gần bờ của biển Arab xuất phát từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Karachi, từ khoảng 2 triệu người vào năm 1960 đến gần 22 triệu của năm 2015. Phần lớn chất thải đổ trực tiếp ra biển Arab là rác thải sinh hoạt và từ các nhà máy dệt may, sản xuất nhựa, và các nhà máy hóa chất.
Hàng cây đước từng được coi là hàng rào bảo vệ tự nhiên đối với các loài cá và sinh vật dưới nước, nay đang mất dần. Ngoài ra, dù là một thành phố lớn, Karachi chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động. Công tác quản lý xả thải công nghiệp không hiệu quả khiến việc lưu trữ chất thải để xử lý hay đổ thẳng ra các kênh đào thuộc về quyết định của các cơ sở tư nhân.
Do vậy, ông Fayyaz Rasool, quản lý Phòng kiểm soát ô nhiễm biển ở Karachi cho biết khoảng 350 triệu gallon (1 gallon = 3,78 lít) nước thải chưa qua xử lý đã chảy từ thành phố và đổ ra cảng biển mỗi ngày. Lượng nước thải này đủ để làm đầy 530 hồ bơi theo chuẩn Olympic. Ngoài ra, khoảng 8.000 tấn chất thải rắn cũng bị đổ trực tiếp ra cảng mỗi ngày. Một lượng lớn rác thải khác đi theo dòng sông Indus và đổ ra biển Arab.
"Cảng biển ở Karachi là một trong những điển hình tồi tệ nhất về ô nhiễm. Đây là nơi ô nhiễm nhất so với các vùng mà tôi từng đến thăm trên thế giới", Mohammad Moazzam Khan, cựu Bộ trưởng Thủy sản Pakistan, nói với báo Washington Post.
Nếu muốn đánh bắt, các ngư dân buộc phải đi thật xa bờ, tiến ra những vùng biển sâu. Ảnh: Washington Post |
Tại một đất nước mà nước sạch và các cơ chế thu gom rác vẫn còn là điều khan hiếm, không nhiều người cảm thấy cuộc sống bị ảnh hưởng do tình trạng ô nhiễm biển. Trong những mùa hè oi bức, hàng nghìn người vẫn đổ về biển để cắm trại và tắm biển. Những gia đình giàu có vẫn xây biệt thự ven biển, các nhà hàng vẫn quảng cáo các món thủy sản đặc trưng địa phương.
Cuộc sống bấp bênh của ngư dân
Tuy nhiên, các ngư dân mới là những người chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Ngoài việc lượng cá suy giảm, họ còn đối diện với nhiều bệnh tật mới phát sinh do ô nhiễm môi trường, như thính giác suy giảm, suy hô hấp, các bệnh về đường ruột và ngoài da. "Chỉ trong 3 năm, tóc của tôi chuyển dần từ đen sang bạc", ngư dân trẻ Waqar Baloch, 17 tuổi, nói.
Làng Abdul Rehman Goth tại Vịnh Hawk ở cách một nhà máy điện hạt nhân nhỏ khoảng vài cây số. Nhà máy được xây dựng từ thập niên 1970, và bây giờ người dân đang cáo buộc phóng xạ của nó ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Giới chức địa phương nhiều lần khẳng định các kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ phóng xạ quanh nhà máy ở mức bình thường.
Một số ngư dân Pakistan đã không còn ra khơi mà họ tìm công việc mới ổn định hơn. Ảnh: Washington Post |
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng ngư dân vùng này đang bị các triệu chứng do tiếp xúc với những chất độc hóa học trong quá trình đánh bắt. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy loài cá ở Karachi có chứa mức độ đáng kể các kim loại như chromium, cadmium, chì và sắt. "Chúng tôi đang chứng kiến tình trạng ngày càng nhiều người sống quanh khu vực cảng bị các bệnh ngoài da do tiếp xúc trực tiếp với nước", ông Rasool nói.
Theo ông Rasool, thành phố Karachi có kế hoạch xây thêm nhiều nhà máy xử lý nước thải mới. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc triển khai do cần vốn đến 170 triệu USD, và các dự án cũng phải mất nhiều năm mới hoàn thành.
Trong khi đó, người dân làng Abdul Rehman Goth không biết họ còn được bao nhiều thời gian. "Mắt tôi sưng rát, tóc bị rụng nhiều và tôi bị các bệnh về đường tiêu hóa. Khoảng tháng 3 đang là mùa đánh bắt tôm, nhưng chúng ngày càng ít dần so với 7 - 8 năm trước", Shakeel Ahmed, 22 tuổi, nói.
Trong khi đó, ngư dân Faqueer Mohammad, 19 tuổi, vừa kéo thuyền lên bờ, cho biết: "Chúng tôi vừa ra khơi khoảng 2 tiếng nhưng không tìm được con cá nào. Bây giờ nếu muốn đánh bắt phải đi thật xa, khoảng 8 tiếng liên tục".
Vào những ngày không ra khơi, những người đàn ông tụ tập cùng đan lưới hoặc sửa thuyền. Phần lớn trẻ em tại làng không đi học, chúng kéo ra biển tìm tảo biển hoặc chơi đùa. Trong khi đó, như nhiều vùng khác ở Pakistan, phụ nữ chủ yếu ở trong nhà.
Khi kế sinh nhai trở nên bấp bênh, Mohammad cũng như nhiều ngư dân khác rất muốn tìm công việc mới. Dẫu vậy, một rào cản lớn của những ngư dân truyền thống như Mohammad là không được đi học đầy đủ nên không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho công việc mới. Pakistan cũng là một trong những nước có tình trạng thất nghiệp cao.
Tuy nhiên, các ngư dân như Mohammad tự hào rằng họ là những người bơi giỏi nhất ở Pakistan. Đây là tuyên bố có cơ sở, đặc biệt với những người vẫn sống sót trở về sau khi các chuyến tàu đánh bắt của họ bị lật giữa biển. Hàng xóm của Mohammad, anh Abid Ali, 25 tuổi, đã hoàn toàn từ bỏ nghề ra biển. Bây giờ anh kiếm được 75 USD/tháng nhờ công việc cứu hộ tại khu tắm biển ở Karachi.